Văn hóa cà phê thủ đô xưa và nay
Cà phê được người Pháp du nhập vào Hà Nội trong thời kì khai thác thuộc địa lần thứ nhất. Với sự hình thành khu phố Pháp nơi những người Pháp sang định cư sinh sống, họ đã mang theo thứ thức uống yêu thích, và cà phê Hà Nội bắt đầu bước những bước chập chững đầu tiên trên những con đường quanh hồ Hoàn Kiếm.
Tôi không định đi tìm một câu chuyện về nguồn cội mà muốn kể ở đây câu chuyện cà phê Hà Nội, cái thức uống mà dường như giờ ở đâu cũng có. nhưng câu chuyện về cà phê Hà Nội là câu chuyện riêng biệt. Những nét riêng mà nếu bạn là khách du lịch hay người Hà Nội cũng đều cảm nhận được cái “thương hiệu” Hà Nội không thể lẫn vào đâu.
Sau một thời gian thì những quán thuần Việt được mở ra, cà phê Giảng, cà phê Lâm dần dần theo khẩu vị của khách, họ bỏ cách pha cũng như cách rang xây của người Pháp. Cà phê Việt thường được rang với dầu bơ tạo vị ngậy ngậy và chống cháy, thêm vào đó là cách pha Arabica với Robusta hoặc với các loại hạt khác để tạo một vị đậm đà hơn… những quán cà phê khi đó dù giờ còn tồn tại hay đã mất đi rồi nhưng luôn luôn nằm trong tâm thức người Hà Nội như những địa điểm ăn uống mang hồn cách Hà Thành.
Văn hóa cà phêHà Nội không có sự vội vàng trong cách thưởng thức như người Mỹ, không loãng kiểu Pháp, không đậm hương kiểu Ý. Cà phê Hà Nội trong bản tổng phối của thành phố ngàn năm chỉ là một thứ văn hóa ngoại lai với độ tuổi gần một thế kỷ. Nhưng với bản chất của một đất nước luôn luôn biết tinh lọc cái đặc trưng của người ta thành cái riêng của mình, cà phê Hà Nội đã dần thay thế trà trongong văn hóa thưởng thức hàng ngày, biến những không gian đường phố thành một bản hòa tấu thú vị và đa sắc của đủ mọi hàng quán. Chính vậy dù cho đi đâu, cái mà một người con lớn lên trong lòng Hà Nội nhớ về nhiều nhất chính là không gian phố, và cà phê. Tại những buổi gặp gỡ chuyện trò, những hoài niệm được gợi về, mùi hoa sữa của mùa thu, mùi lá úa của buổi chiều tà, hay hình ảnh những gánh hàng rong trĩu nặng đi lại trên hè phố. Mùi cà phê là chiếc la bàn dẫn ta đi tìm hồn cốt đó của Hà Nội. Cà phê Hà Nội – một cái gì đó rất riêng, lại rất chung, thật khó diễn tả.
Những người lớn tuổi hay dân nghiền cà phê, sành điệu trong cách uống cà phê không ai có thể quên được lời xưng tụng dành riêng cho cà phê Hà Nội vào những năm của thập niên 70 – 80, đó là: “Nhân, Lâm, Năng, Giảng”.
Cà phê Giảng gần một thế kỷ nay vẫn hấp dẫn bởi món cà phê trứng độc đáo có một không hai. Cà phê Nhân mặc dù giờ đây không còn không khí cổ kính của ngày xưa mà mang phong cách hiện đại nhưng hương vị cà phê thì vẫn rất ngon, rất riêng. Cà phê Năng ở ngay đầu ngõ nhỏ thuộc phố Hàng Bạc. Quán rất nhỏ, chỉ dăm bộ bàn ghế, với hương vị cà phêđặc trưng và một không gian không thể lẫn vào đâu: tường vôi bàng bạc, những chiến ghế đẩu xinh xắn, nhạt nhòa trong ánh sáng mờ mờ và sự tĩnh lặng càng làm nổi chất tinh túy của cà phê.
Như một góc hồn Hà Nội còn sót lại, Cà phê Lâm (phố Nguyễn Hữu Huân) trầm mặc như những bức tranh Phố Phái (những bức tranh về đường phố Hà Nội xưa lừng danh của họa sĩ Bùi Xuân Phái), nó thật xa xăm và đầy chiêm nghiệm. Cà phê Phố Cổ ở Hàng Hành, ẩn mình như một ốc đảo thanh bình giữa phố tơ lụa tấp nập (phố Hàng Gai). Quán chỉ dành cho khách quen, những người ưa tĩnh lặng và hoài cổ. Trong không gian tĩnh mịch với nhà cổ, hoành phi, câu đối, sân vườn, khóm trúc, vài con gà tre quanh quẩn mổ rêu nơi góc sân, bên hòn non bộ khiến người ta có cảm giác thời gian như ngưng đọng.
Không gian Cà phê Hà Nội giờ đây đã có nhiều thay đổi.Cà phêvỉa hè với những con phố có phong cảnh nên thơ, lãng mạn, không khí thoáng đãng của những hồ nước tự nhiên như hồ Trúc Bạch, hồ Tây, hồ Thiền Quang, hồ Đắc Di, Triệu Việt Vương… Cà phê wifi, cà phê Rock, cà phê sách, cà phê takeaway… là những tụ điểm dường như dành riêng cho giới trẻ. Cà phê trong các cao ốc sang trọng là điểm hẹn của giới doanh nhân như Lakeviewsky lounge trên tầng 18 của khách sạn Deawoo, Summit Lounge tầng 20 khách sạn Sofitel Plaza, Citiview trên nóc tòa nhà Hàm Cá Mập… ở đây có thể vừa thưởng thức café vừa ngắm toàn cảnh thành phố nhộn nhịp vào ban ngày, rực rỡ vào ban đêm.
Trong sự phát triển và giao thoa văn hóa hiện nay, những quán cà phê cổ tồn tại cả gần thế kỷ cùng với những kiểu café vỉa hè, sân vườn, Rock, Wifi… đầy lãng mạn hay sôi động đang làm sinh động, phong phú thêm không gian văn hóa cà phê Hà Nội.
Văn hóa cà phê là dạng văn hóa trẻ đang phát triển và đầy sức sống. Theo những người lớn tuổi và hoài cổ vẫn luôn lo lắng, tiếc nuối khi những giá trị văn hóa tinh thần trong văn hóa ẩm thực đang ngày càng bị lấn lướt bởi giới trẻ ngày càng ưa thích các sản phẩm tiện ích, mang nặng tính công nghiệp. Liệu mai này có còn những quán café nhỏ, sự nhâm nhi chậm rãi bên những giọt café tí tách rơi?.
Theo ELLE Man