Thương hiệu cà phê

Bài học từ The KAfe: Không có bữa trưa miễn phí!

Share

The Kafe được thành lập từ năm 2013 với mục tiêu đi tiên phong trong việc mang đến những món ăn mới lạ của ẩm thực Âu-Á kết hợp lối thiết kế sang trọng, đẹp mắt.

Chuỗi cà phê theo phong cách độc đáo này đã bước đầu thành công khi chỉ sau một tháng hoạt động, cửa hàng đã thu về lợi nhuận đủ để trả cho nhân viên và duy trì chi phí hoạt động. Trong 10/2015, start-up của Đào Chi Anh cho biết đã huy động thành công 5,5 triệu USD trong vòng đầu tiên của quá trình gọi vốn từ các quỹ đầu tư tại London và Hồng Kông, trong đó bao gồm nhà đầu tư nổi tiếng Cassia Investments

Liên tiếp sau đó là sự mở rộng phạm vi kinh doanh của 4 thương hiệu The KAfe, The KAfe Village, The KAfe Box và The Burger Box, với 26 chi nhánh tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.

Tuy nhiên mọi chuyện không hề suôn sẻ khi người tiêu dùng bắt đầu quay lưng vì thực đơn của quán không quá đặc sắc trong khi nhiều lựa chọn khác đã xuất hiện trên thị trường. Đến tháng 8/2016, The KAfe bị tố cáo chây ì, không chịu thanh toán khoản nợ lên tới hàng tỷ đồng cho một công ty thực phẩm. Và đến tháng 10/2016, Đào Chi Anh không còn đảm nhiệm chức vụ CEO của KAfe Group. Doanh nghiệp chuyển thành 100% vốn đầu tư nước ngoài.

Thất bại của Đào Chi Anh trong việc phát triển The Kafe một lần nữa khẳng định việc gọi được vốn đầu tư không phải là con đường “trải đầy hoa hồng”, mà luôn đi kèm với rủi ro.

không có “bữa trưa nào miễn phí” nên để nhận được vốn đầu tư, chủ nhân start-up thường “gật đầu” chấp nhận các chỉ tiêu liên quan đến doanh số, hiệu quả kinh doanh, số lượng chuỗi cửa hàng do nhà đầu tư đưa ra, mà không để ý đến tính khả thi. Kết quả là họ phải gồng mình lên để cố gắng nhưng vẫn không hoàn thành chỉ tiêu.

Trong trường hợp chủ start-up vẫn nắm quyền sở hữu phần lớn cổ phần thì không sao, nhưng nếu họ đã “bán mình” cho nhà đầu tư nước ngoài thì việc bị loại bỏ khỏi vị trí lãnh đạo là hoàn toàn có thể.

CEO của The KAfe đã từng chia sẻ trong tiếc nuối: “Nếu được quay lại, tôi sẽ mạnh mẽ hơn trong lúc đàm phán với nhà đầu tư, sẽ quyết liệt hơn trong việc chấp nhận hay không chấp nhận chỉ tiêu họ áp đặt cho mình”. “Những chỉ tiêu đó, tôi cũng đạt được và đã có trả giá. Những cái giá đó không bao giờ nhìn được trong lúc mình làm,mà càng về sau càng hiện ra rõ hơn…”

Vấn đề thứ hai, thường xảy ra đối với các start-up mới thành công, đó chính là cái bẫy “danh tiếng”.

Việc thành công tại một số địa điểm ban đầu và thời điểm đơn lẻ khiến dự án được tung hô quá mức, chủ nhân có thể không nhìn thấy những khiếm khuyết trong mô hình của mình. Kết quả khi mô hình tiếp tục mở rộng thành chuỗi với tốc độ phát triển quá nhanh, các khiếm khuyết ngày càng lộ rõ. Nếu không có một bộ máy quản trị tốt thì thất bại là điều có thể nhìn thấy.

Cuối cùng, xây dựng thương hiệu công ty gắn với một cá nhân cụ thể chính là “con dao hai lưỡi”.

Việc này có thể kéo danh tiếng công ty lên cùng với cá nhân, nhưng trong trường hợp cá nhân rời công ty, chiến lược truyền thông sau này thế nào lại là một câu hỏi lớn.

Chúng ta vẫn còn nhớ, những thông tin cuối cùng liên quan đến The KAfe là việc CEO Đào Chi Anh từ bỏ quyền điều hành hồi tháng 10/2016. Từ đó đến nay không ai rõ The KAfe thế nào, làm việc ra sao. Trong một xã hội cạnh tranh ngày càng gay gắt và truyền thông có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo hình ảnh công ty rơi vào “lãng quên”, việc The KAfe không có chiến dịch truyền thông nào khác sau sự ra đi của Đào Chi Anh là nhân tố báo trước cho sự đóng cửa hàng loạt ngày hôm nay.

Liệu rằng có ai còn nhớ The KAfe, cơn sốt trong ngành thực phẩm và đồ uống một thời?

Theo Đức Thọ

Trí Thức Trẻ

Share