Hai bạn trẻ với mô hình kinh doanh ‘cà phê giấy’
‘Mình tự do – do tự mình’ là nguồn cảm hứng để đôi bạn trẻ Thùy Dung và Ngọc Ánh khởi nghiệp ‘quán cà phê di động’ mang tên “DO”- quán cà phê mang đi thân thiện với môi trường.
Bắt đầu thực hiện ý tưởng chỉ trong 2 ngày
Ấp ủ ước mơ mở một quán cà phê cho riêng mình từ khi học lớp 12, nhưng phải đến tận năm cuối đại học, Phan Nguyễn Thùy Dung (22 tuổi, trường ĐH Công nghiệp TP. HCM) mới chính thức tập tành kinh doanh.
Thùy Dung cùng cô bạn thân Nguyễn Vũ Ngọc Ánh (23 tuổi, thợ làm bánh) đã tận dụng chiếc xe Cub cũ thời sinh viên làm “quán cà phê di động” để tiện việc đi lại lẫn mua bán. Tối trước khi bán, ba Dung còn rửa sạch xe, lau khô, giúp gắn thùng gỗ vào yên. Ngoài ra, bạn bè của cả hai cũng cho mượn ghế, tặng hoa, tặng bàn để trang trí.
Vì chỉ có hai ngày chuẩn bị đồ dùng như ly giấy, thùng gỗ pallet, thiết kế logo nên cả hai phải lên mạng đặt hàng giao ‘hỏa tốc’ mới kịp ngày bán. Do khá gấp gáp, chất lượng logo ban đầu cũng không được tốt. “Đến hôm nay, mình đã đầu tư in sticker logo dày và chống thấm nước để tặng mọi người, lan tỏa thông điệp bảo vệ môi trường”, Dung chia sẻ về sự cải thiện ở DO.
Ngọc Ánh chịu trách nhiệm pha chế và mua nguyên liệu, còn khâu chuẩn bị “vẻ ngoài” cho DO như thiết kế, xây dựng câu chuyện thương hiệu… sẽ do Dung đảm nhận. Bên cạnh đó, Dung quản lý luôn cả nguồn tiền thu chi khi đưa vào kinh doanh.
Hiện tại, quán bán hai món chính là cà phê đen và cà phê sữa, nguyên liệu được Dung nhờ mẹ mua của một đồng nghiệp để đảm bảo chất lượng sạch, nguyên chất. Với những thức uống theo gu giới trẻ như trà sữa, trà đào… Dung vẫn chưa có ý định bán thêm vì chỉ thích cà phê, đặc biệt là cà phê pha phin đậm chất người Việt.
Sau hai ngày chuẩn bị, “quán cà phê di động” chính thức đi vào hoạt động vào ngày 1/7, “tọa lạc” tại góc đường 3/2, thị trấn Trảng Bom (tỉnh Đồng Nai). Hai cô chủ phục vụ khách hàng từ 6h sáng đến tầm 10h sáng rồi về. Dung cho biết, hiện tại, cô và bạn chỉ rảnh vào cuối tuần nên không thể bán vào các ngày khác.
Trong ngày đầu tiên, DO chỉ bán được 17 ly cà phê, trong đó chỉ có 5 – 6 ly là của người ngoài, còn lại là gia đình mua ủng hộ. Mẹ của Dung là khách hàng đầu tiên và bà của Dung là khách hàng “sộp” mua 4 ly nhưng trả tiền… 6 ly. Gia đình rất ủng hộ cả hai thực hiện dự án này.
Với giá 15.000 đồng/ly cà phê đen và 20.000 đồng/ly cà phê sữa, doanh thu ngày đầu tiên chỉ vẻn vẹn 340.000 đồng. Thùy Dung cho biết: “Mình lấy số tiền tiết kiệm của mình ra làm vốn kinh doanh chứ không xin ba mẹ. Chi phí ban đầu cũng khá thấp nên nếu có lỗ thì mình và Ánh chắc chỉ biết nhìn nhau cười trừ”.
Ngày tiếp theo khởi sắc hơn, khi có nhiều người đến ủng hộ, hai cô gái bán được 32 ly, thu về 650.000 đồng. “Chúng mình kỳ vọng doanh thu sẽ tăng và có thêm nhiều khách hàng đến ủng hộ trong những ngày sắp tới”, Dung nói.
Nói “không” với đồ nhựa một lần
Từng đoạt giải trong cuộc thi “Khởi nghiệp sáng tạo với công trình ứng dụng công nghệ bảo vệ môi trường và hỗ trợ tham gia giao thông”, Thùy Dung hiểu rõ đồ nhựa tàn phá môi trường rất nghiêm trọng. Vì thế, quán cà phê của cô chỉ sử dụng ly giấy, nắp đậy giấy và quai xách bằng dây thừng.
“Ly giấy, nắp giấy và ống hút giấy đặt mua ở TP. HCM với giá lẻ nên chi phí khá cao, mình đã đầu tư mà không để ý đến việc có sinh lời hay không, cứ làm việc mình thích trước đã”, cô cho biết. Dây thừng thì Dung mua theo cuộn tại nhà sách rồi lên mạng học cách thắt. Cô cũng chia sẻ, từng thấy dây quai ly làm bằng lục bình và sẽ sử dụng trong tương lai, nếu phù hợp.
Theo quan điểm của nữ sinh viên chuyên ngành Marketing, việc hạn chế đồ nhựa rất khó khăn, nếu đưa vào thực hiện với quy mô lớn, nhất là thời hiện đại cần sự tiện lợi và tiết kiệm thời gian. “Chi phí sử dụng những đồ dùng giúp bảo vệ môi trường khá cao nên đó cũng là lý do các quán cà phê nhỏ lẻ vẫn chưa quan tâm và muốn thực hiện. Ngay cả những “ông lớn” về cà phê cũng dần mất đi cách “sống xanh” hoặc chỉ chạy theo các chiến dịch để quảng bá thương hiệu rồi lại ngưng”, Thùy Dung nói.
Cô cũng lý giải về quyết tâm của mình: “Địa điểm kinh doanh của mình là ở thị trấn Trảng Bom (Đồng Nai) – một nơi không phải thành phố lớn, việc thay đổi thói quen của người tiêu dùng, đặc biệt là người lao động tại quê rất khó khăn”. Cô nghĩ đơn giản, nếu như chỉ nhắc nhở người ta phải làm thế này thế kia để bảo vệ môi trường thì bản thân nên làm trước, người ta thấy thì sẽ làm theo.
Một số khách hàng có phản ánh ly giấy rất dễ bị mềm và hỏng nếu thời gian sử dụng quá lâu. Tuy nhiên, Dung vẫn giữ nguyên quan điểm và sử dụng ly giấy nhằm bảo vệ môi trường. “Mình hy vọng, trong tương lai, ở độ tuổi trưởng thành hơn, mình có thể mở rộng mô hình này và lan tỏa thông điệp đến khắp mọi nơi”, Dung bày tỏ.
Theo Tiền Phong