Thương hiệu

Có nên đầu tư xây dựng thương hiệu trong mùa dịch?

Share

COVID-19 đến và làm đảo lộn hoàn toàn cuộc sống của chúng ta. Từ những kỳ vọng vào một năm phát triển, một thập kỷ mới tươi sáng cho đến những nỗi âu lo, sợ hãi khi đại dịch bùng phát. Người ta nói nhiều về vấn đề sinh tồn mùa dịch và làm sao để sinh tồn thành công. Thị trường cứ như thế bị chia làm 2 phe. Trong mắt những người ủng hộ, việc cắt giảm ngân sách marketing trong thời kỳ đại dịch là một điều nên làm, đúng đắn và đảm bảo tính an toàn cao. Nhưng với những người phản đối chiến lược này thì đây lại được coi là một trong những điều “dại dột” và “thiển cận” nhất. Đặc biệt là khi Marketing đang phát triển với tốc độ như vũ bão và sở hữu tiềm năng mạnh mẽ như hiện nay – nó đang được xem là thứ vũ khí tối thượng, đại diện cho một công ty phát triển, thịnh vượng bất chấp khó khăn. Marketing tạo ra cho doanh nghiệp cơ hội để khẳng định lại vị thế thương hiệu, giữ chân khách hàng, đẩy mạnh doanh thu hay thậm chí là vượt lên trên đối thủ cạnh tranh.

Đã hơn 10 năm trôi qua kể từ khi cuộc khủng hoảng tài chính gây chấn động toàn cầu năm 2008 kết thúc. Khi thống kê những hậu quả sau cơn bão lớn đó, người ta nhận thấy rằng ngân sách dành cho quảng cáo ở Mỹ đã giảm 13% trong thời điểm đó, trong đó chi phí dành cho quảng cáo báo là bị cắt giảm nhiều nhất, với 27%, đứng sau lần lượt là đài phát thanh, tạp chí, quảng cáo ngoài trời, truyền hình và trực tuyến (với lần lượt là 22%, 18%, 11%, 5% và 2%). Điều đáng ngạc nhiên là, dù ngành công nghiệp quảng cáo và Marketing đã trôi qua được hơn một thập kỷ sau ngày tháng đen tối đó, với những đổi mới liên tục không ngừng, nhưng dường như phản ứng của các doanh nghiệp trước những cuộc suy thoái vẫn “vẹn nguyên như vậy”: dè chừng, e ngại và có phần “sợ hãi”. Liệu rằng sự cẩn trọng và chắc chắn có phải là điều nên làm trong thời đại Digital Marketing đang chiếm sóng hiện nay?

Câu trả lời chắc chắn là Không.

Có một câu ngạn ngữ thế này: “Khi thị trường đang tốt, bạn nên quảng cáo. Khi mọi thứ trở nên tồi tệ, bạn càng nên quảng cáo.” Những nghiên cứu sau cuộc suy thoái kinh tế năm 2008 đã chỉ ra rằng, các công ty duy trì hoặc thậm chí tăng ngân sách quảng cáo trong thời kỳ khó khăn đã giúp họ gia tăng doanh số và thậm chí là thị phần không chỉ trong thời điểm đó, mà còn là cả hành trình về sau.

Nâng tầm thương hiệu – Giữ chân khách hàng

Cạm bẫy phổ biến nhất đối với các doanh nghiệp trên thế giới là khi họ nghĩ rằng chỉ cần với một sản phẩm hoặc dịch vụ tuyệt vời, thì việc giữ chân khách hàng sẽ là lẽ tự nhiên không cần phải cố gắng. Nhưng thật không may rằng, cho dù nó thật sự đúng trong một vài trường hợp, thì nó cũng chỉ đơn giản là một chiến lược ngắn hạn. Sự thật phũ phàng và thậm chí còn khắc nghiệt hơn nữa là, sớm hay muộn, khách hàng cũng sẽ…rời bỏ đi!

Bởi vì, ai mà còn muốn mua hàng từ các thương hiệu không thể hiện sự nỗ lực và quan tâm đến người tiêu dùng cơ chứ? Vậy nên bạn có thấy không, không có công ty, tập đoàn lớn nào trên thế giới cắt giảm TOÀN BỘ chi phí Marketing cả, họ chỉ đơn giản là cắt cái này, và bù vào cái khác mà thôi.

Trên thực tế, sự khác biệt giữa những công ty lớn và các doanh nghiệp SMBs là khả năng giữ chân khách hàng. Bạn càng có thể giữ chân được nhiều khách hàng và bán hàng cho họ, thì bạn càng có khả năng đạt được mục tiêu kinh doanh của mình.

Hãy cùng đến với một chiến dịch tiêu biểu của một thương hiệu lớn trong thời điểm này – chiến dịch “Con sẽ ở nhà” của Casper. Casper là một thương hiệu lớn trong ngành điện máy, ti vi,vv… và đã được thành lập lâu năm. Đứng trước những khó khăn của thị trường, Casper Việt Nam không chỉ không tạm ngừng các hoạt động marketing, mà thậm chí còn “nhanh trí” xây dựng chiến dịch nhằm mục đích gây quỹ ủng hộ Quỹ phòng, chống dịch COVID-19 Việt Nam và kêu gọi người dân ở nhà chống dịch.

Cộng đồng mạng đã phản ứng vô cùng tích cực trước sự “nhạy bén” của Casper. Họ nhiệt tình tham gia chương trình qua các bài viết đăng tải lên Facebook hoặc Instagram có chứa hình ảnh/video cá nhân và dòng chữ “con sẽ ở nhà” kèm hashtag #conseonha. Với mỗi bài đăng hợp lệ như vậy, Casper sẽ ủng hộ 10,000 đồng vào Quỹ phòng, chống dịch COVID-19 Việt Nam. Bằng việc phối hợp truyền thông cùng VTV24, Casper đã thành công khiến độ tin cậy của chiến dịch tăng cao và lan tỏa trên khắp cả nước. Đây cũng là nguồn chính tạo ra lượng thảo luận khổng lồ cho chiến dịch (với 885,019 thảo luận và 285,698 người tham gia thảo luận). Với mục đích ý nghĩa như vậy, người dùng social media dành nhiều phản hồi tích cực cho chiến dịch với Sentiment Score đạt tối đa 1.00.

Ngoài ra, điển hình cho hoạt động gây quỹ ủng hộ tuyến đầu là chiến dịch quỹ “Bảo vệ bác sĩ 24h” của VitaDairy với 2 lần xuất sắc dẫn đầu bảng xếp hạng BSI Top10 Campaigns tháng 03/2020 và BSI Top10 Campaigns tháng 04/2020.

“Bảo vệ bác sĩ 24h” – VitaDairy là một trong những chiến dịch tiên phong trong việc gây quỹ ủng hộ tuyến đầu chống dịch. Chiến dịch kêu gọi người dân đăng tải lại hình ảnh của chương trình cùng hashtag #Baovebacsi24h trên Facebook và với mỗi bài đăng như vậy sẽ đóng góp 10,000 đồng vào quỹ “Bảo Vệ Bác Sĩ 24h”. Khởi chạy ngay trong lúc dịch bệnh đang diễn ra vô cùng phức tạp tại nước ta (ngày 30/03), chiến dịch đã thành công lan tỏa mạnh mẽ ngay sau khi phát động với lượng UGC (lượng nội dung được tạo ra bởi người dùng) lên đến hơn 200,000 bài viết. Hai lần chương trình lọt vào bảng xếp hạng trên đều có chỉ số Sentiment Score đạt mức tối đa là 1.00, tức là hầu hết người dùng trên social media đều có phản hồi tích cực về chiến dịch như ý nghĩa, thiết thực,… và rất vui vì có thể đóng góp một phần vào việc hỗ trợ phòng chống dịch COVID-19.

Một trong những yếu tố tạo nên sự thành công của chiến dịch là việc sử dụng KOLs phù hợp như Trấn Thành – một trong những nghệ sĩ được biết đến với nhiều hoạt động từ thiện – hay diễn viên Bảo Thanh, giúp tăng thêm độ tin cậy và sức ảnh hưởng.

Bên cạnh hai chiến dịch tiêu biểu trên, trên social cũng xuất hiện nhiều chiến dịch gây quỹ ủng hộ tuyến đầu đầu chống dịch bằng hình thức khác là người dùng quyên góp trực tiếp trên ứng dụng hoặc trang web như Ví MOMO – Điều nhỏ bé vĩ đại, ZaloPay – Triệu tấm lòng vàng, chung tay chống dịch, NhacCuaTui – Cùng NhacCuaTui đẩy lùi COVID-19,…

Có thể nói, việc các thương hiệu duy trì hay thậm chí là gia tăng ngân sách Marketing, quảng cáo trong thời điểm nhạy cảm như hiện nay không chỉ giúp thương hiệu chiếm “top of mind” trong lòng người tiêu dùng, cải thiện mạnh mẽ lòng trung thành của khách hàng, mà còn gia tăng thị phần trên thị trường, dẫn đến tăng doanh thu, lợi nhuận bất chấp sự sụt giảm chung của xã hội.

Tận dụng cơ hội – Bứt phá thành công

COVID-19 có thể là một cuộc khủng hoảng lớn, nhưng cũng là một cơ hội để các thương hiệu tìm ra lối đi khác cho mình, hiệu quả hơn và thông minh hơn. Thay vì nhìn một loạt thương hiệu trên thị trường thi nhau cắt giảm chi phí marketing đến mức tối thiểu, và cảm thấy sợ hãi, thì tại sao bạn không nhìn nhận vấn đề đang xảy ra theo một hướng tích cực hơn. Đó là khi một lượng lớn các thương hiệu đều cắt giảm chi phí dành cho quảng cáo dựa trên hiệu suất: khối lượng quảng cáo sẽ giảm, điều đó có nghĩa là tỷ lệ cạnh tranh sẽ giảm và đây là cơ hội cho bạn định vị lại thương hiệu, hoặc ra mắt sản phẩm mới khi thị trường đã bớt đi “ồn ào”.

Nên nhớ rằng, các thương hiệu vốn đã có chỗ đứng trên thị trường luôn có giải pháp để duy trì chi phí marketing hay thậm chí là tăng thêm để đạt được hiệu quả cạnh tranh cao. Điều đó khiến cho họ ngày càng chiếm một vị thế mạnh mẽ hơn trên thị trường, với thị phần đáng kể và tỷ lệ rủi ro không lớn. Nói một cách đơn giản thì, khi khách hàng đang có nhu cầu tìm kiếm sản phẩm và trên thị trường lúc ấy chỉ có một thương hiệu duy nhất vẫn đang quảng cáo, thì thương hiệu đó sẽ chắc thắng 100%.

Và nếu bạn cũng muốn đạt được thành công như họ, thì cần phải nhạy bén hơn với những thay đổi của thị trường.

Thời gian qua, thị trường Việt Nam chứng kiến đến 9 chiến dịch ra mắt sản phẩm mới liên quan đến COVID-19 theo ghi nhận của Buzzmetrics. Số lượng các chiến dịch này cao thứ 3 trong tổng số các chiến dịch liên quan đến COVID-19. Đa phần các sản phẩm mới là những sản phẩm/dịch vụ đáp ứng những nhu cầu phát sinh trong mùa dịch như gel rửa tay khô, dịch vụ mua hàng qua mạng.

Thành công của các chiến dịch này không chỉ minh chứng cho việc gia tăng chi phí marketing là đúng đắn, mà còn giúp các thương hiệu này nhanh chóng “lật ngược thế cờ”, tạo được thế cạnh tranh mạnh mẽ trên thị trường, định vị thương hiệu trong lòng khán giả cũng như đẩy mạnh doanh thu hiệu quả.

Chiến dịch tiêu biểu đầu tiên mà MarketingAI muốn nhắc đến ở đây chính là “Bánh mì thanh long” của thương hiệu ABC BAKERY. Bánh mì thanh long là sản phẩm mới ấn tượng nhất, được ra mắt vào khoảng thời gian đầu của chuỗi chiến dịch hỗ trợ nông dân trong thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 của các doanh nghiệp. Sản phẩm được ra mắt với mục đích chung tay giải cứu nông sản Việt do không thể xuất khẩu bởi dịch bệnh.

Bánh mì thanh long ngay lập tức nhận được sự quan tâm, ủng hộ lớn từ người tiêu dùng và trên social media; xuất sắc 2 lần lọt vào bảng xếp hạng BSI Top10 Campaigns (bảng xếp hạng BSI Top10 Campaigns tháng 02/2020 và BSI Top10 Campaigns tháng 03/2020). Chưa dừng lại ở đó, nhà sáng lập ABC Bakery – ông Kao Siêu Lực – còn sáng tạo ra loại bánh mì dinh dưỡng nhằm gửi tặng cho các y bác sĩ với hàm lượng dinh dưỡng tương đương một bữa ăn, nhằm tiếp thêm động lực cho đội ngũ y tế nước nhà; dưới đây là các chủ đề thảo luận chính của người dùng về bánh mì thanh long.

Minh chứng nổi bật tiếp theo mà MarketingAI muốn nhắc đến chính là “ON1 – GEL RỬA TAY KHÔ ON1”. Rõ ràng, bên cạnh hoạt động gây quỹ thì ra mắt sản phẩm mới là chiến dịch cho thấy rõ hơn sự nhanh nhạy của brand đối với những thay đổi trên thị trường.

Nắm bắt thời cơ với nhu cầu sử dụng sản phẩm tăng cao đột biến trong mùa dịch, LIXCO đã kịp cho ra mắt sản phẩm gel rửa tay khô – On1 và nhanh chóng nhận được sự quan tâm lớn từ thị trường nói chung và trên social media nói riêng. Lượng lớn thảo luận về On1 chủ yếu xoay quanh việc giới thiệu và hỏi mua sản phẩm. Tuy có những thông tin trái chiều về sản phẩm nhưng phần lớn phản hồi của người dùng vẫn đánh giá cao sản phẩm về mùi hương, chất lượng, giá cả hợp lý và có nhiều dung tích để lựa chọn. Việc tận dụng cơ hội nhanh chóng đã giúp chiến dịch ra mắt sản phẩm mới của On1 xuất sắc lọt vào bảng xếp hạng Top10 Campaigns tháng 03/2020.

VinMart là cái tên tiếp theo “nhảy vào” sân chơi “ra mắt sản phẩm mới”, với chiến dịch Đi chợ online. Trước đó, vào tháng 07/2019 VinMart đã tung ra chiến dịch “Siêu thị ảo VinMart 4.0” với hình thức “Scan & Go”. Khách hàng có thể đặt hàng trực tuyến qua ứng dụng VinID bằng cách quét mã vạch của sản phẩm. Tuy nhiên, đến tháng 03/2020, trước nhu cầu mua hàng trực tuyến để giảm nguy cơ lây nhiễm COVID-19, VinMart đã ra mắt chiến dịch “Đi chợ online” nhằm thúc đẩy đặt hàng qua ứng dụng VinID. Phương thức mua hàng lần này có sự cải tiến và tiện dụng hơn khi người dùng chỉ cần chọn sản phẩm trực tiếp trên ứng dụng VinID mà không phải quét mã vạch sản phẩm như trước đó.

Không dừng lại ở đó, thương hiệu còn tung ra MV “Tết Corona, Tết hoài không hết” với sự xuất hiện của Á hậu Tú Anh, đề cập đến chủ đề về những mối lo ngại của người dân khi đi mua sắm trong mùa dịch. MV với nội dung đang “hot” và hài hước thu hút sự quan tâm của cộng đồng mạng. Ngoài ra, các minigame trên fanpage và các bài quảng bá trên các community page cũng nhận được sự ủng hộ của người dùng mạng xã hội. Điều này đã giúp lượng thảo luận của chiến dịch đạt 61,974 lượt thảo luận. Đây cũng là chiến dịch có lượng Buzz Volume cao thứ 2 (sau “Ở nhà không khó, có Shopee”) thuộc ngành hàng bán lẻ có chiến dịch trên social media trong mùa COVID-19.

Nhìn lại 2 chiến dịch trên, bạn có thể thấy rõ ràng rằng các yếu tố góp phần làm nên thành công cho các chiến dịch ra mắt sản phẩm mới mùa COVID-19 có thể kể đến như:

Xuất hiện ngay thời điểm người tiêu dùng cần nhất. Đây chính là một trong những yếu tố quan trọng quyết định sự thành công của chiến dịch ra mắt sản phẩm. Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng có thể triển khai hoạt động này để đáp ứng nhu cầu thị trường, vì nó còn tùy thuộc vào quy mô và sản phẩm mà doanh nghiệp kinh doanh. Chính vì thế, việc “đúng thời điểm” không chỉ gói gọn trong việc ra mắt sản phẩm mới mà nó có thể là các chương trình chăm sóc khách hàng, các gói dịch vụ cộng thêm hay đơn giản chỉ là 1 bài viết có nội dung (content) đánh trúng nhu cầu của người dùng – như việc Lifebuoy có bài viết hướng dẫn rửa tay sạch được cộng đồng mạng hưởng ứng và tích cực chia sẻ (trước khi cho ra mắt sản phẩm gel rửa tay khô – link).
Các chiến dịch hỗ trợ cộng đồng được người tiêu dùng và người dùng social media tích cực hưởng ứng nhiều hơn.

Khẳng định thông điệp thương hiệu – Tạo niềm tin vững chãi nơi khách hàng

6 tháng đầu năm 2020 đánh dấu một chặng đường đầy thành công của các chiến dịch nổi bật với thông điệp “Khuyến khích người dân ở nhà” chống dịch. Sự tham gia tích cực của các thương hiệu, tổ chức trong việc cùng nhau tuyên truyền chỉ thị của Bộ Y tế không chỉ chứng minh được năng lực đứng vững của các thương hiệu trước khó khăn, mà còn thể hiện được thông điệp khích lệ và nâng cao tinh thần của người dân, cổ vũ mọi người vực dậy tinh thần, đoàn kết cùng nhau chống dịch.

Ở đây, chiến dịch đầu tiên mà MarketingAI muốn nhắc tới chính là “Ở nhà không khó, Có Shopee” đến từ “ông lớn” trong ngành thương mại điện tử – Shopee. Đặt hàng trực tuyến từ lâu đã là hình thức mua hàng phổ biến, đặc biệt là trong 2 năm trở lại đây. Tận dụng thời kỳ dịch bệnh, mọi người hạn chế ra đường và hạn chế tiếp xúc gần nhau, Shopee đã ra mắt chiến dịch “Ở nhà không khó, có Shopee”. Chiến dịch nhanh chóng đạt được sự hưởng ứng tích cực của người tiêu dùng Việt Nam – thị trường sở hữu lượng lớn người dùng của thương hiệu đến từ Singapore này.

Theo thống kê, “Ở nhà không khó, có Shopee” là chiến dịch đạt được lượng Buzz Volume cao nhất (144,549 thảo luận) trong số các chiến dịch truyền tải thông điệp “khuyến khích người dân ở nhà” thuộc ngành hàng bán lẻ trực tuyến. Mini game trên fanpage Shopee và các bài viết quảng bá chiến dịch từ các trang community page và KOLs là nguồn chính mang lại phần lớn lượng thảo luận cho chiến dịch. Nhằm khuyến khích người dân ưu tiên lựa chọn mua sắm hàng hóa trực tuyến, chương trình trên giúp người dùng dễ dàng tiếp cận và mua sắm hàng hóa thiết yếu tại nhà, giảm thiểu việc tiếp xúc nơi đông người. Với lượng người truy cập sẵn có và nhiều ưu đãi giảm giá, miễn phí vận chuyển, chiến dịch đã thu hút 20,312 người tham gia thảo luận.

Một thành công khác không thể không kể đến chính là chiến dịch “Tuyên truyền phòng chống dịch COVID-19” của Bộ Y Tế. Có lẽ năm 2020 là một năm thật đặc biệt khi đánh dấu sự “lấn sân” mạnh mẽ của Bộ Y tế cũng như Chính phủ vào “sân chơi” Marketing cùng các thương hiệu. Chưa bao giờ người ta thấy các cơ quan Chính phủ, các Bộ Ban ngành tận dụng thứ vũ khí tối thượng này hiệu quả đến thế.

Trong suốt khoảng thời gian dịch bệnh diễn ra phức tạp (T2-T4/2020), Bộ Y Tế Việt Nam đã có một loạt các hoạt động tuyên truyền trên social media. Các hoạt động này nhằm nâng cao ý thức của người dân về mức độ nguy hiểm của dịch COVID-19 cũng như các phương pháp giữ gìn sức khỏe, phòng tránh dịch bệnh. Không chỉ bằng các hình thức truyền thống như báo đài; Bộ Y Tế còn đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền trên các phương tiện social media khác nhau như Facebook, TikTok, Youtube và cả việc tạo ứng dụng khai báo y tế – NCOVI, giúp người dân cập nhật được nhanh chóng các tin tức mới nhất về diễn biến dịch bệnh.

Không chỉ đa dạng về kênh triển khai mà nội dung truyền tải của Bộ Y Tế cũng phong phú và gây ấn tượng mạnh không kém. Bộ Y tế thậm chí còn hợp tác với các nghệ sĩ nổi tiếng để tạo ra các bài hát có sức lan tỏa như “Ghen Cô Vy”, “Việt Nam ơi! Đánh bay COVID” và tổ chức nên các cuộc thi dance cover/song cover. Mặt khác, cộng đồng mạng còn thể hiện thái độ thích thú khi nhận được tin nhắn quan tâm và nhạc chờ thông báo (mỗi khi gọi điện thoại) từ Bộ Y Tế mỗi ngày. Hầu hết các phản hồi của người dùng mạng là các thảo luận tích cực, đánh giá cao công tác tuyên truyền của Bộ Y Tế là sáng tạo, thú vị cũng như kêu gọi người thân, bạn bè làm theo các chỉ thị của Bộ Y Tế để dịch bệnh nhanh chóng được kiểm soát tốt. Chiến dịch này được diễn ra liên tục từ khi dịch bệnh bắt đầu xuất hiện tại nước ta và xuất sắc 2 lần lọt vào bảng xếp hạng BSI Top10 Campaigns tháng 03 và tháng 04/2020.

Là một chiến dịch nổi bật nhất với thông điệp “khuyến khích người dân ở nhà” nhưng vẫn tập thể dục để nâng cao sức khỏe, “Thử thách tập thể dục hàng ngày khi làm việc tại nhà” – Standard Chartered đã đạt hơn 130,000 thảo luận với hơn 34,000 người dùng tham gia tương tác. Đây là một chiến dịch mà MarketingAI đặc biệt muốn nhấn mạnh khi không chỉ kêu gọi mọi người cùng nhau tập thể thao, chương trình còn kết hợp với hoạt động quyên góp 100,000 đồng vào quỹ phòng chống dịch COVID-19 với mỗi bài đăng hợp lệ của người dùng Facebook tham gia thử thách (ngân sách tối đa là 700,000,000 đồng). Cộng đồng mạng không chỉ tích cực ủng hộ chương trình mà còn tag tên thách thức bạn bè cùng nhau tham gia, đặc biệt là trong giới gymer.

Ngoài các chiến dịch gây ấn tượng nổi bật trên, thị trường còn đón nhận nhiều chiến dịch mang thông điệp ý nghĩa và tạo hiệu ứng lan truyền cực kỳ mạnh mẽ trong thời gian qua. Tiêu biểu là chương trình livestream “Ở nhà? Có sao!” Phối hợp cùng Yeah1 của thương hiệu Sunsilk và Clear được thực hiện từ cuối tháng 03/2020. Một loạt thương hiệu lớn khác cũng tham gia chiến dịch cổ vũ, khích lệ tinh thần người dân Việt như Biti’s – Proudly made in Vietnam, VP Bank – Vui lên Việt Nam, Cosy – Lạc quan Việt Nam ơi, chiến dịch “Kiên cường Việt Nam”.

Kết

Dù phải đối mặt với nhiều nguy cơ, thách thức hơn bình thường, nhưng các chiến dịch mùa COVID-19 vẫn đạt được những thành công ấn tượng, đồng thời chứng minh cho câu nói “Các công ty đầu tư vào xây dựng thương hiệu trong bối cảnh nhiều công ty khác cắt giảm, sẽ thắng lớn khi người tiêu dùng bắt đầu chi tiêu trở lại”.

Có thể thấy rằng, các chiến dịch này không chỉ dễ dàng lấy được thiện cảm từ cộng đồng mạng mà còn nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình qua lượng thảo luận cao trên social media. Những yếu tố nổi bật tạo nên thành công của các chiến dịch này có thể kể đến như:

Đúng thời điểm. Trong thời điểm mà cả cộng đồng đều tập trung cập nhật tình hình dịch bệnh thì việc phản ứng nhanh nhạy trước những tin tức mới và đăng tải những nội dung phù hợp sẽ giúp thương hiệu tiếp cận với nhiều khách hàng hơn.
Kết hợp nhiều hoạt động trong các chiến dịch một cách hiệu quả (MV kết hợp gây quỹ, gây quỹ kết hợp thử thách,…).
Các chiến dịch vì cộng đồng, nhất là các hoạt động đề cao tinh thần đoàn kết, lòng tự hào dân tộc được người dùng social media hưởng ứng mạnh mẽ, đặc biệt trong mùa dịch.
Lựa chọn KOLs hoặc kênh truyền thông phù hợp giúp tăng độ tin cậy và mức độ lan truyền cho chiến dịch, nhất là các chiến dịch vì cộng đồng.
Âm nhạc là hình thức dễ truyền tải thông điệp và có độ lan tỏa cao trên social media (MV, song cover, dance challenge,…).
Các chiến dịch kêu gọi cộng đồng mạng chia sẻ thông điệp/hình ảnh/video – thương hiệu ủng hộ tiền cần có thể lệ đơn giản và minh bạch thông tin/tài chính.
Trước mắt vẫn sẽ là một chặng đường dài đầy khó khăn đối với các thương hiệu. Nhưng chỉ cần các bạn đi đúng hướng, thể hiện được sự quan tâm đến khách hàng, đặc biệt trong những thời kỳ suy thoái như thế này, thì chắc chắn, khách hàng sẽ không bỏ rơi các bạn!

Tô Linh – MarketingAI

Share