Pha cà phêVăn hóa

Cà phê Vợt – đáng để uống, đáng để say mê

Share

 Trong con hẻm nhỏ ở quận Phú Nhuận -TPHCM, hương cà phê thơm lừng đã in sâu trong hồi ức của nhiều thế hệ. Ly cà phê vợt bình dân đã trở thành một thức uống không thể thiếu của người dân phố thị.

Cà phê vợt “bất tử”

Căn nhà nhỏ nằm trong một con hẻm trên đường Phùng Khắc Khoan (quận Phú Nhuận, TPHCM), với chiếc biển hiệu nhỏ màu trắng biên mấy chữ đỏ tươi vỏn vẹn tên món thức uống bày bán duy nhất là “cà phê vợt”. Chẳng cần quảng cáo, không bày biện cầu kỳ, một công thức cha truyền con nối qua gần 70 năm nhưng tấp nập kẻ đến người mua cả ngày lẫn đêm.

Người khai sinh ra nơi này là cha của ông Đặng Ngọc Côn, mọi người thường gọi thân mật là ông Ba Côn, chính hàng cà phê cóc nhỏ bên vệ đường này đã nuôi sống cả gia đình nhỏ. Nói về cái tên cà phê vợt “bất tử”, ấy là vì từ lúc mở quán cho đến nay, chưa một lần người ta nhìn thấy nó đóng cửa, bất kể lễ tết hay sáng tối. Bởi vậy, khách có thể đến uống vào sớm tinh mơ hay cũng có thể nhấm nháp những hớp cà phê sóng sánh buổi khuya muộn.


Khách ghé quán chẳng phân biệt tuổi tác hay giới tính, có nhiều vị khách ruột ngót nghét gần trăm tuổi sáng nào cũng uống “đen nóng” lúc 5 giờ. Cũng có hàng trăm bạn trẻ tuổi chừng mười mấy đôi mươi, ghé qua mua ly sữa đá rồi lao bon bon qua những con hẻm chật chội của Sài Gòn, đưa hương cà phê thơm đi khắp chốn.

Người thức, kẻ ngủ, những ly cà phê vợt trao từ tay người bán đến khách mua, họ liên tục và thay phiên nhau gìn giữ, truyền đi nét văn hóa mộc mạc từ xa xưa của chốn phồn hoa đô thị này.

Công thức bí truyền

Ai cũng có thể thổi lửa, xay cà phê và pha bằng vợt, nhưng kỳ lạ thay không đâu pha được ly cà phê vợt gây thương nhớ như ở cái quán nhỏ này. Cà phê được trộn từ ba loại khác nhau, rang thơm thủ công và pha từ chính đôi tay lành nghề trong chiếc vợt vải. Anh Phạm Văn Quý – con trai ông Ba Côn canh nước sôi bằng mắt, thoăn thoắt đôi tay chế rồi quậy, anh pha bằng cảm nhận và sự quan sát mấy chục năm cách cha ông anh đã làm. Những giọt cà phê chảy đều kéo thành dòng qua lớp vợt, chạm xuống lớp sữa đặc thơm ngon cho ra màu nâu óng sánh quyện. Có lẽ, đó là một trong những hình ảnh hiếm hoi chúng ta chỉ có thể bắt gặp ở một số ít những nơi vẫn còn lưu giữ nhiều phần dấu ấn của thời gian như chốn này.


Thuận mua vừa bán, thế nhưng hương vị phải thực sự đặc biệt khó phai thì mới níu giữ được những vị khách khó tính qua hàng chục thập kỷ. Ông Lê Văn Tôn (70 tuổi, quận Phú Nhuận) đã gắn bó với quán từ thuở niên thiếu và chưa bỏ lỡ cữ cà phê vợt nào cho đến tận hôm nay trải lòng: “Như một thói quen, mà đã quen thì khó bỏ, không có thì mình thấy thiếu, mà thiếu thì không chịu được, vậy nên cứ theo thôi”.

Nếu những vị khách trung niên chuộng cà phê đen đắng thì lớp trẻ ghé quán cà phê vợt lại ưng cái mùi thơm độc đáo trong những ngụm cà phê sữa đá. “Mùi cà phê rang thơm hơi cháy cháy, nhưng không đắng, uống cà phê sữa vừa béo vừa ngọt, lại còn thơm. Mỗi sáng đi học mình đều tạt qua mua đem tới trường, dù có nghịch đường một tí nhưng mà đáng lắm”, bạn Trần Thanh Lâm (20 tuổi, quận Bình Thạnh) chia sẻ.

Gìn giữ và tiếp nối

Từ chiếc lon thiếc đựng cà phê tái chế từ hộp đựng bánh bích quy đến chiếc vá múc nước sôi inox, chiếc đồng hồ Thụy Sỹ treo trên vách tường, đi qua mấy chục năm người ta vẫn luôn nhìn thấy còn lại đó. Quán cà phê vợt này vẫn lưu giữ lại và gói ghém những gì thuộc về năm tháng đã cũ và trân trọng đặt để lại đúng vị trí trong những ngày hiện tại. Khách đến quán đâu chỉ đơn thuần để lại được nhâm nhi hương vị cà phê thân quen mà còn là đến để tiếp nối và luyến lưu vì một nét văn hóa rất thân thuộc và bình dị của Sài Gòn năm ấy.


Cà phê vợt thuộc về Sài Gòn, thuộc về những người trót thương một thành phố ồn ào tấp nập nhưng cũng rất tình, rất người. Giá bình dân, thức uống bình dị, gặp gỡ những con người bình thường, chỉ vậy cũng đủ khiến ly cà phê vợt đáng để uống, đáng để say.

Theo Dân trí 

Share