Cà phê: robusta hay arabica?
Giá cà phê không ổn định đã khiến người nông dân lao đao, đã có người chặt cây cà phê đem đốt củi. Cứ làm như cây cà phê (ở đây là cà phê robusta) là thủ phạm cần phải diệt, thay vào đó là cây cà phê arabica vốn được giá cao trên thị trường thế giới.
Nguy cơ của một “phong trào” mới đang là một thực tế. Có thể thử tìm một câu trả lời cho “bài toán” cà phê này được chăng?
Mời bạn đọc cùng trao đổi với tiến sĩ Vincent Pétiard, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu cà phê Nestlé tại Tours (Pháp) và là giáo sư Đại học Tours.
* Ông đã đi thăm tỉnh Đắc Lắc và làm việc với Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây nguyên. Ông đã thấy những gì?
– Tại viện nghiên cứu đó tôi đã trông thấy các bộ sưu tập giống cà phê robusta và arabica, cả những bộ giống trao đổi hay do họ tạo ra. Họ bắt đầu công việc này từ hai năm nay.
Tất cả những gì họ đã làm đều thể hiện trên các đồi cà phê, Công tác cải tiến và chọn lọc giống cây trồng có vẻ như đã được tiến hành rất tốt. Vấn đề là tìm kiếm các kỹ thuật nhằm đẩy nhanh quá trình nâng giá trị những gì họ đã làm được. Họ đã có được những giống tốt, vấn đề là làm sao đưa nhanh đến tay người sản xuất, tìm ra những phương pháp nhân giống trong phòng thí nghiệm.
Họ mới chỉ bắt đầu thôi. Với phương pháp thực nghiệm, người ta thường phải “trả học phí” bằng những sai lầm trải qua. Thường thì phải kinh qua một số thất bại mới có thể hiểu được hệ thống hoạt động như thế nào. Có một cách khác thời gian ngắn hơn là qua con đường chuyển giao công nghệ. Chúng tôi có thể làm công việc này nhờ quá trình đi trước của chúng tôi. Đó là lý do mà tôi đến đây. Chúng tôi có thể giúp đẩy nhanh quá trình nghiên cứu, học tập.
Tiến sĩ Vincent Pétiard, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu cà phê Nestlé tại Tours (Pháp)
* Sự chuyển giao công nghệ mà ông vừa nói sẽ diễn ra như thế nào?
– Một số chuyên viên của viện nghiên cứu này sẽ đến nghiên cứu tại trung tâm của chúng tôi trong một hay hai năm. Chúng tôi đã từng có những chương trình huấn luyện như thế cho Mexico, Philippines, Indonesia… Nay chúng tôi sẽ rất hân hạnh thực hiện chương trình này với Việt Nam. Những phương pháp kỹ thuật đó sẽ là những hỗ trợ cho các quốc gia sản xuất cà phê
* Ông nghĩ gì về sự chọn lựa giữa cây cà phê robusta và arabica?
– Vấn đề phức tạp hơn nhiều. Luôn có một thị trường cà phê robusta. Thị trường đó rất quan trọng. Theo ý tôi, đừng triệt hạ cây cà phê robusta để chạy theo arabica. Vấn đề là làm sao sản xuất được cà phê robusta hảo hạng. Có thể nâng cấp chất lượng từ ngay khâu gieo trồng đến khâu đưa vào khai thác tiêu thụ. Cà phê arabica được giá trên thị trường thật đấy, song vấn đề lại là không thể trồng cây cà phê arabica tại bất cứ đâu. Phải ở những vùng có độ cao từ 1.400 – 1.500m trở lên. Ở cao độ 700 – 800m hay thấp hơn, chỉ có thể là cây cà phê robusta. Nên tránh đi vào vết xe của Mexico: 10 năm trước họ bỏ cây cà phê robusta, hậu quả là nay họ phải bắt đầu trồng lại. Cà phê robusta có chất lượng tốt hơn vẫn có giá trị hơn là cà phê arabica chất lượng tồi.
* Nói cách khác, ở đây là lưỡng canh với robusta và arabica?
– Khi có những điều kiện khí hậu đa dạng thuận lợi cho cả hai loại cây nên trồng cả hai. Tôi hiểu phía VN muốn lao vào cây arabica và đã có những nghiên cứu tốt về cây cà phê này. Chúng tôi cũng sẽ chuyển nhượng công nghệ cả cho cây cà phê arabica lẫn robusta. Song, theo ý tôi, đừng nên bỏ cà phê robusta, phát triển bền vững là trên cả hai loại cây chứ không chỉ một.
* Sự cộng tác tại chỗ sẽ sớm bắt đầu với gì?
– Lãnh đạo viện nghiên cứu mà chúng tôi đã trao đổi mong muốn chúng tôi gửi đến các giống cà phê mới. Chúng tôi sẽ cung cấp cho họ những bộ sưu tập giống của chúng tôi.
Chúng tôi muốn lưu ý rằng năng suất là một lẽ song chất lượng lại là một lẽ khác. Đó chính là bài toán nâng giá trị sản phẩm. Thường thì các viện nghiên cứu không sành đánh giá sản phẩm bằng chúng tôi, một tập đoàn kinh doanh cà phê. Bởi lẽ chúng tôi nắm vững thị hiếu người tiêu dùng hơn họ. Người uống cà phê trên thế giới luôn đánh giá cà phê nào ngon, cà phê nào không ngon.
Các bạn có một bộ giống khá đa dạng. Tất nhiên, các bạn cũng còn thiếu một số giống. Cần đa dạng hóa nguồn giống càng nhiều càng tốt, giống này có những đặc điểm này, giống khác lại có những đặc điểm khác, giống này đề kháng bệnh tật tốt hơn giống kia… Cần tiến đến đa dạng hóa nguồn gen, tránh tập trung vào một nguồn. Lấy thí dụ ở Sri Lanka, người ta đã tập trung vào một bộ giống trà duy nhất, sau đó gặp dịch tễ, tất cả vườn trà đã bị tàn phá chỉ trong ba năm. Vấn đề kế tiếp là làm sao nhân giống nhanh để phân phối cho nhà nông. Năm nay các bạn sẽ có một vụ cà phê rất tốt nhờ yếu tố thời tiết. Vấn đề là khâu hậu – thu hoạch.
Hữu Nghị (nguồn: http://tuoitre.vn/tin/tuoi-tre-cuoi-tuan/20031122/ca-phe-robusta-hay-arabica/9846.html)