Thị trường

Bài toán mở rộng thị trường xuất khẩu của cà phê Việt thời Covid-19

Share

Covid-19 đem đến nhiều thách thức cho ngành cà phê, doanh nghiệp vẫn có thể thích ứng nếu đổi mới sáng tạo và gia tăng giá trị cho hạt cà phê Việt.

Đây là đánh giá chung của các chuyên gia tại Diễn đàn Kinh doanh quốc tế Đại học RMIT năm 2021.

Cũng tại diễn đàn, Tiến sĩ Abel Alonso, giảng viên cấp cao ngành Kinh doanh quốc tế Đại học RMIT nhận định, ứng phó với khủng hoảng hiện nay bằng các nỗ lực và hoạt động gia tăng giá trị là nhiệm vụ quan trọng đối với ngành cà phê. Bên cạnh văn hóa cà phê, nhiều hoạt động du lịch và nghỉ dưỡng tại Việt Nam sẽ dần lấy cà phê làm sản phẩm trung tâm, đặc biệt vào giai đoạn hậu Covid. Các bên liên quan đến ngành này nên tập trung hơn vào gia tăng giá trị và nâng cao hiểu biết về cà phê đặc sản Việt Nam, tương tự như bài học thành công từ các nước khác, như Peru.

Các diễn giả tại Diễn đàn Kinh doanh quốc tế năm 2021 do Đại học RMIT tổ chức ngày 19/8.

Để phân tích sâu chủ đề này, Đại học RMIT đã mời đại diện các hiệp hội và doanh nghiệp trong ngành, trong đó có Les Vergers du Mekong, Là Việt Coffee, Lofita Coffee & Tea, đến tham dự Diễn đàn Kinh doanh quốc tế 2021. Các diễn giả đã đưa ra những góc nhìn đa chiều về quốc tế hóa, đa dạng hóa sản phẩm-dịch vụ, phát triển bền vững, tiếp thị và quản trị.

Chia sẻ kinh nghiệm từ Les Vergers du Mekong, Tổng giám đốc Lê Văn Đông cho biết am hiểu thị trường, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường và ứng dụng công nghệ là những yếu tố thành công bền vững của doanh nghiệp suốt hai thập kỷ qua.

“Chúng tôi quản lý chặt chẽ chuỗi cung ứng. Ví dụ, chúng tôi đã thiết kế app truy xuất nguồn gốc và thường xuyên tập huấn, hỗ trợ nông dân để đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế. Chúng tôi cũng sử dụng bao bì thân thiện môi trường và thí điểm trồng trọt hữu cơ. Những việc này tạo lợi thế cạnh tranh và giúp chúng tôi có sản lượng tiêu thụ cao”, ông Đông chia sẻ.

Trong những năm qua, Việt Nam là một trong những quốc gia sản xuất và xuất khẩu cà phê hàng đầu thế giới.Ảnh: unsplash.

Ông Trần Nhật Quang, nhà sáng lập Giám đốc Công ty Cà phê Là Việt tại Đà Lạt, thì nhấn mạnh tiềm năng của “xuất khẩu tại chỗ”.

“Chúng tôi có tour tham quan nhà máy và trải nghiệm rang/pha sản phẩm kéo dài hai tiếng, và tour cà phê chuyên đề kéo dài một ngày tập trung vào trải nghiệm chuyên sâu đối với khách du lịch quốc tế quan tâm đến nông nghiệp địa phương. Mô hình du lịch này đã rất thành công trong giai đoạn trước Covid-19 và chúng tôi sẽ tiếp tục khai thác trong tương lai khi du lịch mở cửa lại”, ông Quang chia sẻ.

Trong khi đó, Tiến sĩ Nguyễn Văn Minh, Phó chủ tịch Hiệp hội Trang trại và Doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam cho biết, ngành cà phê đã và sẽ tiếp tục là một ngành quan trọng trên bản đồ kinh doanh quốc tế của Việt Nam.

“Việt Nam đang hướng tới một nền nông nghiệp thông minh, hữu cơ, tập trung vào giá trị gia tăng, và ngành hàng cà phê cũng nằm trong xu hướng này. Việt Nam có thể nâng dần giá trị của cà phê thông qua đổi mới, đưa khoa học công nghệ vào sáng tạo những mặt hàng mới và thu hút các nhà đầu tư có uy tín”, ông Minh cho hay.

Trong những năm qua, Việt Nam là một trong những quốc gia sản xuất và xuất khẩu cà phê hàng đầu thế giới. Theo số liệu từ Bộ Công Thương, sản lượng xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt khoảng 1,5 – 1,8 triệu tấn một năm, kim ngạch xuất khẩu đạt trên 3 tỷ USD/năm, và cà phê Việt Nam đang có mặt tại khoảng 80 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Thị trường nội địa cũng khá nhộn nhịp với khoảng 300.000 quán cà phê trên cả nước.

Trong quý hai năm nay, hoạt động xuất khẩu cà phê của Việt Nam đã gặp một số khó khăn trước diễn biến phức tạp của đợt Covid-19 lần thứ tư, lệnh giãn cách xã hội trên diện rộng, và tình trạng thiếu hụt container rỗng kéo dài. Theo số liệu của Cục Xuất nhập khẩu – Bộ Công thương, lũy kế 7 tháng đầu năm, xuất khẩu cà phê của Việt Nam ước đạt 953 nghìn tấn, giảm 9,3% về lượng so với 7 tháng đầu năm 2020.

Tuy nhiên, từ trước đại dịch và xuyên suốt giai đoạn khủng hoảng, nhiều doanh nghiệp cà phê Việt đã nỗ lực đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, nâng cao chất lượng, khai thác tiềm năng của cà phê đặc sản, đồng thời đẩy mạnh các kênh tiếp thị và phân phối trực tuyến.

Theo VNE

Share