Cà phê & Sức khoẻ

Những ai không nên uống cà phê?

Share

Cà phê tuy mang lại nhiều lợi ích sức khỏe nhưng không phải ai cũng sử dụng được thức uống này. Với những người sau đây thì tuyệt đối phải hạn chế, hoặc phải xin ý kiến bác sĩ trước khi uống cà phê mỗi ngày kẻo gây bệnh.
Những ai không nên uống cà phê?

Cà phê giúp nhiều người tỉnh táo, tập trung, nhưng lại khiến một số người xuất hiện triệu chứng khó chịu dù chỉ uống với lượng rất ít.

1. Người có vấn đề về đường ruột

Những người mắc hội chứng ruột kích thích (IBS) không nên uống cà phê vì sẽ làm bụng bồn chồn và tiêu chảy liên tục. Nguyên nhân là bởi trong cà phê chứa nhiều chất caffeine có khả năng kích thích đi tiểu nhiều, gây mất nước. Khi đi vào cơ thể, caffeine sẽ làm tăng nhu động ruột và gây bệnh tiêu chảy. Với những người có bệnh đường ruột thì cà phê sẽ làm đau bụng, tiêu chảy mãi không khỏi. Nếu chủ quan sẽ khiến bệnh diễn tiến nặng và ảnh hưởng tới sức khỏe.

2. Người bị tăng nhãn áp

Theo nghiên cứu của Mount Sinai, uống nhiều caffein làm tăng nguy cơ mắc bệnh tăng nhãn áp ở những người vốn đã có khuynh hướng tăng nhãn áp. Vì vậy người bị tăng nhãn áp nên hạn chế tránh uống cà phê.

3. Người bị bệnh tim

Caffein trong cà phê có thể gây tăng huyết áp và nhịp tim tạm thời. Người có bệnh tim phải tham khảo ý kiến bác sĩ, chuyên gia dinh dưỡng nên uống bao nhiêu cà phê là an toàn.

4. Người bị huyết áp cao

Tương tự, những người bị huyết áp cao nên ngừng uống cà phê càng sớm càng tốt vì caffeine trong cà phê làm tăng huyết áp.

Một nghiên cứu đã chứng minh sự gia tăng huyết áp liên quan đến tuổi tác ở những người đàn ông uống nhiều cà phê. Trong khi đó, nghiên cứu khác cho thấy uống nhiều cà phê ở những người chuyển hóa cà phê chậm gây tăng huyết áp.

5. Phụ nữ mang thai và cho con bú

Lượng caffeine sẽ trực tiếp đi vào thai nhi thông qua nhau thai và ảnh hưởng tới sức khỏe của bé. Nhiều nghiên cứu cho thấy, caffeine có thể kìm hãm sự phát triển của thai nhi bằng cách tác động vào hệ tim mạch và khả năng sinh sản.

Caffeine còn là một chất lợi tiểu nên khiến những phụ nữ đang cho con bú bị mất nước, ảnh hưởng tới khả năng tiết sữa hàng ngày. Chất này có thể thông qua máu đi vào sữa mẹ, nếu trẻ uống vào sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe do thể trạng còn yếu.

6. Người cao tuổi

Uống cà phê có thể làm kích thích hệ thống thần kinh, làm tăng rối loạn tự trị ở người già. Từ đó khiến nhóm người này mất đi nhịp hoạt động bình thường của cơ thể, không chỉ gây mất ngủ mà còn xuất hiện các triệu chứng bất ổn khác.

7. Trẻ em dưới 12 tuổi

Caffeine có thể gây lo lắng và bồn chồn nên sẽ đặc biệt nghiêm trọng với trẻ em, kể cả với liều lượng nhỏ. Trẻ uống nhiều caffeine có thể bị tăng nhịp tim, tăng cảm giác lo lắng, mất tập trung và đau bụng kéo dài. Cà phê còn làm cản trở khả năng hấp thụ dinh dưỡng ở một số đối tượng trẻ em.

Ngoài ra, cà phê còn chứa tính axit khá cao nên dễ làm hỏng men răng và tăng nguy cơ sâu răng ở trẻ. Ở trẻ mới biết đi, cà phê sẽ làm giảm cảm giác đói, khiến chúng chán ăn và không nhận được dinh dưỡng cần thiết cho sự tăng trưởng.

8. Người bị rối loạn giấc ngủ

Uống một tách cà phê (hoặc nhiều hơn) sau một đêm ngủ không ngon giấc giúp bạn tỉnh táo. Nhưng cần thận trọng thói quen uống cà phê có thể kéo dài chu kỳ khó ngủ và mệt mỏi. Nên tránh hấp thụ caffeine ít nhất 6 giờ trước khi đi ngủ. Đặc biệt với người bị rối loạn giấc ngủ cần chú ý giảm lượng cà phê tiêu thụ.

9. Người hay lo lắng

Caffeine là một chất kích thích, có thể làm trầm trọng thêm sự căng thẳng ở một số người, do đó những người hay lo lắng nên tránh cà phê.

10. Người bị động kinh

Một nghiên cứu gần đây cho thấy uống nhiều cà phê có liên quan đến việc tăng tần suất co giật. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ thần kinh về lượng caffein tiêu thụ nếu bạn bị động kinh.

11. Người bị trào ngược dạ dày thực quản (GERD)

Caffeine làm giãn cơ vòng thực quản dưới – van giữa thực quản và dạ dày, gây kích hoạt các triệu chứng trào ngược axit. Do đó, uống cà phê, trà và soda (tất cả đồ uống có chứa caffein) có liên quan đến việc tăng nguy cơ mắc các triệu chứng trào ngược dạ dày thực quản.

Theo Pháp luật xã hội

Share