“Ông tổ” gà rán KFC: Bằng chứng cho thành công từ đam mê và kiên định theo đuổi
Cho dù bạn có thích gà ràn KFC hay không thì câu chuyện thành công của Đại tá danh dự Kentucky – Harland Sanders, cũng đồng thời là “ông tổ” của món ăn huyền thoại này thực sự là một bài học vô cùng ý nghĩa. Bởi đây chính là minh chứng cho khẳng định rằng sự bền bỉ, cống hiến, hoài bão và tinh thần làm việc không ngừng nghỉ có thể tạo ra thành công, bất kể lứa tuổi.
Harland Sanders (1890 – 1980) sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo ở bang Indiana. Khi Sanders lên 6 tuổi, cha của ông qua đời nên ông phải chăm sóc em trai và em gái trong khi người mẹ làm lụng vất vả cả ngày để nuôi sống cả gia đình. Là một cậu bé giàu nghị lực nên khi lên 7 tuổi, Sanders đã sở hữu kỹ năng nấu ăn sành sỏi.
Năm ông 12 tuổi, mẹ của ông tái hôn. Bố dượng không thích những đứa bé trai ở trong nhà nên em trai của ông bị chuyển đến sống với người cô còn ông thì bị đưa đến một trang trại cách nhà 80 dặm để làm việc. Chẳng mấy chốc, Sanders nhận ra rằng ông thích làm việc cả ngày hơn ở trường nên ông đã bỏ học khi đang học lớp 7.
Ngoài phục vụ trong quân đội Cuba, Sanders còn “dành” nửa đời đầu tiên của mình làm rất nhiều việc khác để kiếm sống như đốt lò trên những chuyến tài hỏa đi khắp vùng phía Nam, bán bảo hiểm, bán lốp xe, làm công nhân điện hay lái phà….
Vào năm 1930, Sanders nhận được một công việc trong một quầy ăn nhỏ tại trạm xăng ở Corbin (Kentucky) và hàng ngày, ông phục vụ khách hàng những món ăn miền Nam truyền thống. Dần dần, quầy ăn của ông trở nên nổi tiếng, được nhiều người biết đến hơn và ông quyết định mở rộng nó thành một nhà hàng.
Vào năm 1939, Sanders nhận thấy rằng việc rán gà kết hợp cùng 11 loại hương vị và thảo mộc trong một thiết bị mới – một chiếc nồi áp suất (khác hoàn toàn với những thứ được sử dụng hiện nay) đã tạo ra một công thức nấu ăn vô cùng tuyệt vời mà ông luôn tìm kiếm.
Trong vòng 10 năm sau đó, nhà hàng của Sanders bắt đầu nổi danh và nhận được sự ủng hộ của rất nhiều người. Vào năm 1950, thống đốc bang Kentucky đã phong tặng Sanders danh hiệu đại tá nhằm tôn vinh những đóng góp của ông đối với nghệ thuật ẩm thực của vùng. Sanders bắt đầu mặc trang phục màu trắng, thắt cà vạt “Đại tá danh dự Kentucky” khiến ông trở thành một biểu tượng của văn hóa truyền thống.
Vào năm 1952, Sanders đã thỏa thuận với Pete Harman – một người bạn lúc đó là chủ của một nhà hàng bán món gà của mình dưới thương hiệu “Kentucky Fried Chicken” để đổi lấy một khoản tiền 4 cent trên mỗi miếng gà được bán. Sau khi nó trở thành một trong những thứ bán chạy nhất, Sanders đã thực hiện thỏa thuận này cùng với nhiều nhà hàng địa phương khác.
Mọi thứ đã diễn ra suôn sẻ nhưng khi dự án đường cao tốc liên bang đi ngang qua nhà hàng của Sanders cùng với sự xuống dốc của nền kinh tế đã khiến ông bị phá sản. Ông đã phải bán cơ nghiệp với số tiền chỉ đủ để trả thuế và sống bằng tiền trợ cấp xã hội – lúc đó vào khoảng 105 USD/tháng. Tuy nhiên, ông đã quyết định không nghỉ hưu và không chấp nhận bị đánh bại.
Kể từ khi đóng cửa nhà hàng, Sanders đã dành hầu hết thời gian của mình để thực hiện công việc mà ông đã từng làm 4 năm trước đó: thuyết phục các chủ nhà hàng bán món gà rán của mình. Ông đã xuống đường cùng vợ và chiếc xe chở một vài chiếc nồi áp suất, bột mì và gia vị. Ông đã đi vào một nhà hàng, đề nghị họ được nấu món gà của mình và sau đó, nếu họ thích món ăn, ông sẽ đưa ra thỏa thuận.
Mặc dù khởi đầu khá may mắn nhưng ở tuổi 60, khi mà đáng lẽ đó là thời gian ông dành cho bản thân mình sau một quá trình làm việc vất vả để kiếm sống thì Harland Sanders lại tiếp tục theo đuổi niềm đam mê bằng cách gõ cửa từng cửa hàng, trổ tài chế biến gà rán của ông với hy vọng sẽ có một nhà hàng chấp nhận nhượng quyền. Tuy nhiên, ông đã bị từ chối lên đến 1.009 lần và ước mơ quảng bá món gà rán của mình đến với tất cả mọi người chỉ đạt được khi ông đã 65 tuổi.
Cho tới năm 1963, Sanders không còn phải đi lại nhiều nữa khi các yêu cầu nhượng quyền liên tục chuyển về ông và ở thời điểm đó đã có hơn 600 nhà hàng trên khắp nước Mỹ và Canada bán gà dưới thương hiệu Kentucky Fried Chicken. 10 năm rong ruổi với niềm đam mê của mình, cuối cùng ông cũng đã hoàn thành được ước mơ: đưa món ăn của mình đến với nhiều người hơn trên thế giới.
Kể từ đó, món gà rán của ông ngày càng được biết đến bởi nhiều người và khi việc kinh doanh đã vượt tầm kiểm soát, Sanders đã quyết định bán thương hiệu cho một nhóm người. Họ thành lập nên Kentucky Fried Chicken Corporation và mời ông làm “Đại sứ thiện chí”. Dưới sự quản lý của người sở hữu mới, Tập đoàn gà rán Kentucky đã phát triển một cách nhanh chóng và thực hiện cổ phần hóa ra công chúng vào năm 1966, ga nhập thị trường chứng khoán New York vào năm 1969 và được PepsiCo mua lại vào năm 1986. Đến năm 1997, PepsiCo đã chuyển hệ thống nhà hàng thức ăn nhanh, bao gồm cả nhãn hiệu KFC sang Tập đoàn YUM! Restaurants International (từng biết đến với tên gọi Tricon Global Restaurant). Ngày nay, KFC là hệ thống nhà hàng phục vụ gà rán lớn nhất thế giới với hơn 10.000 nhà hàng và có mặt tại 92 quốc gia.
Nói về thành công của Harland Sanders, không chỉ là niềm đam mê, tinh thần làm việc không mệt mỏi mà quan trọng hơn đó là chất lượng món ăn và thái độ phục vụ. Để tăng niềm tin cho khách hàng vào chất lượng vệ sinh của nhà hàng, ông đã đặt bếp ngay sau quầy để họ có thể quan sát quá trình chế biến thức ăn; lựa chọn sơn màu trắng cho cửa hàng để mọi viết bẩn được kịp thời phát hiện và xử lý tức thì. Sanders quan niệm bàn ăn của khách phải luôn sạch sẽ và sáng sủa nhất có thể. Ông còn thường xuyên ghé thăm các cơ sở bất ngờ để kiểm tra quá trình chế biến món ăn có đảm bảo theo công thức, quy trình và an toàn vệ sinh. Cả đời ông đã du lịch 200.000 dặm mỗi năm để ghé thăm những cửa hàng ăn KFC trên khắp thế giới.
Harland Sanders chính là điển hình của một tấm gương kiên định với ước mơ và nỗ lực không ngừng. Hãy nói về điều đó.
Vân Anh – Theo Business Insider/Sưu tầm
http://quantrimang.com/cha-de-ga-ran-kfc-bang-chung-cho-thanh-cong-tu-dam-me-va-kien-dinh-theo-duoi-122641