Ở đâu? Bao giờ?Tin tức cà phê

Đưa cà phê Việt xứng tầm cà phê ngon nhất thế giới

Share

Giá trị cà phê Việt rất cao nhưng chưa được khai thác hết tiềm năng. Cần xây dựng thương hiệu cà phê xứng tầm với chất lượng.

Cà phê Việt Nam được người tiêu dùng trên thế giới ưa chuộng. Ảnh: Vũ Long

Để cà phê Việt không còn là “áo gấm đi đêm”

Theo Chủ tịch JCI Việt Nam – ông Vũ Tuấn Anh, cà phê của Việt Nam ngon nổi tiếng trên thế giới, đã xuất khẩu đến gần một trăm quốc gia, chất lượng cà phê được người tiêu dùng trên thế giới đánh giá cao. Tuy nhiên, do chủ yếu mới chỉ dừng lại ở mức xuất khẩu thô nên mặc dù là loại nông sản, đặc sản ngon nổi tiếng, nhưng cà phê của Việt Nam vẫn như “hoa hậu không son phấn”.

“Cần có các biện pháp đa dạng hóa sản phẩm và đẩy mạnh chế biến sau để cà phê Việt không trong cảnh “áo gấm đi đêm”, bị khuất lấp giá trị” – ông Vũ Tuấn Anh nói.

Chất lượng cà phê Việt rất thơm ngon, nhưng chủ yếu mới dừng ở xuất khẩu thô. Ảnh: Vũ Long

Ngày 10.3, phát biểu tại Hội chợ triển lãm chuyên ngành cà phê lần thứ 8 – năm 2023, tổ chức tại thành phố Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), ông Vũ Bá Phú – Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), nhấn mạnh: Nông sản là một trong những ngành hàng quan trọng của Việt Nam, đóng góp tích cực vào kim ngạch xuất khẩu chung của cả nước và cà phê là một trong những sản phẩm mang lại giá trị kinh tế cao trong nhóm hàng nông sản.

Với vị thế là nước sản xuất và xuất khẩu cà phê lớn thứ 2 thế giới, các sản phẩm cà phê Việt Nam đã được xuất khẩu đến hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ, khối lượng xuất khẩu đạt gần 1,8 triệu tấn, giá trị kim ngạch trên 4 tỉ USD.

“Mặc dù vậy, thương mại quốc tế về cà phê vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của Việt Nam” – ông Vũ Bá Phú nêu ý kiến.

Cà phê Việt Nam đã được xuất khẩu đến 80 quốc gia, vùng lãnh thổ. Ảnh: Vũ Long

Xây dựng thương hiệu cà phê Việt Nam gắn với chỉ dẫn địa lý

Chính vì vậy, ngày 9.7.2020, Chính hành Nghị quyết số 103/NQ-CP về việc Ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Kết luận số 67KL/TW ngày 16.12.2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Bộ Công Thương được Chính phủ giao chủ trì, phối với với các bộ, ngành, địa phương xây dựng Chương trình tuyên truyền, quảng bá cho thương hiệu cà phê Việt Nam chất lượng cao gắn với thương hiệu ngành, chỉ dẫn địa lý.

Khai mạc Lễ hội cà phê Việt Nam 2023. Ảnh: Ban tổ chức

“Hiện tại, các bộ, ngành theo chức năng nhiệm vụ đang hoàn thiện các nội dung để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt” – ông Vũ Bá Phú thông tin.

Theo Bộ Công Thương, ngành cà phê cần tạo ra những sản phẩm cà phê đặc sản, cà phê chất lượng cao có giá trị gia tăng trên thị trường, trong đó, chú trọng khai thác tối đa lợi thế của chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, xây dựng thương hiệu riêng cho sản phẩm cà phê của Việt Nam để xuất khẩu và bán sản phẩm ra hệ thống phân phối của nước ngoài bằng thương hiệu cà phê mang chính tên mình.

Ông Võ Văn Cảnh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk cũng chia sẻ: Năm 2022, xuất khẩu cà phê Việt Nam nói chung và Đắk Lắk nói riêng đã đạt được những kết quả vượt bậc, rất đáng khích lệ: Xuất khẩu cà phê cả nước đạt 1,777 triệu tấn với kim ngạch 4,055 tỉ USD, trong đó, riêng tỉnh Đắk Lắk xuất khẩu được 380 ngàn tấn (chiếm 21,4%), kim ngạch đạt 812,570 triệu USD (chiếm 20%).

“Đắk Lắk hiện có hơn 210.000ha cà phê, với sản lượng đạt trên 560.000 tấn/năm, cà phê của tỉnh đã xuất khẩu đến hàng chục quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh” – ông Võ Văn Cảnh cho biết.

Theo Báo Lao Động 

Share