Thị trườngTin tức cà phê

Hàng ngon bán cho Tây, dân Việt uống cà phê ‘lẩu thập cẩm’

Share

Việt Nam là nước xuất khẩu cà phê đứng thứ 2 thế giới, những hạt cà phê ngon nhất cũng được ưu tiên xuất ra nước ngoài nhưng dưới dạng xuất thô, giá trị không cao. Trong khi, thị trường cà phê trong nước bị bỏ ngỏ, dân Việt uống cà phê như lẩu thập cẩm vì được pha trộn thêm đủ thứ.

Số liệu thống kê của Bộ NN-PTNT cho thấy, năm 2017, xuất khẩu cả phê ước đạt 1,42 triệu tấn và 3,21 tỷ USD, giảm 20% về khối lượng và giảm 3,8% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016. Giá cà phê xuất khẩu bình quân 11 tháng đầu năm 2017 đạt 2.279 USD/tấn, tăng gần 24% so với cùng kỳ năm 2016. Đức và Hoa Kỳ tiếp tục là hai thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất của Việt Nam với thị phần lần lượt là 14,6% và 12,7%.

Sang đến năm 2017, lượng xuất khẩu cà phê trong 9 tháng đầu năm ước đạt 1,46 triệu tấn và 2,77 tỷ USD, tăng 20% về khối lượng và 0,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017.

Đức và Mỹ tiếp tục là hai thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất của Việt Nam những tháng qua với thị phần lần lượt là 12,6% và 9,8%. Giá cà phê xuất khẩu bình quân 8 tháng đầu năm 2018 đạt 1.913 USD/tấn, giảm 15,5% so với cùng kỳ năm 2017.

Theo Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam, Việt Nam là nước đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu cà phê với 1,8 triệu tấn cà phê nhân xuất khẩu trong năm 2017, nhưng có tới 90% cà phê Việt là xuất khẩu thô nên thương hiệu cà phê Việt Nam thực sự vẫn chưa có tên trên bản đồ thế giới.

Nghịch lý lớn nhất là giá trị và thương hiệu của ngành cà phê Việt Nam rất thấp. Cà phê Việt phụ thuộc vào giá cả trên thế giới nên ngành sản xuất bấp bênh. Chỉ 10% sản lượng cà phê dùng để chế biến sâu tại thị trường trong nước, 90% còn lại là xuất khẩu thô nên không xây dựng được thương hiệu.

Chia sẻ về ngành cà phê Việt Nam trong buổi gặp gỡ báo chí với chủ đề “Tại sao những hạt cà phê ngon nhất lại chỉ dành cho người nước ngoài”, ông Phan Minh Thông, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Phúc Sinh, thừa nhận thực trạng, những hạt cà phê ngon và chất lượng tốt nhất đều được các doanh nghiệp gom bán ra nước ngoài. Trong khi đó, tại thị trường trong nước, người tiêu dùng Việt Nam hàng ngày phải đối mặt với cà phê trộn phụ gia, uống ly cà phê không phải cà phê nguyên chất.

Ông ví von, ly cà phê của người Việt uống hàng ngày chẳng khác nào lẩu thập cẩm, bởi trong ly cà phê không chỉ có cà phê và còn được trộn đủ loại phụ gia, hương liệu. Có một thực tế là, nếu đã uống quen những ly cà phê như vậy, khi thưởng thức một ly cà phê làm từ 100% cà phê nguyên chất lại không nhận ra, thậm chí có khi không hợp khẩu vị.

“Cách đây vài năm, trong một chuyến bay của một hãng hàng không lớn, tôi có kêu một ly cà phê để uống nhưng sau đó bỏ dở vì hương vị toàn mùi hương liệu, hóa chất. Sau khi phản ánh với hãng bay, tôi lại suy nghĩ: Sao DN Việt không làm cà phê nguyên chất chuẩn quốc tế cho người dùng Việt”, ông cho hay.

Sau một thời gian dài trồng, sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn tiêu chuẩn UTZ (tiêu chuẩn truy xuất nguồn gốc) và BRC của châu Âu với các yêu cầu khắt khe như: không sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật quá ngưỡng, tỷ lệ trái chín, ít nhất là 90%,… đồng thời trở thành doanh nghiệp lớn xuất khẩu cà phê, ông Phan Minh Thông cho biết, 2 năm nay sản phẩm cà phê của thuần Việt của mình đã có mặt tại thị trường nội địa với mục đích muốn người Việt được thưởng thức những ly cà phê nguyên chất, 100% làm từ cà phê.

Bản thân cà phê đã là một thực thể hoàn chỉnh, ở các nước châu Âu, họ sử dụng cà phê nguyên chất và chỉ “đẽo gọt” để cho thức uống này hoàn hảo hơn. Ông Thông cho rằng để người Việt làm quen với thói quen uống cà phê nguyên chất 100% là rất khó khăn. Bởi, thói quen thưởng thức cà phê có phụ gia để dậy mùi đã được hình thành hơn 40 năm nay. Vấn đề đôi khi không phải là nguyên chất hay giá tiền, mà là sở thích người uống.

Chủ một quán cà phê ở quận 3, TP.HCM, ông Nguyễn Văn Thư cũng thừa nhận thực tế một số người tiêu dùng trong nước phải uống cà phê mà không phải cà phê nguyên chất xuất phát từ chính thói quen của họ. “Gu” uống cà phê mà nhiều người quen từ trước đến nay cũng giống như cách nấu ăn, phải cho gia vị. Cà phê ngon theo thói quen của không ít người dùng là phải đậm mùi, phải béo và sánh.

Để đáp ứng thói quen này, nhiều điểm kinh doanh ban đầu sử dụng phụ gia, bơ, bắp, đậu nành trong quá trình rang, xay. Dần dà thị trường có đủ các hương liệu để đáp ứng, và cứ thế mà ly cà phê bị trộn nhiều chất độn, thậm chí có cả hoá chất.

Các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê cũng nói rằng khách hàng trên thế giới rất ngạc nhiên với kiểu uống cà phê “không giống ai” của một số người ở Việt Nam. Điều “không giống ai” mà dân sành cà phê lý giải, là một số người Việt đang uống cà phê bị pha quá nhiều tạp chất, mặc dù giá bán một ly cà phê trung bình tại các hàng là không quá rẻ so với thu nhập.

Bảo Phương

Nguồn: VietnamNet

Share