Câu chuyện khởi nghiệpTin tức cà phê

Nhiều cơ hội khởi nghiệp với cà phê

Share

Ngành cà phê có sức hút rất lớn với cộng đồng khởi nghiệp khi nhu cầu thị trường chưa bao giờ giảm.


Workshop “Coffee Talk” diễn ra sáng 5-3 với 2 diễn giả là doanh nhân Nguyễn Ngọc Luận, nhà sáng lập thương hiệu cà phê trái cây Meet More và cô Julie Đặng, nhà sáng lập Barista School, đã thu hút hàng trăm người tham dự để nghe chia sẻ những thông tin chuyên sâu về hạt cà phê, khởi sự kinh doanh từ cà phê.

Sức hút kỳ lạ

Đây là một trong những hoạt động ý nghĩa thuộc khuôn khổ chương trình “Tôn vinh cà phê Việt” 2023 do Báo Người Lao Động khởi xướng, tổ chức trong 2 ngày cuối tuần qua tại Trung tâm Thương mại Gigamall (TP Thủ Đức, TP HCM).

Theo doanh nhân Nguyễn Ngọc Luận, ông xuất thân từ ngành xây dựng nhưng quê ở “thủ phủ cà phê”

Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk nên có nỗi trăn trở với đầu ra của cà phê. Năm 2014, cơ duyên đến với ngành chế biến cà phê nông sản của ông khi các đoàn doanh nhân nước ngoài tới Việt Nam tìm nguyên liệu. “Khi ấy, nhiều nông sản của Việt Nam phải “giải cứu”, giá rẻ như: dừa, xoài… là nguyên liệu rất tốt để phối hợp cùng với cà phê để cho ra sản phẩm mới” – ông Nguyễn Ngọc Luận nhớ lại.

Sau quá trình nghiên cứu, đến năm 2017, cà phê nông sản Meet More ra đời khi được phối trộn giữa cà phê và dừa, khoai môn, đậu xanh, xoài…, tạo nên những hương vị mới mẻ, với gu nhẹ, hàm lượng caffeine vừa phải. Sản phẩm này ra đời góp phần giải quyết vấn đề của ngành nông sản Việt Nam là thường xuyên gặp cảnh được mùa mất giá, được giá mất mùa do chỉ bán nguyên liệu, chưa có công nghiệp chế biến hỗ trợ.

Nhiều bạn trẻ quan tâm đến khởi nghiệp từ cà phê khi tham quan các gian hàng tại ngày hội “Tôn vinh cà phê Việt” 2023 do Báo Người Lao Động khởi xướng, tổ chức. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Do sản phẩm mới nên cà phê Meet More đã xuất khẩu trước để khẳng định chỗ đứng, sau đó mới phát triển kênh phân phối nội địa.

Theo ông chủ Meet More, các bạn trẻ cần hiểu khởi nghiệp cà phê theo khái niệm rộng hơn, thay vì chỉ nghĩ tới việc mở quán cà phê. Bởi lẽ, ngành cà phê đang rất cần những mô hình mới, đặc biệt là mảng chế biến sâu.

“Thị trường thế giới rất rộng lớn với 8 tỉ dân, cơ hội cho cà phê Việt rất nhiều, nhất là những nước dùng nhiều cà phê nhưng không thể trồng được cà phê” – ông Luận gợi ý.

Trong khi đó, Julie Đặng đã bén duyên với cà phê từ thời sinh viên khi may mắn gặp được những người thầy không chỉ dạy cô về kỹ thuật mà còn truyền lại tình yêu với cà phê. Cô đã chọn cà phê làm con đường để gắn bó, phát triển sự nghiệp.

“Để thành công với cà phê, cần có kiến thức. Tôi nhận thấy rất nhiều người cũng giống mình, muốn học về cà phê nhưng lại khó tìm được nơi để học, từ đó Barista School ra đời” – Julie Đặng kể.

Theo Julie Đặng, những năm trước đây, nhiều người làm ngành cà phê dễ bị mặc cảm “vì không biết làm gì nên bán cà phê”. Nhưng nay, đây là một ngành đã được nâng lên tầm nghệ thuật, đòi hỏi sự đổi mới và sáng tạo rất lớn.

Theo chuyên gia cà phê này, để khởi nghiệp thành công trong ngành cà phê, mọi người cần có sự chuẩn bị đầy đủ trước khi bắt đầu để tránh thất bại vì nóng vội. “Khi có đầy đủ thông tin, biết đâu người có ý định mở quán cà phê sẽ chuyển sang mảng rang xay hay kinh doanh dụng cụ pha chế, thậm chí là từ bỏ ý định khi thấy tỉ lệ thành công thấp” – Julie Đặng thẳng thắn.

Hấp dẫn cà phê nhượng quyền

Tại khu vực trưng bày các thương hiệu cà phê trong khuôn khổ chương trình “Tôn vinh cà phê Việt” 2023, nhiều thương hiệu có mảng kinh doanh nhượng quyền như: Trung Nguyên, Ông Bầu, King Coffee, Napoli… Tại những gian hàng này, thời điểm nào cũng có người tìm hiểu về nhượng quyền, về khởi sự trong lĩnh vực cà phê.

Ông Lý Quốc Huy, chuyên viên phát triển nhượng quyền miền Nam – Công ty CP Cà phê Ông Bầu, cho biết gian hàng của công ty chủ yếu mời khách hàng trải nghiệm cà phê, không đặt mục tiêu về doanh số. Tuy vậy, trong 2 ngày diễn ra sự kiện, những sản phẩm công ty mang đến đã được bán gần hết. Có hơn 10 khách quan tâm đến mảng nhượng quyền và 8 khách có tiềm năng ký kết hợp tác.

“Đây là con số vượt kỳ vọng của chúng tôi, bởi mô hình cà phê Ông Bầu có mức đầu tư tối thiểu 120 triệu đồng nên không thể so sánh về số lượng với những mô hình có vốn đầu tư ban đầu rất thấp khác” – ông Huy thông tin.

Tương tự, quầy King Coffee dù tập trung giới thiệu về cà phê hòa tan nhưng cũng nhận được sự quan tâm ở mảng nhượng quyền.

Theo các chuyên gia về thương hiệu, việc mở quán cà phê theo hình thức nhượng quyền giúp gia tăng tỉ lệ thành công hơn mở quán độc lập. Chính vì vậy, các chuỗi cà phê nhượng quyền gần đây nở rộ, hút vốn từ các nhà đầu tư cá nhân và chuyên nghiệp.

Tham quan các gian hàng cà phê khá lâu, Nguyễn Gia Phong, sinh viên năm nhất Trường Đại học Kinh tế Tài chính TP HCM, cho biết dù gia đình có kinh doanh cà phê nguyên liệu nhưng anh không biết nhiều về các thương hiệu cà phê. “Đến sự kiện này, tôi mới biết Việt Nam mình có nhiều thương hiệu cà phê được đầu tư bài bản, chuyên nghiệp như vậy” – Phong nhận xét.

Theo Phong, trước giờ rất hiếm khi uống cà phê vì bị “say”. Tại sự kiện này, Phong đã biết đến những sản phẩm cà phê dành cho những người như mình.

Một thế hệ người tiêu dùng mới, với phong cách cà phê khác gu “đắng, sánh, đậm” trước đây, đã tạo ra nhiều cơ hội kinh doanh mới cho các doanh nghiệp trong ngành.

Theo báo cáo của Ipos.vn – vừa công bố đầu năm 2023, trong tổng số gần 4.000 người tham gia khảo sát, số người có tần suất “đi cà phê” 1-2 ngày/tháng chiếm tỉ lệ nhiều nhất, lên đến 53,3%; tần suất 1-2 ngày/tuần là 22,6%. Đặc biệt, có đến gần 9% người được hỏi cho biết họ “đi cà phê” mỗi ngày.

Văn hóa cà phê nở rộ đã thúc đẩy ngành cà phê Việt Nam phát triển với tốc độ được dự báo lên đến gần 8%/năm cho giai đoạn 2022-2027. Quy mô ngành cà phê Việt Nam có thể đạt tới là 15.837 tỉ đồng vào năm 2027.

Khai thác đa giá trị từ cà phê

Giá trị của cà phê từ trước đến nay thường được “định lượng” bởi caffeine có trong hạt cà phê, giúp người dùng tỉnh táo. Thế nhưng, ngành cà phê có thể khai thác thêm dịch vụ du lịch, sản phẩm mật ong cà phê, hạt cà phê dùng để trang trí, khử mùi… Thực tế, đã có một số người trẻ khởi nghiệp dùng bã cà phê để ứng dụng trong ngành thời trang, vừa thân thiện môi trường vừa có tính khử khuẩn.

Theo Người lao động

Share