Dạo quanh một vòng Hà Nội khám phá bản hòa tấu văn hóa cà phê
Nếu là một người con sinh ra và lớn lên trong lòng Hà Nội, khi đi xa họ sẽ nhớ về nhiều nhất chính là không gian của phố và cà phê. Nếu là một người khách du lịch từ phương xa tới, họ sẽ tò mò muốn khám phá văn hóa cà phê của đất Kinh Kỳ – Hà Nội này, vậy thì hãy cùng THOMCOFFEE khám phá những quán cafe hiện đại và quán cafe cổ ở Hà Nội nhé!
Người ta hay nói vui một câu “Hà Nội không vội được đâu” và trong văn hóa cà phê Hà Nội cũng vậy “Uống cà phê Hà Nội thì không được vội đâu”. Trong bản tổng phối của mảnh đất Ngàn năm Văn Hiến, cà phê Hà Nội như một bản hòa tấu thú vị và đa sắc tạo nên một văn hóa cà phê “rất Hà Nội”.
Người Hà Nội uống cà phê như thế nào?
Bước vào quán, cùng một loại thức uống nhưng người Sài Gòn gọi cà phê sữa đá, còn người Hà Nội lại gọi là cà phê nâu, có điều cà phê nâu Hà Nội đắng và đậm đặc hơn cà phê sữa đá Sài Gòn. Người Hà Nội thường nhâm nhi tách cà phê vào buổi sáng, điềm nhiên, chậm rãi vì với họ thưởng thức cà phê là cả một nghệ thuật, một câu chuyện dài đằng sau đó. Vừa nhấp ngụm cà phê nóng, họ vừa lắng nghe tiếng gió đông bắc khẽ lay mái ngói thâm trầm, hàng cây cổ thụ.
Người Hà Nội “sành” cà phê có nhận định chung về một ly “nâu nóng” chuẩn rằng “Đó phải là cà phê phin theo tỷ lệ 2 cà phê và 1 sữa đặc để cho ra một hỗn hợp đặc sánh có hương vị rõ ràng và đậm đà. Cà phê rang xay phải mới nhất, tươi nhất, đạt chuẩn. Cà phê ngon nhất là ở nước cốt đầu tiên. Cách pha chế cà phê phải đậm đặc, có vị hơi đắng mới ngon”.
Người Hà Nội uống cà phê ở đâu?
Nếu người Sài Gòn có thể uống cà phê ở bất cứ đâu, từ vỉa hè đến những quán sang trọng thì người Hà Nội thường uống cà phê ở các quán khá đơn giản. Đó có thể là quán theo phong cách phố cổ hoặc ngồi cà phê vỉa hè.
Những nét riêng nơi quán cafe cổ ở Hà Nội
Trong những quán cafe cổ ở Hà Nội nổi tiếng, người ta không thể không kể tới Đinh Cafe – quán cà phê cũng ngót nghét 30 năm tuổi. Trước kia, quán có tên là cà phê Bích, tên của nữ chủ quán. Sau này, quán được đổi sang Đinh vì một lý do rất đơn giản: Quán nằm trên đường Đinh Tiên Hoàng ngay sát hồ Hoàn Kiếm.
Đinh nằm trên gác hai của một ngôi nhà Pháp cổ, để lên quán, bạn cần đi qua quán bán túi xách bên dưới, qua cầu thang lên gác hai là tới đó. Không gian quán mới được mở rộng thêm chỗ ngồi, tuy nhiên chỗ ngồi được yêu thích: góc ban công nhìn ra Hồ Gươm nay đã bị đóng.
Món tủ của quán là cà phê trứng vẫn được pha phin theo cách truyền thống. Cà phê trứng vốn là thức đồ đặc sản của mảnh đất Kinh Kỳ mà báo chí thế giới đã ngợi ca. Tới Đinh, bạn hãy thử thưởng thức một tách cà phê trứng thơm ngậy nhé!
Những quán cafe cổ ở Hà Nội khá kén người nhưng ở Thái lại hoàn toàn khác biệt. Khách đến Thái đủ mọi tầng lớp, lứa tuổi, mọi quốc gia. Nằm trên con phố cà phê, Thái đã tồn tại 80 năm có lẻ như một lời thách thức với thời gian. Thái mang hương vị riêng làm nên hương vị của cà phê người Hà Nội.
Cà phê Thái được tuyển chọn từ ba vùng thổ nhưỡng đất Việt là Điên Biên, Phủ Quỳ, Buôn Hồ và rang xay theo bí quyết gia truyền. Lẽ vậy nên uống một cốc cà phê ở Thái, bạn sẽ cảm nhận được hương thơm của núi rừng Tây Bắc, vị đậm sâu như đất và người xứ Nghệ, chất men say nồng của đại ngàn Cao Nguyên.
Có gì ở quán cafe cổ ở Hà Nội 80 năm tuổi đó ngoài cốc cà phê đậm chất thủ đô? Đó là tấm biển hiệu cổ kính, là những chiếc bàn gỗ mộc mạc kê sát hai bên tường. Đó là bức tường vàng với dòng chữ vintage nghệ thuật “Hà Nội ở đây rồi”, “Đến Hà Nội làm cốc nâu” cho các bạn trẻ thỏa thích check-in. Đó không gian bên trong quán phảng phất màu thời gian làm người ta hoài niệm về những năm tháng xưa cũ.
Gọi Café 39 Tạ Hiện là quán cà phê quốc dân bởi ở đây, bất kể là người trẻ hay người già, bất kể là dân văn phòng hay các bạn sinh viên, bất kể là bạn ở Sài Gòn hay Đà Lạt, Đà Nẵng ghé,… tất cả đều ngồi ở đây – quán cà phê vỉa hè đậm chất Hà Nội. Người Hà Nội thích ngồi vỉa hè: ăn, cà phê, trà đá,… không biết từ bao giờ thói quen đó đã trở thành một nét văn hóa đặc biệt, như người Sài Gòn có cà phê bệt thì người Hà Nội có cà phê vỉa hè.
Chả vậy mà Café 39 Tạ Hiện được yêu thích đến vậy. Quán mở từ 6 giờ sáng, những chiếc ghế nhựa được tận dụng làm bàn, bên cạnh là cốc cà phê nâu đá 18.000 VND được đặt trên chiếc khay nhôm, xuề xòa tới vậy mà người ta vẫn yêu thích ghé qua.
Tớ chợt thêm yêu mảnh đất Kinh Kỳ, thêm yêu văn hóa cà phê đặc sắc của Hà Nội. Tự nhiên muốn cảm ơn các vị linh mục phương Tây đã đem cây Cà Phê từ cao nguyên Ethiopia xa xôi mãi tận Châu Phi vào đất Việt để rồi làm nên một nền văn hóa cà phê Việt Nam nói chung, một nền văn hóa cà phê Hà Nội nói riêng!
Theo Traveloka