Người Trung Quốc đang có nhu cầu ngày càng lớn với cà phê
Trung Quốc vốn có truyền thống uống trà, nhưng tiêu thụ cà phê đang tăng nhanh ở quốc gia này. Đây là cơ hội lớn cho cà phê Việt Nam.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ xuất khẩu (Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương), hiện nay, trà vẫn đang là thức uống truyền thống của Trung Quốc, tuy nhiên nhu cầu tiêu thụ cà phê của Trung Quốc đang có xu hướng tiếp tục tăng, đặc biệt là ở các khu vực thành phố phát triển.
Tại thị trường Trung Quốc, cà phê hòa tan đang chiếm thị phần lớn nhờ sự tiện lợi trong việc sử dụng. Bên cạnh đó, xã hội phát triển, lối sống thay đổi và sự chấp nhận các xu hướng văn hóa mới của người tiêu dùng Trung Quốc cũng góp phần làm tăng nhu cầu tiêu thụ cà phê hòa tan tại nước này.
Theo công ty nghiên cứu thị trường Mordor Intelligence, thị trường cà phê Trung Quốc được dự báo tăng trưởng trung bình 10,42%/năm trong giai đoạn 2022 – 2027.
Trong khi đó, theo Hiệp hội Cà phê Trung Quốc (CCAB), tiêu thụ cà phê tại nước này đang tăng với tốc độ trung bình hàng năm là 15%. Mặc dù Trung Quốc là nước gánh chịu hậu quả đáng kể từ đại dịch Covid-19 nhưng điều này không làm giảm nhu cầu tiêu thụ cà phê của người tiêu dùng.
Ông Dương Tế Đông, Chủ tịch Hiệp hội Ẩm thực Thành phố Trùng Khánh (Trung Quốc), cho biết, tình hình dịch bệnh Covid-19 trong năm 2021 đã ảnh hưởng tiêu cực tới kinh tế, tuy nhiên thị trường đồ uống ở Trùng Khánh vẫn phát triển ổn định. Trong đó, các loại đồ uống có nguồn gốc từ thực vật phát triển rất mạnh vì có mùi vị phong phú, thơm ngon, đảm bảo sức khỏe, thích hợp cho nhiều môi trường tiêu dùng, từ du lịch tới sử dụng trong gia đình, văn phòng, công sở, hội nghị, tiệc tùng …
Do thị trường cà phê hòa tan ở Trung Quốc đang phát triển rất mạnh, nên nhiều chuyên gia cho rằng, Việt Nam nên đẩy mạnh xuất khẩu cà phê hòa tan sang thị trường này.
Theo ông Lý Thanh Hải, Giám đốc Phát triển kinh doanh thị trường Trung Quốc của Tập đoàn Trung Nguyên Legend, cà phê Trung Nguyên đã vào thị trường Trung Quốc hơn 10 năm qua, chủ yếu là cà phê hòa tan.
Nhờ xây dựng được hệ thống phân phối tại Trung Quốc gồm 15 nhà nhập khẩu, 300 nhà phân phối, 30.000 điểm bán offline và hàng vạn cửa hàng trên kênh online, cà phê hòa tan Trung Nguyên Legend đã có vị trí quan trọng tại thị trường này.
Cụ thể, mỗi năm có khoảng 800 triệu ly cà phê G7 đã được bán ở Trung Quốc. Cứ mỗi 18 ly cà phê của bất cứ thương hiệu nào bán ra trên thị trường Trung Quốc thì sẽ có 1 ly đến từ các thương hiệu của Trung Nguyên Legend. Với 15 triệu người sử dụng thường xuyên, cà phê hòa tan G7 đang là thương hiệu cà phê hòa tan lớn nhất tại Trung Quốc.
Tuy nhiên, để chinh phục được thị trường Trung Quốc, các doanh nghiệp cà phê Việt Nam cần nghiên cứu rõ về thị trường và có chiến lược tiếp cận phù hợp.
Ông Lý Thanh Hải cho rằng, điều đầu tiên và quan trọng nhất với doanh nghiệp nước ngoài khi có kế hoạch tham gia thị trường Trung Quốc là cần chuẩn bị tâm lý. Bởi dù là thị trường có sức mua lớn nhưng Trung Quốc không còn là thị trường dễ tính. Thậm chí, người tiêu dùng Trung Quốc khá khắt khe trong việc được trải nghiệm những sản phẩm mới. Vì vậy, nếu không cải tiến sản phẩm thường xuyên, doanh nghiệp sẽ rất khó chinh phục được người tiêu dùng, phát triển lâu dài tại thị trường này.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần xác định rõ tham gia thị trường Trung Quốc là hành trình và khoản đầu tư dài hạn, nên phải chuẩn bị kế hoạch kinh doanh, nguồn lực đủ cho thời gian tối thiểu 3-5 năm.
Việc trang bị kiến thức về thị trường bản địa cũng là yếu tố rất cần thiết. Điều này có thể thực hiện được thông qua sử dụng đội ngũ nhân sự địa phương. Chẳng hạn, văn phòng tại Thượng Hải của Trung Nguyên Legend hiện có hơn 100 nhân sự, thì tới 95% là người Trung Quốc. Đội ngũ nhân sự địa phương sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm rất nhiều thời gian cho triển khai dự án, nhanh chóng nắm bắt thị trường, tránh sai lầm pháp lý, kết nối nhiều đối tác và đặc biệt hưởng nhiều chính sách ưu đãi của địa phương.
Theo Nông Nghiệp