Có nên uống cà phê khi bụng đói không?
Có khá nhiều thông tin cho rằng việc uống cà phê vào buổi sáng khi bụng đói sẽ gây hại cho sức khỏe, chóng mặt, tụt huyết áp… Tuy nhiên điều này có thực sự chính xác?
Cà phê là một loại đồ uống phổ biến đến mức mức tiêu thụ của nó chỉ đứng sau nước ở một số quốc gia. Ngoài việc giúp bạn bớt mệt mỏi và tỉnh táo hơn, caffeine trong cà phê còn có thể cải thiện tâm trạng, khả năng tập trung khi làm việc hoặc tập thể dục. Bên cạnh đó, cà phê còn thúc đẩy giảm cân và chống lại các bệnh như tiểu đường loại 2, bệnh Alzheimer và bệnh tim.
Cà phê có gây ra các vấn đề tiêu hóa không?
Nghiên cứu cho thấy vị đắng của cà phê có thể kích thích sản xuất axit dạ dày. Do đó, nhiều người tin rằng cà phê sẽ làm trầm trọng thêm các triệu chứng rối loạn đường ruột như hội chứng ruột kích thích (IBS) và gây ra chứng ợ nóng, loét, buồn nôn, trào ngược axit và khó tiêu.
Tuy nhiên, nghiên cứu không tìm thấy mối liên hệ giữa cà phê và các vấn đề tiêu hóa, bất kể bạn uống nó khi bụng đói.
Tất nhiên, vẫn có một tỉ lệ nhỏ người cực kì nhạy cảm với cà phê và thường xuyên bị ợ chua, nôn mửa hoặc khó tiêu khi uống cà phê lúc bụng đói.
Tuy nhiên, điều quan trọng là phải chú ý đến cách cơ thể của bạn phản ứng. Nếu bạn gặp các vấn đề về tiêu hóa sau khi uống cà phê lúc bụng đói, hãy cân nhắc điều chỉnh liều lượng cho phù hợp.
Cà phê có làm tăng nồng độ hormone căng thẳng không?
Cortisol được sản xuất bởi tuyến thượng thận và giúp điều chỉnh sự trao đổi chất, huyết áp và lượng đường trong máu. Mức độ cortisol đạt đỉnh tự nhiên vào khoảng thời gian bạn thức dậy, giảm dần trong ngày và đạt đỉnh trở lại trong giai đoạn đầu của giấc ngủ.
Điều thú vị là cà phê kích thích sản xuất cortisol. Vì vậy, một số người cho rằng uống cà phê vào buổi sáng (khi mức cortisol cao) có thể nguy hiểm.
Tuy nhiên, một số nghiên cứu cho thấy không có sự gia tăng cortisol khi uống cà phê vào buổi sáng, nếu có chỉ là tạm thời.
Các tác dụng phụ tiềm ẩn khác
Ví dụ, caffeine có thể gây nghiện, uống quá nhiều có thể dẫn đến lo lắng, bồn chồn, tim đập nhanh và gây ra các cơn hoảng loạn trầm trọng hơn. Uống nhiều cà phê thậm chí có thể khiến bạn đau đầu, đau nửa đầu và tăng huyết áp ở một số người.
Vì lý do này, hầu hết các chuyên gia đồng ý rằng bạn nên giới hạn lượng caffein của mình ở mức khoảng 400 mg mỗi ngày, tương đương với 4-5 ly cà phê (0,95-1,12 lít).
Vì tác dụng của cà phê có thể kéo dài đến 7 giờ ở người lớn nên nó có thể làm gián đoạn giấc ngủ, đặc biệt nếu bạn uống cà phê vào cuối ngày.
Caffeine có thể dễ dàng đi qua nhau thai, và tác dụng của nó có thể kéo dài hơn bình thường đến 16 giờ đối với phụ nữ mang thai và thai nhi. Do đó, phụ nữ mang thai được khuyến khích hạn chế uống cà phê ở mức 1-2 ly mỗi ngày (240-480 ml).
Uống quá nhiều cà phê có thể gây lo lắng, bồn chồn, đau nửa đầu và ngủ không ngon. Tuy nhiên, không có bằng chứng nào chỉ ra rằng uống cà phê khi bụng đói ảnh hưởng đến tần suất hoặc cường độ của những tác dụng phụ này.
Nếu bạn gặp các vấn đề về tiêu hóa khi uống cà phê lúc đói, hãy thử uống cà phê với thức ăn. Nếu nhận thấy sự cải thiện, tốt nhất bạn nên điều chỉnh thói quen của mình cho phù hợp.
Theo Báo Pháp luật TPHCM