Đầu tư phát triển chuỗi cà phê “nóng” trở lại
Tăng tốc mở thêm cửa hàng mới, chú trọng phát triển kênh thương mại điện tử là xu thế chủ đạo được các chủ đầu tư trong và ngoài nước đẩy mạnh tại thị trường Việt Nam trong năm 2022.
Tốc độ mở thêm cửa hàng mới tăng gấp 3
Trả lời phóng viên Báo Đầu tư, bà Patricia Marques, Tổng giám đốc Starbucks Việt Nam cho biết, nếu như trong cả năm 2021, Starbucks chỉ mở được 3 cửa hàng mới và phải đóng 3 cửa hàng cũ, trong đó có một số cửa hàng ở vị trí cực kỳ đắc địa như Khách sạn Rex, thì chỉ chưa đầy 2 tháng qua, Starbucks đã mở thêm 9 cửa hàng mới, trong đó có 3 cửa hàng mới tại Hà Nội (trong tháng 12/2021) và 6 cửa hàng mới quận 2, quận Bình Tân (TP.HCM) và thành phố mới Bình Dương, nâng tổng số cửa hàng Starbucks tại Việt Nam lên 77 cửa hàng và con số này sẽ tiếp tục tăng thêm trong năm 2022.
Có thể thấy, con số còn khá khiêm tốn so với các hệ thống khác, song “thuyền trưởng” Starbucks Việt Nam lại rất lạc quan về tiềm năng, vì khách hàng đã trở lại và ngày càng nhiều hơn. Tuy nhiên, quy mô cửa hàng đã có sự thay đổi đáng kể so với các năm trước. Nếu như trước kia, Starbucks định vị phân khúc cao cấp, cửa hàng phải tọa lạc tại các vị trí đẹp, “đắc địa”, tập trung ở khu vực trung tâm, thì giờ đây, quy mô cửa hàng Starbucks lại rất vừa phải và tổ chức linh hoạt, phù hợp nhu cầu vừa thưởng thức tại cửa hàng, vừa đặt mua mang đi, đồng thời cửa hàng phủ rộng ở các khu vực dân cư tại các vùng ven.
“Nhiều thói quen của khách hàng đã thay đổi trong đại dịch, với xu hướng làm việc tại nhà, làm việc linh hoạt mọi lúc, mọi nơi. Do vậy, chúng tôi muốn cuối tuần, cư dân của các khu đô thị đều có thể thưởng thức Starbucks mà không phải di chuyển quá xa”, bà Patricia chia sẻ.
Dự kiến, trong năm tài chính 2022, Starbucks sẽ mở khoảng 2.000 quán cà phê mới trên toàn cầu. Khoảng 3/4 trong số dự án mới đó sẽ được xây dựng bên ngoài nước Mỹ.
Trong khi đó, một hệ thống khác là The Coffee House cũng đang rục rịch tái khởi động kế hoạch tăng độ phủ để đạt mục tiêu 1.000 cửa hàng vào năm 2025.
Tương tự, một đại gia khác của Thái Lan là chuỗi cà phê Amazon cũng đang hiện thực hóa mục tiêu mở rộng hoạt động tại Việt Nam. Amazon là dự án đầu tư của Central Group và PTT với tổng vốn 3,5 triệu USD, nhằm xây dựng chuỗi Café Amazon dẫn đầu tại Thái Lan và nay bắt đầu thâm nhập các thị trường nước ngoài như Việt Nam.
Chia sẻ với giới truyền thông, Phó chủ tịch Điều hành cấp cao của PTTOR (công ty con của PTT chuyên về mảng bán lẻ) cho biết, thị trường Việt Nam có rất nhiều tiềm năng để kinh doanh cửa hàng cà phê, bởi nền kinh tế tăng trưởng cao và nhu cầu tiêu dùng cà phê ngày một lớn.
Việt Nam vẫn là thị trường nhiều tiềm năng
Theo báo cáo của Euromonitor, thị trường chuỗi cà phê và trà tại Việt Nam có quy mô khoảng 1 tỷ USD/năm, trong đó, thị phần chủ yếu vẫn tập trung vào những thương hiệu như Highlands Coffee, Starbucks, The Coffee House, Phúc Long, Trung Nguyên, Guta, Napoli…, với nhiều mô hình khá linh hoạt, như chủ động đầu tư, liên kết đầu tư, nhượng quyền.
Xu hướng kinh doanh đang thay đổi và định hình lại, trong đó nổi trội là mô hình tinh gọn, ít tốn chi phí cố định và kinh tế sẻ chia. Dù có hy sinh về hình ảnh thương hiệu, nhưng đây sẽ là mô hình chủ đạo và hiệu quả.
Mặt khác, nghiên cứu mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy, thị trường Việt Nam có thể tiêu thụ tới 70.000 tấn cà phê/năm. Như vậy, với sản lượng cà phê 700.000-800.000 tấn/năm (theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), thì lượng cà phê tiêu thụ nội địa mới chiếm gần 10%. Còn theo Hiệp hội Cà phê thế giới, tiêu dùng nội địa của cà phê Việt Nam hiện chỉ đạt gần 3,6%, mức thấp nhất trong số các nước sản xuất cà phê…
Báo cáo của Công ty nghiên cứu thị trường Vietnam Industry Research and Consultancy (VIRAC) năm 2019 cho thấy, lợi nhuận của chuỗi cà phê tại Việt Nam chủ yếu nhờ định vị thương hiệu tốt và độ phủ lớn, tập trung ở khu vực văn phòng.
Dự báo triển vọng dòng vốn đầu tư đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam trong năm 2022, của ông Michael Kokalari, chuyên gia kinh tế trưởng của VinaCapital nhận định, Việt Nam sẽ tiếp tục là điểm sáng trong thú hút nhà đầu tư nước ngoài.
Xu hướng “mua mang đi” sẽ chiếm ưu thế
Do tác động của Covid-19 vẫn còn khá lớn ở các địa bàn trọng điểm (ngoại trừ TP.HCM là vùng xanh) và một thói quen mới được định hình từ sau đại dịch là xu hướng mua mang đi đang ngày càng phổ biến.
Bà Patricia cho biết: “Cửa hàng chính của chúng tôi tại Hàn Thuyên vào giờ cao điểm buổi sáng (8-9h), thì 100% khách hàng mua mang đi. Điều này cũng tương tự tại một số cửa hàng mới mở tại Hà Nội vì đang trong giai đoạn phải hạn chế tập trung đông người”.
Bên cạnh đó, xu hướng đặt hàng và thanh toán online cũng diễn ra khá phổ biến với cả Starbucks ngay trong thời gian cao điểm của đại dịch. “Chúng tôi thử nghiệm gian hàng trực tuyến trong thời gian cao điểm của dịch Covid-19 tại TP.HCM (tháng 9/2021) và thu nhận rất nhiều tín hiệu khả quan. Đây sẽ là xu hướng được Starbucks quan tâm đầu tư trong năm 2022”, bà Patricia khẳng định.
Hai xu hướng trên cũng là xu hướng đầu tư chính của nhiều đại gia sở hữu các chuỗi cà phê khác. Chuyên gia về đổi mới sáng tạo, ông Trần Anh Tuấn, Giám đốc điều hành Công ty The Pathfinder cho biết, xu hướng kinh doanh đang thay đổi và định hình lại sau đại dịch, trong đó nổi trội là mô hình tinh gọn, ít tốn chi phí cố định và kinh tế sẻ chia. Dù có hy sinh về hình ảnh thương hiệu, nhưng đây sẽ là mô hình chủ đạo và hiệu quả.
Theo Báo Đầu tư