Thương hiệuThương hiệu cà phê

CEO Starbucks Việt Nam: Người Việt thoải mái với mua cà phê chuyển khoản

Share

Ở nước ngoài, không ai mua cà phê mà thanh toán chuyển khoản, nhưng điều này rất phổ biến ở Việt Nam và cả người bán lẫn người mua đều thấy thoải mái. Starbucks Việt Nam đã học được điều này trong dịch COVID-19.
Mua cà phê và thanh toán chuyển khoản đã đóng góp vào bước tiến của Starbucks Việt Nam trong tăng tỉ lệ thanh toán trực tuyến, không tiền mặt của chuỗi trong năm 2022.

Chia sẻ về điều này ngày 3-1 tại TP.HCM, Tổng giám đốc Starbucks Việt Nam Patricia Marques cho biết một trong những dấu ấn lớn nhất của chuỗi sau hai năm dịch bệnh chính là sự thay đổi hành vi của người tiêu dùng với hình thức thanh toán không dùng tiền mặt.

Tổng giám đốc Starbucks Việt Nam Patricia Marques – Ảnh: N.BÌNH

Trước dịch, dù rất nỗ lực nhưng các hình thức thanh toán ví điện tử hay cà thẻ đều ít được người tiêu dùng lựa chọn, thậm chí khá xa lạ. Người mua chủ yếu dùng tiền mặt.

Nhưng sau hai năm dịch, thanh toán không tiền mặt trở nên phổ biến, thuận tiện cho khách hàng. Ngoài thẻ ngân hàng, thẻ thành viên của hãng, khách hàng còn có thể sử dụng mã QR để thanh toán qua ví điện tử.

CEO Starbucks Việt Nam cho biết mọi người còn rất thoải mái với hình thức chuyển khoản khi mua cà phê.

“Ở các nước không có hình thức này khi mua cà phê. Đây là sự linh hoạt để thích nghi trong thời gian giãn cách và trở nên phổ biến. Sau hai năm đại dịch, chúng tôi đã học được rất nhiều điều và hiểu rằng trong khó khăn vẫn phải tiếp tục đi lên, cần linh hoạt chứ không nên do dự”, bà Patricia Marques nói.

Sự thích ứng đã giúp chuỗi cà phê Mỹ tiếp tục mở rộng mạng lưới ở Việt Nam và đang hướng đến 100 cửa hàng trong năm 2023. Cùng với đó, chuỗi cũng dự kiến sẽ ra mắt một số dòng sản phẩm đặc trưng mang dấu ấn tại Việt Nam, quốc gia được mệnh danh là thủ phủ cà phê thế giới.

Tính hết năm 2022, Starbucks Việt Nam có 87 cửa hàng, tập trung chủ yếu ở TP.HCM với 50 điểm bán, Hà Nội có 25 điểm, tiếp theo là Hải Phòng, Hưng Yên, Đà Nẵng, Nha Trang… Đây là tốc độ tăng trưởng khá tốt sau hai năm ngành F&B (thức uống và ẩm thực) bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19.

“Định hướng của chúng tôi là phát triển những cửa hàng có diện tích vừa phải, có thể cho khách ngồi thưởng thức cùng gia đình và bạn bè hoặc phục vụ khách mua đi. Mô hình này hướng đến sự tinh gọn, tìm kiếm thêm các mặt bằng tại các đô thị mới, cao ốc hay các cộng đồng địa phương để đến với nhiều khách hàng hơn”, bà Patricia Marques nói, đồng thời khẳng định đang tiếp tục tìm kiếm giải pháp phù hợp, tăng số lượng khách hàng, tối ưu chi phí để đưa thức uống này trở thành món tiêu dùng hằng ngày.

Theo Tuổi Trẻ

Share