Cổ phiếu cà phê ít người mê
Giá cà phê trong nước tăng theo giá thế giới, nhưng cổ phiếu nhóm ngành cà phê nhìn chung đi ngang, thanh khoản nhỏ giọt, thậm chí đóng băng kéo dài.
Triển vọng ngành cà phê vẫn khả quan
Từ đầu năm 2023 đến nay, giá cà phê trong nước tăng khoảng 20% so với cuối năm 2022, đạt 48.000 đồng/kg, tiến gần đến mức đỉnh gần nhất hồi tháng 8/2022, chủ yếu do giá cà phê thế giới bật tăng do những thông tin bất lợi từ hoạt động sản xuất cà phê của Brazil.
Hoạt động xuất khẩu cà phê của Việt Nam sau khi sụt giảm trong tháng 1/2023 đã tăng mạnh trong tháng 2, lũy kế 2 tháng đầu năm nay chỉ giảm 7,8% về lượng và giảm 9,5% về giá trị (đạt 342.352 tấn, trị giá 745,3 triệu USD) so với cùng kỳ năm 2022. Giá xuất khẩu bình quân cà phê trong 2 tháng đầu năm nay là 2.177 USD/tấn, giảm 1,9% so với cùng kỳ, nhưng tăng 1% so với tháng 12/2022. Kim ngạch xuất khẩu cà phê ước tính tiếp tục tăng trong tháng 3/2023.
Một số doanh nghiệp xuất khẩu cà phê kỳ vọng, nhu cầu hạt cà phê trong năm 2023 sẽ gia tăng. Đặc biệt, nếu thị trường Brazil tiếp tục bị ảnh hưởng bởi tình hình thời tiết xấu thì giá có thể bằng với mức cao của năm ngoái, thậm chí cao hơn. Hiện tại, nguồn cung cà phê Arabica ở Việt Nam gần như đã được mua hết.
Sản phẩm cà phê Việt Nam chủ yếu chế biến thô, thiếu chế biến sâu, nên chưa nâng cao được giá trị gia tăng cho ngành hàng cà phê.
Trong khi đó, sản lượng cà phê của Việt Nam được dự báo giảm. Theo Hiệp hội Cà phê Cacao Việt Nam (VICOFA), sản lượng cà phê niên vụ 2022 – 2023 (từ tháng 10/2022 đến tháng 9/2023) dự kiến giảm 10 – 15% so với niên vụ 2021 – 2022, xuống khoảng 1,47 triệu tấn. Nguyên nhân chủ yếu đến từ diện tích trồng cà phê có xu hướng giảm do người dân chuyển sang trồng các loại cây khác có hiệu quả hơn như sầu riêng, bơ, hoặc trồng xen canh trong vườn.
Năm 2022, Việt Nam đứng thứ hai thế giới về xuất khẩu cà phê, với hơn 1,78 triệu tấn, trị giá trên 4 tỷ USD, giá bình quân 2.293 USD/tấn. Cả nước có khoảng 710.000 ha cà phê, nhưng thu hoạch khoảng 650.000 ha, năng suất 2,82 tấn/ha, sản lượng hơn 1,84 triệu tấn. Trong đó, 5 tỉnh Tây Nguyên chiếm 91,2% về diện tích và 93,2% về sản lượng cà phê cả nước.
VICOFA đánh giá, ngành cà phê Việt Nam còn nhiều thách thức về cán cân cung – cầu, sự thịnh vượng của người trồng cà phê, trách nhiệm giải trình, tiêu dùng nội địa, biến đổi khí hậu và quy định mới của các nước nhập khẩu.
Đắk Lắk là thủ phủ cà phê của Việt Nam, với diện tích 213.000 ha, sản lượng đạt khoảng 558.000 tấn cà phê nhân. Tuy nhiên, tỉnh này vẫn đang gặp nhiều thách thức như ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu, diện tích sản xuất nhỏ lẻ, manh mún; khai thác đất quá mức, lạm dụng phân vô cơ, chưa được xử lý triệt để chất thải; sản phẩm chủ yếu chế biến thô, thiếu chế biến sâu nên chưa nâng cao được giá trị gia tăng cho ngành hàng cà phê…
Cổ phiếu Cà phê Thắng Lợi tăng trần trong nghi hoặc
Trên thị trường chứng khoán, nhóm doanh nghiệp ngành cà phê chủ yếu có quy mô nhỏ, giá cổ phiếu từ đầu năm 2023 đến nay có diễn biến đi ngang và thanh khoản thấp như mã PCF của Công ty cổ phần Cà phê Petec, hoặc nhiều tháng không có giao dịch như mã TAN của Công ty cổ phần Cà phê Thuận An, mã FGL của Công ty cổ phần Cà phê Gia Lai, mã CPA của Công ty cổ phần Cà phê Phước An.
Một cổ phiếu đáng chú ý là mã CFV của Công ty cổ phần Cà phê Thắng Lợi, có 2 đợt tăng giá trần kéo dài. Lần thứ nhất, giá CFV tăng trần 23 phiên liên tiếp, từ 4.300 đồng/cổ phiếu ngày 15/8/2022 lên 91.300 đồng/cổ phiếu ngày 16/9/2022, tương đương tăng 21 lần sau 1 tháng. Tuy nhiên, khối lượng giao dịch cổ phiếu rất thấp, nhiều phiên chỉ có 100 đơn vị được chuyển nhượng.
Theo văn bản giải trình của Cà phê Thắng Lợi, việc cổ phiếu liên tục tăng trần với khối lượng giao dịch thấp như vậy là điều bất thường (tất cả các phiên tăng trần đều chỉ có 1 lệnh mua và 1 lệnh bán giá trần trong phiên). Công ty nghi ngờ một số cá nhân tác động đến giá cổ phiếu vì động cơ cá nhân.
Lần thứ hai, từ ngày 20/2/2023 tới 9/3/2023, sau 2 tháng giao dịch lình xình, cổ phiếu CFV có chuỗi tăng trần 14 phiên liên tiếp, đẩy giá từ 8.600 đồng/cổ phiếu lên 67.600 đồng/cổ phiếu, thanh khoản tăng từ vài trăm đơn vị lên 2.000 – 5.300 đơn vị mỗi phiên.
Lần này, Cà phê Thắng Lợi cho rằng, giá cổ phiếu tăng trần liên tục là do diễn biến của thị trường chứng khoán, phía Công ty không có cơ sở để giải trình.
Cà phê Thắng Lợi hiện có vốn điều lệ 126,5 tỷ đồng; trong đó, UBND tỉnh Đắk Lắk sở hữu 36%, bà Phạm Thị Linh (vợ Chủ tịch Hội đồng quản trị Đỗ Hoàng Phúc) sở hữu 61,36%. Như vậy, các cổ đông nhỏ lẻ chỉ nắm giữ 2,64% vốn điều lệ, tương ứng gần 334.000 cổ phiếu.
Báo cáo tài chính năm 2022 cho thấy, Cà phê Thắng Lợi đạt doanh thu 450,7 tỷ đồng, tăng 28%; lợi nhuận sau thuế 1,3 tỷ đồng, giảm 77,5% so với năm 2021. Đáng lưu ý, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh năm 2022 âm 1,2 tỷ đồng, trong khi năm 2021 lãi hơn 6 tỷ đồng.
Tính tới cuối năm 2022, Cà phê Thắng Lợi có 53,5 tỷ đồng tiền gửi kỳ hạn 6 tháng và 12 tháng tại ngân hàng, gồm 27,3 tỷ đồng tại Vietcombank, 8,6 tỷ đồng tại SHB, 11,5 tỷ đồng tại TPB và 6,1 tỷ đồng tại Nam Á.
Ngược lại, Công ty có 47,5 tỷ đồng nợ vay ngắn hạn; trong đó, dư nợ vay tại Vietcombank là 47,2 tỷ đồng (trước đó, doanh nghiệp vay 70 tỷ đồng để bổ sung vốn lưu động, cụ thể là trả tiền thu mua cà phê).
Cũng tính đến cuối năm 2022, Cà phê Thắng Lợi có hàng tồn kho hơn 63 tỷ đồng, tăng 72,6%. Trong đó, chi phí sản xuất – kinh doanh dở dang là 10,3 tỷ đồng, bao gồm chi phí sản xuất kể từ năm 2018, tương ứng với sản lượng các năm còn phải thu của hộ nhận khoán.
Ngoài ra, trong báo cáo tài chính năm 2022 đã kiểm toán, đơn vị kiểm toán nêu ý kiến ngoại trừ với nội dung, đến thời điểm 31/12/2022, Công ty vẫn chưa được quyết toán chi phí cổ phần hoá và xác định giá trị phần vốn nhà nước để bàn giao sang công ty cổ phần do các vấn đề xử lý tồn tại tài chính còn vướng mắc.
Công ty đã có tờ trình đề nghị xem xét quyết toán chi phí cổ phần hoá hơn 1 tỷ đồng, đồng thời kiến nghị xử lý giảm trừ một số khoản phải thu của các hộ nhận khoán, khoản âm quỹ khen thưởng, phúc lợi, khoản tài sản thiếu chờ xử lý… Tính đến ngày 31/12/2022, giá trị của các khoản giảm trừ là 13,09 tỷ đồng.
VinaCafé Biên Hoà đặt mục tiêu lãi 380 – 500 tỷ đồng
Kết thúc năm 2022, VinaCafé Biên Hoà ghi nhận doanh thu 2.207 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 319 tỷ đồng, lần lượt giảm 0,4% và 28% so với năm 2021. Kết quả này khiến Công ty không hoàn thành kế hoạch đặt ra theo kịch bản ở mức thấp, chỉ đạt 88% mục tiêu doanh thu và 64% mục tiêu lợi nhuận.
Giải trình lợi nhuận giảm, doanh nghiệp cho biết, lợi nhuận thuần từ hoạt động sản xuất – kinh doanh năm 2022 thấp hơn 11% so với năm 2021 do chi phí nguyên vật liệu đầu vào tăng cao; thu nhập thuần hoạt động tài chính giảm 97 tỷ đồng, do khoản dự phòng đầu tư vào công ty con cao hơn so với cùng kỳ; doanh thu hai loại sản phẩm chủ lực là ngũ cốc và cà phê hoà tan giảm 30%.
Bước sang năm 2023, VinaCafé Biên Hoà nhận định, xung đột Nga – Ukraine vẫn là yếu tố ảnh hưởng đến giá cả nguyên vật liệu, trong khi sức mua của người tiêu dùng suy giảm trong xu thế thắt chặt chi tiêu, song việc Trung Quốc mở cửa trở lại và từ bỏ chính sách Zero-Covid là điểm tích cực.
Theo đó, Công ty đặt ra 2 kịch bản kinh doanh cho năm 2023. Cụ thể, ở mức thấp, doanh thu thuần đạt 2.500 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 380 tỷ đồng. Ở mức cao, doanh thu đạt 3.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 500 tỷ đồng.
Tính đến cuối năm 2022, VinaCafé Biên Hoà không còn là doanh nghiệp “nhiều tiền” khi tiền và các khoản tương đương tiền 220 tỷ đồng, giảm 890 tỷ đồng so với đầu năm. Tuy nhiên, Công ty có 1.153 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế luỹ kế chưa phân phối, 213 tỷ đồng trong quỹ đầu tư phát triển và 30 tỷ đồng thặng dư vốn cổ phần.
Trước đó, 4 năm liên tiếp, doanh nghiệp chia cổ tức bằng tiền với tỷ lệ cao, năm 2018 là 660%, giai đoạn 2019 – 2021 là 240 – 250%/năm, năm 2022 chưa có kế hoạch chia cụ thể.
Đáng chú ý, trong khoản phải thu ngắn hạn của VinaCafé Biên Hoà, tiền đặt cọc ngắn hạn cho hoạt động đầu tư khác là 700 tỷ đồng tính đến ngày 31/12/2022, với lãi dự thu từ hoạt động đầu tư khác là 29,7 tỷ đồng. Thuyết minh báo cáo tài chính cho thấy, số dư này phản ánh số tiền đặt cọc cho các bên thứ ba theo các hợp đồng hợp tác đầu tư. Theo đó, bên thứ ba cam kết sẽ trả cho Công ty tỷ suất lợi nhuận tối thiểu đã được thoả thuận trong hợp đồng hợp tác đầu tư.
Trên sàn chứng khoán, cổ phiếu VCF đang có giá 220.000 đồng/cổ phiếu, tương đương mức đầu năm 2023, thanh khoản ở mức thấp.
Theo tinnhanhchungkhoan