Câu chuyện khởi nghiệp

Trót yêu cà phê Việt!

Share

Phin pha cà phê đã xuất hiện, sữa đặc có đường rất ngon… nhưng đã đến lúc chúng ta nói về hạt cà phê Việt Nam cũng như văn hóa cà phê Việt Nam
Ở Malaysia có một chuỗi quán cà phê đặc biệt mang tên Kee Nguyễn. Đặc biệt thứ nhất là quán bán đủ loại cà phê Việt Nam, đặc biệt thứ hai là trong tên quán có từ “Nguyễn”!

Sức hút từ một lần thử

Đặc biệt hơn cả là hai anh chàng đồng sáng lập chuỗi quán cà phê này lại chẳng có mối liên hệ nào với Việt Nam, ngoài việc… lỡ thích cà phê Việt sau một lần cùng nhau sang đây du lịch.

Hai chàng trai tên là Radius Khor và Henry Tan, từng làm thiết kế đồ họa trong cùng một công ty. Trong tên quán “Kee Nguyễn”, Kee là họ của Henry, còn Nguyễn được chọn vì đó là họ phổ biến nhất ở Việt Nam.

Khor trước đây không mấy khi uống cà phê thì nay thành “tín đồ” sau một lần thử, còn anh Tan nói với trang Free Malaysia Today rằng anh có thể uống tới 8 tách cà phê Việt Nam mỗi ngày (dù thừa nhận đây không phải là liều lượng đáng khuyến khích).

Sau lần phải lòng cà phê vỉa hè Hà Nội, Khor và Tan quyết định khởi nghiệp bằng phiên bản “cà phê đường phố Việt Nam” ở Malaysia vào tháng 6-2019, lý do bởi tìm mãi ở Malaysia mà không có nơi nào bán loại thức uống “chạm vào trái tim” như vậy.

Thế là quán Kee Nguyễn đời đầu chào sân trong cốp sau của một chiếc xe hơi – một phần biến tấu từ các xe bán cà phê dạo ở Việt Nam, phần khác do họ chưa có đủ vốn thuê mặt bằng! Quán đầu tiên có bàn, có ghế được đặt ở TP Petaling Jaya, bang Selangor, sau đó mở rộng ra các bang khác như Penang, Johor, Melaka…

Radius Khor (trái) và Henry Tan (phải) khi bắt đầu bán cà phê Việt Nam trên xe hơi vào năm 2019… Ảnh: FMT

Cho đến nay, sau gần 4 năm, họ đã có trong tay số chi nhánh ấn tượng là gần 40 và vẫn trung thành với hương vị Việt Nam khi cam kết nhập trực tiếp toàn bộ nguyên liệu từ Việt Nam. Thêm một điểm làm nên nét độc đáo cho Kee Nguyễn là họ bán đủ loại cà phê được sáng tạo ở Việt Nam – từ cà phê trứng, cà phê cốt dừa, cà phê ya-ua…

Sức hút của cà phê Việt thêm phần thuyết phục sau khi tạp chí chuyên về ẩm thực quốc tế TasteAtlas xếp cà phê đá Việt Nam vào tốp những thức uống ngon nhất thế giới trong bảng đánh giá được cập nhật vào tháng 2-2023.

Cà phê đá Việt Nam, theo TasteAtlas, có 2 kiểu gồm cà phê pha với sữa đặc kèm đá và cà phê đen đá – được các chuyên gia ẩm thực chấm 4,6 trên 5 sao, đồng hạng nhất với cà phê Ristretto của Ý.

Tái định danh ở Mỹ

Chuyên mục Ẩm thực của tờ Los Angeles Times vào tháng trước đăng bài viết giới thiệu những quán cà phê Việt ấn tượng nhất ở TP Los Angeles và quận Cam. Trong danh sách này có cà phê trứng ở quán Nếp Café (có cả loại trứng tươi và trứng muối), cà phê ya-ua ở quán Thanh Thi Bakery, cà phê cốt dừa ở DaVien Café và cà phê matcha ở BLK Dot Coffee…

… và tại một quán Kee Nguyễn gần đây. Ảnh: VULCAN POST

Tờ báo nổi tiếng này nhận định cà phê Việt Nam lâu nay vẫn là “chủ lưu” ở khu Little Saigon trong quận Cam nhưng phải đến mấy năm gần đây mới được nâng tầm nhờ vào tham vọng của dân sành uống cà phê thế hệ mới cộng với sự nhanh nhạy “bắt trend” những trào lưu mới ở quê nhà.

Sự trỗi dậy này phần nào đến từ nỗi ấm ức Việt Nam là nước sản xuất cà phê lớn thứ 2 thế giới, sau Brazil, nhưng hiếm loại cà phê ở Mỹ nào ghi xuất xứ từ Việt Nam – theo trang blog nổi tiếng chuyên về cà phê Sprudge.

Một phần nguyên nhân là do Việt Nam chủ yếu trồng cà phê Robusta – chiếm tới 95% lượng xuất khẩu của Việt Nam – trong khi ở Mỹ lại chuộng loại Arabica nhất. Do đó, cà phê Việt Nam thường chuyển hướng vào thị trường cà phê hòa tan ở Mỹ. Số liệu của Bộ Nông nghiệp Mỹ ghi nhận Việt Nam dự kiến xuất khẩu gần 31 triệu túi trong năm tài chính 2022-2023.

Cà phê Việt Nam xuất sang Mỹ đi về đâu? Câu hỏi này thúc đẩy cô Sahra Nguyen, Giám đốc điều hành (CEO) của Nguyen Coffee Supply, đi tìm câu trả lời. Nguyen Coffee Supply hiện là một trong số công ty chuyên doanh cà phê Việt Nam hàng đầu tại Mỹ.

“Cà phê Việt Nam đến Mỹ không phải theo loại hạt cà phê tươi, thay vào đó là cà phê xay bán trong siêu thị và cà phê hòa tan. Chúng được xếp lên kệ mà không ai biết đó là cà phê Việt Nam” – Sahra Nguyen chia sẻ tìm hiểu của mình với tạp chí Forbes. Với việc được chế biến thành những sản phẩm như vậy khiến cà phê Việt bị giảm cả giá trị lẫn chất lượng hương vị.

“Sở dĩ có sự phân biệt cà phê Robusta với Arabica là do người ta không được tiếp cận đầy đủ 2 loại nên không có đánh giá riêng” – cô Lan Ho, người sáng lập thương hiệu Fat Miilk ở Chicago, lý giải. Nói một cách đơn giản, Robusta mạnh và đậm vị hơn Arabica.

Thêm một nhầm lẫn khác là ở Mỹ, cà phê pha với sữa đặc có đường và đá được mặc định là “cà phê Việt Nam”. “Văn hóa cà phê Việt Nam ở Mỹ lúc đầu xuất hiện trong các nhà hàng Việt Nam, nơi thực khách gọi cà phê pha phin để uống. Nhưng trong suốt 20 năm qua, phương thức pha phin chưa bao giờ tạo được chỗ đứng trong không gian cà phê Mỹ” – cô Sahra Nguyen nhận xét thêm.

Sprudge cho rằng mọi thứ bắt đầu thay đổi, với việc hàng loạt công ty cà phê do người gốc Việt làm chủ đang “kể lại câu chuyện” về cà phê Việt Nam ở cả khu vực Bắc Mỹ nói chung chứ không chỉ nước Mỹ.

“Phin pha cà phê đã xuất hiện, sữa đặc có đường rất ngon… nhưng đã đến lúc chúng ta nói về hạt cà phê Việt Nam cũng như văn hóa cà phê Việt Nam” – Sprudge dẫn lại một câu nói thường gặp trong những bài phỏng vấn về vấn đề này. Và Nguyen Coffee Supply đang làm điều đó bằng cách mua cà phê hạt có xuất xứ Đà Lạt và rang xay ở Brooklyn, TP New York. Tương tự, Lan Ho mua cà phê Robusta trực tiếp từ nông dân ở Tây Nguyên.

“Mục đích ở đây là đa dạng hóa thị trường thay vì thay đổi nó hoàn toàn. Ở Mỹ có đủ chỗ cho mọi loại cà phê của Việt Nam” – ông Will Frith, một chuyên gia lâu năm về cà phê Việt Nam, trao đổi trên Sprudge.

Theo Người lao động

Share