Giữ hương vị cà phê Khe Sanh
(QTO) – Khe Sanh, Hướng Hóa không chỉ nổi tiếng với nhiều di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh như Sân bay Tà Cơn, Nhà tù Lao Bảo, Khu thương mại Lao Bảo, thác Tà Puồng, hang động Prai, đèo Sa Mù… mà còn được biết đến với hương vị cà phê riêng biệt của vùng đất này.
Không chỉ riêng tôi mà nhiều khách du lịch, khách tham quan, khi đến Khe Sanh, Hướng Hóa đều muốn dành thời gian ghé vào một quán cà phê nào đó để thưởng thức một loại thức uống đã có trên vùng đất này gần cả trăm năm nay.
Thật khó quên có những buổi sáng trời se lạnh, sương mờ lãng đãng, khi lên Hướng Hóa được bạn bè chở qua những con đường nhấp nhô của thị trấn Khe Sanh, rồi ghé vào một quán cà phê, nằm khuất sau những dãy phố. Ở Khe Sanh có nhiều quán cà phê mang lại cho người dùng những hương vị, màu sắc khác nhau, có quán trước mặt UBND huyện, có quán gần các trường học, khu chợ, nằm ven Đường 9, hay nằm sâu bên trong các con đường, khu dân cư thị trấn. Thời gian gần đây khi mà đời sống người dân được nâng cao, một số chủ quán đầu tư hàng tỉ đồng để xây dựng quán cà phê với kiến trúc theo lối nhà cổ được xây cất, chạm trổ công phu, mái ngói đỏ tươi, khuôn viên quán được tạo cảnh quan với nhiều cây cảnh, hồ cá.
Vào những năm 20 của thế kỷ XX, người Pháp đã nghiên cứu điều kiện đất đai, khí hậu, thổ nhưỡng của vùng đất này và gieo trồng ở đó những cây cà phê đầu tiên mà đối với người Việt là một loại cây còn nhiều xa lạ. Về nguồn gốc cây cà phê Khe Sanh, một số ý kiến cho rằng năm 1918 khi ông Poilane (quân nhân người Pháp) lần đầu tiên đi qua Khe Sanh đã bị hấp dẫn bởi cây cối tốt tươi ở đây và nghĩ rằng vùng đất đỏ này có thể trồng được cây cà phê. Năm 1926 Poilane quyết định quay trở lại Khe Sanh và mang theo giống cây cà phê Chiari để gieo trồng lên mảnh đất này. Cây cà phê bén rễ, phát triển tốt, mang lại niềm vui cho nhiều người. Tại đây, một đồn điền cà phê của người Pháp mọc lên, rồi sau đó là nhiều đồn điền khác cũng được mở ra khắp vùng. Hương vị cà phê Khe Sanh nổi danh cũng bắt đầu từ đó, sản phẩm cà phê Hướng Hóa được xuất khẩu sang Pháp, rồi từ đó sang các nước châu Âu.
Khi cơ chế thị trường rộng mở, khi người nông dân được khuyến khích làm giàu trên mảnh đất của mình, cây cà phê mới được sống lại, được đầu tư mở rộng diện tích ở các xã: Hướng Phùng, Hướng Linh, Tân Liên, Hướng Tân, Hướng Sơn, xã Húc. Trong đó xã Hướng Phùng có diện tích trồng cà phê thuộc loại cao nhất huyện với hơn 1.600 ha. Cà phê Hướng Hóa chủ yếu là loại Arabica. Có thời kỳ chất lượng cà phê chưa được coi trọng, người ta pha trộn, ngâm nước trước khi bán để tăng trọng lượng, khiến cho cà phê xứ này không có được thương hiệu, giá bán cũng bị giảm. Không thể để tồn tại kiểu làm ăn dễ dãi, lừa đối khách hàng, huyện Hướng Hóa đã có nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng, quyết tâm tạo dựng thương hiệu cà phê Khe Sanh.
Nhiều cán bộ được phân công về các địa bàn tuyên truyền, vận động người dân thay đổi cách nghĩ, cách làm để nâng cao giá trị cà phê của địa phương; yêu cầu các doanh nghiệp, cơ sở thu mua, chế biến cà phê kiên quyết chỉ thu mua cà phê có tỉ lệ quả chín từ 95% trở lên, không chấp nhận cà phê bị ngâm nước, lẫn tạp chất; khi xuất cà phê ra khỏi địa bàn cũng phải chứng minh được nguồn gốc. Bên cạnh đó khuyến khích người dân thực hiện các biện pháp canh tác hữu cơ, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật; nhiều người dân cũng liên kết với nhau thành lập nhóm hộ trồng cà phê để trao đổi kinh nghiệm và khuyến khích trồng cà phê sạch. Ngoài ra với sự hỗ trợ từ Viện Mê Kông, Hội Cà phê Khe Sanh cũng đã ra đời tập hợp hơn 30 thành viên tham gia với nhiều thành phần như: chủ các nhà máy, cơ sở kinh doanh, chế biến cà phê, nhóm trưởng nhóm nông dân các thôn, bản, các hộ nông dân trồng cà phê trên địa bàn. Người trồng cà phê ở Hướng Hóa cũng đã có ý thức hơn, họ không chỉ tập trung nâng cao chất lượng làm cho hương vị cà phê ngày càng thơm ngon hơn mà còn tìm kiếm thị trường để cà phê vươn ra nhiều nước trên thế giới.Những ai đã uống cà phê Khe Sanh một vài lần thật khó quên hương vị của cà phê xứ này. Ông Patrick, một quân nhân người Mỹ đóng quân ở Hướng Hóa trong thời chiến tranh, từng uống cà phê Khe Sanh, nhớ lại “ cà phê ở đây có mùi thơm dịu rất đặc trưng, khi uống vào có cảm giác đắng, cay và the ở đầu lưỡi sau đó ngọt dần khi vào cuống họng” và nó trở thành thức uống không thể thiếu của những binh sĩ người Mỹ thời đó.
Cà phê Khe Sanh, Hướng Hóa ngày nay có mặt ở nhiều cửa hàng, siêu thị, trở thành thức uống quen thuộc với nhiều người, là món quà tặng bạn ở phương xa, cũng là sản phẩm làm giàu, mang lại cuộc sống ấm no cho người dân các thôn, bản ở vùng đất đỏ ba dan miền Tây Quảng Trị…
Theo Phước An/ Báo Quảng Trị (http://www.baoquangtri.vn/Kinh-te/modid/419/ItemID/157008/title/Giu-huong-vi-ca-phe-Khe-Sanh)