Đi miền Tây, xuống ruộng uống… cà phê
Sau khi thu hoạch lúa đông xuân, cánh đồng ở Trà Vinh biến thành bãi thả diều. Nhiều người dân đem thức ăn, thức uống đến đây bán… tạo nên một dải quán cà phê độc đáo trên đồng ruộng.
Vừa nhâm nhi cà phê, vừa thả diều
Mấy ngày nay, trên mạng xã hội lan truyền chóng mặt hình ảnh một quán cà phê “gần gũi thiên nhiên” nằm trên đồng ruộng đã được cắt lúa khiến nhiều bạn trẻ tò mò.
PV Thanh Niên đã tìm hiểu và biết được đây chính là khu thả diều thường niên cạnh KCN Long Đức (ấp Vĩnh Yên, xã Long Đức, TP.Trà Vinh, Trà Vinh).
Tại khu vực này, cứ đều đặn mỗi chiều, hàng chục người dân đem bàn ghế, xe bán thức ăn, nước uống và đặc biệt là diều đến bán dọc theo hai bên đường tại để phục vụ các bạn trẻ và người dân đến thả diều. Cánh đồng rạ trải dài dọc hai bên đường tạo ra khoảng trống lý tưởng cho bộ môn thả diều.
Anh Nguyễn Minh Giang (22 tuổi, ngụ P.4, TP.Trà Vinh) cho biết, bãi thả diều này năm nào cũng có, cứ sau khi cắt lúa vụ đông xuân là sẽ có rất nhiều người đến chơi thả diều. “Chiều ngày nào cũng có nhiều người đến đây thả diều, đặc biệt các ngày cuối tuần là đông nhất, có bữa đông kẹt xe luôn. Tại ở đây thuận tiện, trống trải nên nhiều người chọn làm nơi thả diều”, anh Giang vui vẻ nói.
Còn Phạm Nguyễn Ngọc Trâm (22 tuổi, sinh viên Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, nhà ở P.7, TP.Trà Vinh) cho biết, tuy học ở TP.HCM nhưng năm nào dịp này Trâm cũng về quê để đến nơi này thả diều, nhằm giải tỏa áp lực sau giờ học và thưởng thức không khí trong lành ở quê nhà. “Năm nào mùa thả diều này em cũng về đây đi chơi cùng bạn bè, về đây thoải mái, mát mẻ, hết mùa em lại quay lại thành phố tiếp tục việc học”, Trâm phấn khởi nói.
Để được phép đặt bàn ghế và buôn bán trên những cánh đồng rạ này, người bán hàng rong phải thuê ruộng của người dân bán thức ăn, nước uống cho người dân đến đây chơi thả diều. Ông Nguyễn Văn Phương (52 tuổi), người bán hàng rong tại khu thả diều, cho biết năm nào cũng vậy, cứ mùa này là ông và nhiều người khác đến đây ‘xí chỗ’ để làm quán nước phục vụ khách đến thả diều. “Năm nào tôi cũng đến thuê ruộng để bán quán nước, người ta cho thuê theo chiều ngang của ruộng. Tôi bán ở đây cũng nhiều năm rồi. Hồi đó có 400.000 đồng/mùa rồi năm sau lên 600.000 – 800.000 đồng, năm nay lên 1,5 triệu/mùa. Trung bình mỗi ngày bán được 50 – 70 ly, ngày thứ bảy, chủ nhật thì đông hơn, cũng có thu nhập”, ông Phương nói thêm.
Tăng thu nhập… nhưng nhiều người chưa ý thức
Bãi thả diều đã tạo nên công ăn, việc làm và tăng thu nhập cho nhiều người. Tuy nhiên, do các loại đồ đựng thức ăn, nước uống ở đây đa phần là sử dụng một lần nên sau khi ăn, uống nhiều người thiếu ý thức đã vứt lại tại chỗ. Đồng trống, gió nhiều, các loại rác thải bay tứ tung ra xung quanh.
Bà Lâm Thị Ngọc Điệp (60 tuổi, ngụ P.6, TP.Trà Vinh, người bán diều) cho biết, mùa thả diều này kéo dài từ khoảng mùng 9 tết đến hết tháng 2 âm lịch. “Nhiều năm rồi, năm nào cũng rần rần ở đây, cắt lúa xong là vô mùa. Nếu không mưa thì hết tháng 2 âm lịch mới hết. Hồi trước, người ta thả diều phía trong, sau này trong đó làm trụ điện, dây diện nhiều nên họ dời ra đây. Mùa này bán cũng được lắm, diều đâu có hư, năm nay bán không hết đem về cất năm sau bán tiếp”, bà Điệp nói.
Anh Nguyễn Hoàng Phi Hải (32 tuổi, ngụ xã Lương Hòa, H.Châu Thành, Trà Vinh) cũng có thêm thu nhập khá nhờ việc giả chú heo bán kẹo cho các em nhỏ trong mùa thả diều ở đây. “Ban ngày tôi đi làm, chiều về khoác bộ đồ heo này đi bán kẹo cho mấy bé, nhờ tạo hình vầy nên bán cũng được, cũng có thêm thu nhập cho gia đình trong hơn tháng mùa thả diều ở đây”, anh Hải nói.
Anh Bùi Ngọc Lâm (43 tuổi, ngụ P.5, TP.Trà Vinh) cùng bạn đến đây hóng gió và xem thả diều bức xúc: “Thấy nhiều bạn thiếu ý thức quá, ăn uống rồi vứt ngay tại chỗ, mà cũng không trách họ được vì nếu người bán không bán mấy loại ly, hộp nhựa này thì họ lấy gì vứt, không lẽ kêu họ mang rác về nhà, rồi nếu bán hàng thì phải thu gom rác chứ để gió thổi bay tứ tung, mấy cái đồ nhựa này nằm trong đất thì bao giờ mới phân hủy được”.
Theo
Th