ChạmVăn hóa

Lang thang cà phê

Share

Lang thang cà phê thì không đâu thú vị như Sài Gòn. Quán cà phê ở mảnh đất này cũng mang trong mình đặc trưng của một đô thị lưu dân, phong phú và đa dạng, đó có thể là một quán sang trọng nằm ở những giao lộ lớn, hay chỉ cần vài chiếc ghế nhựa, cây dù tạm bợ ven đường cũng đủ trở thành chốn dừng chân đón bao lữ khách…

Đi Sài Gòn uống cà phê

Một cô bạn từ nước ngoài về khi được hỏi: “Muốn đi đâu?”. “Đi cà phê”, cổ đáp gọn. Quả thật, với những người từng ghé thăm hoặc sống trên mảnh đất này, đó hẳn là lời rủ rê đầy mời gọi. Dù là dân ghiền cà phê thứ thiệt, hay những kẻ chỉ nhấp một ngụm cà phê đã say, vẫn xiêu trước lời mời đi cà phê, dù đến quán… chẳng để uống cà phê.

Vào một sáng bình thường, tại một dãy phố bình thường, một quán cóc bình thường có vài cái ghế nhựa. Mỗi ghế một anh, ly cà phê trước mặt, đặt trên cái bàn inox hoặc chiếc ghế nhựa… Đó là một hình ảnh rất phổ biến của thị dân thành phố. Người TPHCM có thể làm rất nhiều thứ, giải quyết rất nhiều việc ở quán cà phê. Họ hẹn bạn đến quán cà phê để gặp nhau, để bàn việc với đối tác, hoặc đơn giản chỉ đến quán cà phê và ngồi đó. Và ngồi ở quán cóc ven đường còn có những người thành công thứ thiệt, họ đến đây không phải để tìm những ly cà phê chồn đắt đỏ mà tìm kiếm thứ dư vị tinh túy của cuộc sống bằng những ly cà phê chưa đến 20 ngàn đồng. Họ ngồi giữa phố phường, tai tiếp nhận âm thanh ì ầm bất hủ của đô thị lớn nhất nước và giao tiếp với xung quanh bằng… sự im lặng.

Chị Minh Lê (quận Tân Phú), từ quê bước chân vào TPHCM, dần theo bạn bè ngồi quán cà phê. Rồi chị lập gia đình, công việc túi bụi, bận rộn đón đưa con, chẳng còn thời gian tụ tập mỗi ngày nữa, nhưng chị vẫn giữ cho mình thói quen ngồi cà phê vỉa hè một mình để lắng nghe và yêu thương bản thân. Bởi cuộc sống của một thị dân sẽ có nhiều hơn những nốt trầm nên chị “sở hữu” cho riêng mình những chiếc quán cóc để chữa lành, để lẫn mình vào thiên nhiên.

Đệ nhất cà phê hẻm

Một đô thị trẻ như TPHCM, hẻm là đặc trưng, vì thế, những quán cà phê nép mình bên những con hẻm ghi dấu tháng năm cũng trở thành thứ đặc sản. Dù TPHCM có nhiều quán cà phê hợp xu hướng, nhưng cà phê hẻm mang trong mình sự tinh túy bên trong ngoại hình xuề xòa, đó mới là hồn cốt để người thị dân dù có đi đâu vẫn tìm một góc hẻm để lui tới.

Tín đồ của cà phê hẻm chắc chắn “rành 6 câu” về huyền thoại cà phê hẻm Trịnh. Đó là xe cà phê không tên của 2 vợ chồng người Huế đặt ở đầu hẻm 47 Phạm Ngọc Thạch (quận 3), con hẻm cụt đó có dăm căn nhà, trong đó có ngôi nhà người nhạc sĩ tài hoa Trịnh Công Sơn. Bởi thế, khách của quán cà phê này không chỉ có giới văn nghệ sĩ, nhà báo, mà còn có những người trẻ yêu nhạc Trịnh. Cà phê hẻm Trịnh có từ những năm 1980, do ông Hoành – người có nhiều duyên nợ với nghệ sĩ Trịnh Công Sơn – làm chủ. Chị gái ông kết hôn với em của nhạc sĩ. Tên tuổi của ông anh xa đã giúp ông hình thành ý tưởng cà phê hẻm Trịnh.

Tồn tại mấy chục năm nhưng đến nay cà phê hẻm Trịnh vẫn sở hữu nhiều thứ “không”: không nhà vệ sinh, không người coi giữ xe, không mái che… cùng những quy tắc kỳ lạ để tồn tại. Đó là, khi trời mưa, việc đầu tiên của khách là chạy đi kiếm chỗ trú thân. Khách đến đây phải tự đưa xe vào sâu trong con hẻm, để ngay ngắn nép bên lề phải, rồi lặng lẽ lấy 2 chiếc ghế nhựa ra ngồi vào lề trái chờ gọi nước mà không được hối. Mỗi khi thấy ô tô ra vào phải tự động xách ghế đứng lên để nhường đường. Và muốn đi vệ sinh phải chạy nhanh vào một tòa cao ốc văn phòng gần đấy, giả đò tìm người quen…

Ấy thế mà, bao năm người ta vẫn cứ đến ngồi dựa lưng vào tường, mắt nhìn chăm chăm vào bức tường rêu đối diện, trên đầu là chiếc mái che siêu to từ cây xoài lâu năm của văn phòng Bộ LĐTB-XH. Sau một sự cố ô tô quẹt chân khách lạ, năm 2012, quán cà phê hẻm Trịnh phải dạt ra lề đường Phạm Ngọc Thạch, nó không còn là quán cà phê của hẻm Trịnh nữa. Sau chục năm, tôi trở lại, vợ chú Hoành vẫn nhận ra và hỏi thăm: Con đi đâu sao lâu quá không ghé? Cây xoài năm đó đã không còn, chiếc bếp dầu cũ mèm đã được vợ chồng chú thay bằng bếp ga mini để nấu nước sôi, nhưng vị của những thức uống dưới bàn tay pha chế của người chủ già vẫn không thay đổi và giá nước cũng chỉ 20 ngàn đồng như để chờ những người khách quen ghé lại…

Cheo Leo (đường Nguyễn Thiện Thuật, quận 3) có lẽ là quán cà phê hẻm sang chảnh nhất nhì Sài Gòn. Quán “sang” vì xuất hiện trên báo nước ngoài và “chảnh” vì các cô chủ ở đây không hề dễ tính, khách lạ sẽ khớp, nhưng khách quen lại hiểu ý và ghiền cái sự “nắng mưa” đó của con gái Sài Gòn. Cheo Leo ra đời từ những năm 1930, từng là nơi lui tới của học sinh Trường Petrus Ký, Chu Văn An (quận 5). Giờ quán không chỉ là nơi tụ tập uống cà phê của người Việt, còn là nơi tìm đến của rất nhiều vị khách quốc tế để tìm kiếm chút phong vị Sài Gòn xưa. Giống như tên gọi, quán chỉ có những chiếc ghế nhựa cùng những chiếc bàn đã cũ, chật chội, khách lúc nào cũng đông nghẹt.

Tôi hay phàn nàn mỗi khi anh bạn rủ ra Cheo Leo, sao lại cứ thích chen chúc ở một cái quán nhỏ xíu như vậy? Nhưng, đến lâu tôi thành khách quen, và người quen tìm về Cheo Leo đâu chỉ để uống cà phê vợt nức tiếng Sài thành, mà đến đây để bầu bạn. Đó là những đại gia chơi đồ cổ khét tiếng, là những tay chơi xe đạp vài trăm triệu, là những ông thầy giáo nước ngoài dù đi dạy, đi làm ở đâu… thì ngày nào về cũng phải ghé vào.

Sài Gòn có nhiều quán cà phê hẻm, nhiều vô kể, và rồi mỗi người sẽ tìm được đệ nhất quán của riêng mình.

Theo Sài Gòn Giải Phóng

 

Share