Thị trườngThương hiệu

Chuỗi cà phê bắt tay chuỗi phở mở rộng quy mô

Share

Đại diện 2 chuỗi cho biết hiện đang đặt kế hoạch tới cuối năm nay sẽ phát triển thêm khoảng 150 cửa hàng với cả 2 chuỗi: phở và cà phê.
Đại diện chuỗi cà phê Gemini Coffee và chuỗi phở The Noodle House đã kí kết hợp tác chiến lược nhằm đánh dấu sự bắt tay giữa 2 doanh nghiệp, với mục tiêu hợp lực trở thành hệ thống bán lẻ F&B rộng khắp trên cả nước và quốc tế.

Chuỗi cà phê Gemini Coffee có tuổi đời trên 10 năm, từng phát triển tới hơn 50 điểm bán, chủ yếu tại Hà Nội, TP. HCM, Nha Trang, Đà Nẵng cũng như các tỉnh thành lân cận.

Gemini Coffee theo đuổi văn hóa cà phê thuần Việt, tôn vinh các nông sản Việt Nam, hướng tới tập khách hàng đa dạng, như: dân văn phòng, người tiêu dùng trẻ…

“Đại dịch có thể làm thay đổi thói quen của người tiêu dùng, nhưng không làm mất đi khẩu vị cà phê của người Việt. Trong bối cảnh đó, Gemini Coffee đã linh hoạt để thay đổi, thích nghi và tìm ra chìa khóa thành công trong giai đoạn tới”, ông Vũ Việt Anh – nhà sáng lập Gemini Coffee cho biết.

Chuỗi cà phê bắt tay chuỗi phở mở rộng quy mô

Chuỗi cà phê Gemini Coffee có tuổi đời trên 10 năm

Ngoài hoạt động nhượng quyền được Gemini Coffee tiếp tục đẩy mạnh, chuỗi cà phê này dự kiến sẽ sớm thay đổi nhận diện và đưa ra mô hình các cửa hàng flagship thế hệ mới, nhằm mang tới thêm nhiều trải nghiệm cho người tiêu dùng.

Chuỗi The Noodle House ra đời vào đầu năm 2022 tới nay đã có 10 cửa hàng phở, bao gồm cả các cửa hàng nhượng quyền. Với khẩu hiệu “Phở của người Tràng An”, The Noodle House cho thấy sự sạch đẹp, lịch lãm và mang nét cổ điển, tinh tế.

Ông Đặng Hà Lâm – Chủ tịch HĐQT The Noodle House chia sẻ: “Với sự đón nhận của thực khách trong thời gian qua, chúng tôi tin tưởng The Noodle House – Phở Tràng An sẽ thực hiện thành công khát vọng đưa phở Việt trở thành thương hiệu mang tầm quốc tế”.

Lãnh đạo The Noodle House tiết lộ, công ty hiện đang đặt kế hoạch tới cuối năm nay sẽ phát triển thêm khoảng 150 cửa hàng với cả 2 chuỗi: phở và cà phê.

Có thể nói, 2 năm diễn ra đại dịch Covid-19 đã gây những tác động nặng nề đến các doanh nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực F&B.

Dù vậy, nhiều doanh nghiệp với năng lực thích ứng linh hoạt đã nhanh chóng nắm bắt được xu thế, cơ hội trong nguy nan và chuyển mình nhanh chóng để trụ vững qua sóng gió và phục hồi, phát triển sau đại dịch.

Chuỗi phở The Noodle House ra đời vào đầu năm 2022

Dự báo năm 2022, Công ty Chứng khoán VNDIRECT cho biết, ngành thực phẩm và đồ uống sẽ phục hồi nhờ sự thay đổi trong hành vi tiêu dùng bởi việc thích ứng an toàn với dịch bệnh sẽ thúc đẩy nhu cầu tại nội địa sẽ tăng trở lại.

Công ty Deloitte đã thực hiện một cuộc khảo sát về kế hoạch chi tiêu của người tiêu dùng dưới ảnh hưởng của dịch Covid-19 và kết quả, 84% người tiêu dùng sẽ tăng chi tiêu cho thực phẩm.

Thực tế, từ cuối năm 2021, nhờ độ phủ vaccine Covid-19 và nhiều chính sách kích cầu đã thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng tăng trở lại, tập trung vào hàng thiết yếu như thực phẩm, hàng tiêu dùng nhanh. Đây là động lực chính thúc đẩy ngành F&B phục hồi.

Số liệu doanh thu ngành F&B nửa đầu tháng 4/2022 cũng phần nào phản ánh xu hướng này, khi mức tăng trưởng đạt gần 40% so với cùng kỳ quý 1/2022 và tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ quý 4/2021.

Một số tổ chức quốc tế và trong nước cũng dự báo, ngành F&B có tiềm năng tăng trưởng lớn. Tổ chức nghiên cứu thị trường hàng đầu thế giới Mordor Intelligence Inc cho biết, ngành thực phẩm và đồ uống Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng kép hằng năm lên tới 8,65% trong giai đoạn 2021-2026.

Theo TheLeader

Share