Giá cà phê khó lường như thế nào?
Vùng trồng cà phê ở các tỉnh khu vực Tây Nguyên đang bắt đầu bước vào mùa vụ thu hoạch, nhiều dự báo cho thấy giá bán sẽ tăng vào cuối năm tuy nhiên diễn biến trên thị trường cho thấy vẫn đang tiềm ẩn những yếu tố kéo giá thụt lùi.
Doanh nghiệp, nông dân đều thiếu vốn
Giá cà phê nhân xô hôm nay 25.10 tại các tỉnh Tây nguyên được thu mua từ 43.000 – 43.600 đồng/kg, ổn định so với một ngày trước đó. Cụ thể, tại tỉnh Đắk Lắk cà phê được thu mua ở mức 43.600 đồng/kg; Gia Lai, Kon Tum giá 43.500 đồng/kg; Đắk Nông 43.600 đồng/kg; các huyện Di Linh, Bảo Lộc, Lâm Hà (tỉnh Lâm Đồng) giá 43.000 đồng/kg. Theo một số chủ vườn, giá cà phê hiện nay đang giảm so với đỉnh điểm gần 50.000 đồng/kg vào tháng 9.2022, tuy nhiên vẫn được xem là khá cao.
Anh Nguyễn Đức Anh, chủ trại cà phê tại thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông, chia sẻ: “Năm nay tình hình kinh tế khó khăn, nhiều người trồng không chịu được gánh nặng chi phí đã phải bán non cho đại lý trước khi thu hoạch. Bản thân tôi cũng đã bán trước đó rồi, bây giờ đợi đến ngày thu hoạch trả nợ cho đại lý thôi”. Chị Lê An, chủ vườn tại huyện Krông Buk (Đắk Lắk) cũng bộc bạch: “Giá hiện nay đang còn khá, tôi chỉ mong cà phê mau chín sớm để bán, chứ sợ vài hôm nữa thu hoạch rộ thì giá lại giảm. Nông dân cà phê cũng như nhiều mặt hàng khác đều đang gặp khó khăn về tài chính, nợ nần, lúc nào bán có lời thì bán ngay thôi chứ không dám để lâu”.
Trong khi đó, các doanh nghiệp thu mua, chế biến, xuất khẩu cà phê cũng đang gặp khó khăn về tín dụng. Đại diện một doanh nghiệp cà phê lớn trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk cho biết, bước vào niên vụ cà phê này, doanh nghiệp cần có một lượng vốn lớn để thu mua kịp thời và bảo đảm giá tốt cho bà con nông dân. Niên vụ 2022 – 2023 sẽ có áp lực bán hàng rất lớn từ phía nông dân do thu hái trễ vì thời tiết mưa kéo dài và Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 đến sớm hơn. Tuy nhiên, ngành ngân hàng đang hạn chế tín dụng và tăng lãi suất, các doanh nghiệp không có đủ nguồn vốn thu mua và điều tiết kế hoạch bán vào thị trường, dẫn tới tình trạng bị ép giá do nguồn cung lớn cùng một lúc khi vào chính vụ khiến giá có thể giảm 15 – 20%.
Tình trạng này khiến người nông dân bị giảm thu nhập, trong khi giá nhân công, vật tư nông nghiệp đầu vào tăng. Do đó, vị đại diện này kiến nghị Ngân hàng Nhà nước, các bộ, ngành và hiệp hội ngành hàng có giải pháp nhằm đảm bảo ổn định kinh doanh cho ngành hàng cà phê, trong đó ưu tiên cấp hạn mức và giải ngân cho các doanh nghiệp kinh doanh, xuất khẩu cà phê trong lúc cao điểm vụ thu hoạch.
Ngăn chặn bán hàng non
Mặt hàng cà phê xuất khẩu trong năm nay đang trở thành điểm sáng của ngành nông nghiệp khi giữ được giá trị cao từ đầu năm đến nay, mục tiêu về đích ở mức 4 tỉ USD. Cuối quý 3/2022, Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO) tiếp tục giữ nguyên dự báo về nguồn cung cà phê toàn cầu trong niên vụ 2021 – 2022 ở mức 167,2 triệu bao, giảm hơn 2,1% so với niên vụ trước. Đồng thời, tiêu thụ được dự báo tăng 3,3% lên mức 170,3 triệu bao. Thị trường cà phê toàn cầu dự kiến sẽ thâm hụt khoảng 3,1 triệu bao trong niên vụ 2021 – 2022, giúp hỗ trợ giá bán tăng. Tuy nhiên, từ đầu tháng 10 đến nay, tốc độ xuất khẩu cà phê Việt Nam đang chậm lại, nửa đầu tháng 10 giàm 17,5% so với nửa cuối tháng 9.2022. Một số danh nghiệp cho biết khách mua nước ngoài cũng đang bối rối trước tình hình tín dụng và lãi suất cao.
Trước khả năng người dân sẽ bán “lúa non” để có tiền trang trải, UBND tỉnh Đắk Lắk đã có công văn yêu cầu UBND các huyện, thị xã, TP chỉ đạo các phòng, ban liên quan, UBND các xã, phường, thị trấn, các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh cà phê trên địa bàn lập kế hoạch và tăng cường công tác bảo vệ nghiêm ngặt diện tích cà phê đến kỳ thu hoạch. Đặc biệt, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân không thu hái cà phê xanh, đảm bảo tỷ lệ cà phê chín khi hái đạt trên 85%.
Trường hợp tận thu cuối vụ, tỷ lệ quả chín tối thiểu đạt 80%. Song song đó, có biện pháp, chế tài xử lý nghiêm đối với các trường hợp thu hái, mua bán cà phê non. Ngoài ra, địa phương và cơ quan chức năng xây dựng và triển khai phương án bảo vệ vườn cà phê; xử lý nghiêm các trường hợp trộm cắp, các đối tượng tự tổ chức giao dịch trung gian trái phép gây thiệt hại cho nông dân và doanh nghiệp.
Theo Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam, giải pháp tối ưu của nông dân hiện nay là tập trung chăm sóc cây cà phê để nâng cao năng suất lẫn chất lượng. Mặt khác, chú trọng đến việc thu hái cà phê đảm bảo tỷ lệ quả chin, giúp người trồng cà phê gia tăng từ 15 – 20% sản lượng. Đặc biệt khi sản xuất cà phê theo hướng chế biến sâu, việc thu hái đảm bảo tỷ lệ quả chín sẽ giúp giữ được chất lượng tốt hơn.
Về ý kiến lo ngại rằng giá vốn đang giảm vì thị trường tiêu thụ lắng xuống nay càng bị áp lực bởi nguồn cung dồi dào khi Việt Nam chuẩn bị bước vào giai đoạn thu hoạch cà phê. Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam cho rằng trong ngắn hạn chưa có áp lực nhiều vì sản lượng cà phê mọi năm sẽ tăng mạnh từ tháng 11 kéo dài đến tháng 1. Tuy nhiên năm nay, do ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu nên sản lượng có thể giảm hơn so với mọi năm.
Theo Báo Thanh Niên