Uống cà phê vào thời điểm này, bạn có thể hối hận
Cà phê tốt cho sức khỏe về nhiều mặt, thể chất lẫn tinh thần, nhưng đôi khi gây ra rắc rối không nhỏ nếu uống sai thời điểm.
Theo Sci-News, nghiên cứu mới dẫn đầu bởi giáo sư Dipayan Biswas từ tại Đại học Nam Florida – Mỹ cho thấy cà phê và các loại đồ uống giàu caffein khác ngoài giúp bạn tỉnh táo, hưng phấn trong công việc, còn khiến bạn trở nên bốc đồng khi mua sắm.
Tác động mạnh mẽ nhất đối với người uống trên 2 ly cà phê mỗi ngày, trong đó có những ly được sử dụng ngay trước khi mua sắm.
Nghiên cứu mới được thực hiện tại nhiều cửa hàng bán lẻ trên các quốc gia khác nhau và trong phòng thí nghiệm, cho thấy người uống cà phê trước khi mua sắm sẽ chi tiêu nhiều hơn và đem về nhiều món hàng mình không thực sự cần thiết hơn, bất kể họ mua hàng trực tiếp hay mua qua các sàn thương mại điện tử.
Vì vậy, một số của hàng bán lẻ có phục vụ đồ uống miễn phí chứa caffein thường thu được lợi nhuận bất ngờ.
“Caffeine, như một chất kích thích mạnh, giải phóng dopamine trong não, giúp hưng phấn tinh thần và cơ thể. Điều này dẫn đến trạng thái tràn đầy năng lượng cao hơn, do đó làm tăng tính bốc đồng và giảm khả năng tự kiểm soát” – giáo sư Biswas cho hay.
Dopamine chính là dạng hormone được gọi là “hormone hạnh phúc”. Vì vậy cà phê sẽ là ý hay nếu bạn đang cảm thấy tâm trạng tuột dốc, nhưng hoàn toàn nên suy nghĩ lại nếu bạn đang chuẩn bị đi mua sắm và đang muốn chi tiêu hợp lý hơn.
Các thí nghiệm của giáo sư Biswas và cộng sự bao gồm cung cấp cho người đi mua sắm tại một số cửa hàng một ly cà phê thường, cà phê không chứa caffein hoặc nước.
Kết quả cho thấy người uống cà phê có caffein trước khi mua sắm chi tiêu nhiều tiền hơn khoảng 50% và mua nhiều mặt hàng hơn gần 30% so với những người mua sắm không tiếp xúc với caffein. Những người uống cà phê có chứa caffein cũng mua nhiều đồ dùng không thiết yếu hơn những người mua sắm khác.
Thử nghiệm phòng thí nghiệm dành cho người mua sắm trực tuyến cũng đem lại kết quả tương tự, trong đó người uống cà phê có xu hướng lựa chọn nhiều mặt hàng “bốc đồng”.
Nghiên cứu vừa công bố trên Journal of Marketing.
Theo 24h