Cà phê & Kinh tếTin tức cà phê

Lợi nhuận cà phê, nước ngoài hưởng

Share

Việt Nam là nước xuất khẩu cà phê lớn thứ hai thế giới nhưng phần lớn lợi nhuận không thuộc về người trồng và doanh nghiệp trong nước.

Ngày 12-3, trong khuôn khổ Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 6, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) đã phối hợp với UBND tỉnh Đắk Lắk tổ chức hội thảo “Phát triển ngành hàng cà phê Việt Nam thích ứng với biến đổi khí hậu và hội nhập quốc tế”.

Nhiều thách thức

Việt Nam là nước xuất khẩu cà phê lớn thứ hai thế giới, năm 2016 xuất khẩu gần 1,8 triệu tấn, giá trị khoảng 3,4 tỉ USD, chiếm 19% thị phần cà phê toàn cầu.

Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hà Công Tuấn, ngành cà phê Việt Nam đang chịu nhiều thách thức như biến đổi khí hậu và hạn hán trong năm 2016 làm ảnh hưởng 116.000 ha. Mùa khô 2016-2017, mưa trái mùa làm cho cà phê ra hoa sớm, ảnh hưởng đến năng suất.

Nhu cầu thị trường được dự báo là sẽ tăng trong những năm tới với cà phê chè (arabica), trong khi Việt Nam chủ yếu trồng giống robusta. Công đoạn thu hái vẫn trong tình trạng xô bồ, người trồng chưa có sự phân loại, thương lái vì lợi ích trước mắt đã trộn các loại chất lượng khác nhau làm ảnh hưởng đến uy tín cà phê xuất khẩu.

Hiện tỉ lệ chế biến rất thấp làm cho giá trị cà phê không cao, người trồng thiệt thòi. Phải thẳng thắn nhìn nhận lợi nhuận cao từ cà phê của Việt Nam chủ yếu thuộc về doanh nghiệp thu mua, chế biến ở nước ngoài” – Thứ trưởng Hà Công Tuấn nhận định.

Ông Lương Văn Tự – Chủ tịch Hiệp hội Cà phê, Ca cao Việt Nam – cho rằng diện tích cà phê già cỗi trên 20 tuổi chiếm đến 60%, việc tái canh sẽ cần khoảng 12.000 tỉ đồng nhưng đến nay, giải ngân chỉ mới khoảng 1.000 tỉ đồng. Trong khi đó, sản xuất manh mún, việc thu mua và kinh doanh cà phê hầu như không quan tâm đến chất lượng. Ba sàn giao dịch cà phê được cấp phép nhưng chưa hoạt động được do cơ chế chính sách, năng lực quản lý có vấn đề. Hiện chưa có quy chuẩn cho cà phê rang xay và cà phê hòa tan, dẫn đến không kiểm soát được chất lượng sản phẩm.

“Thông thường, trong chuỗi kinh doanh toàn cầu, khâu sản xuất chỉ chiếm 10% giá trị. Do đó, ngoài tập trung chế biến cà phê rang xay và hòa tan, cần đa dạng hóa các sản phẩm đặc trưng như cà phê chồn, cà phê Cầu Đất… để tăng giá trị” – ông Tự đề xuất.

Đẩy mạnh chế biến sâu

Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản – Bộ NN-PTNT, hiện cả nước có 160 cơ sở chế biến cà phê rang xay, tổng công suất 51.000 tấn; 19 nhà máy sản xuất cà phê hòa tan với 170.000 tấn/năm. Tỉ lệ cà phê chế biến sâu vẫn còn rất khiêm tốn khi chiếm chưa đến 10% sản lượng cả nước.

Chính phủ vừa đạt được thỏa thuận với nhiều nước trong việc mở cửa thị trường cà phê chế biến cho Việt Nam, giảm thuế nhập khẩu còn 0%-5%. “Nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước bắt đầu đầu tư sản xuất cà phê hòa tan để tranh thủ cơ hội” – ông Tự cho biết.

Mới đây, Tập đoàn Neumann Gruppe (Đức) đã đầu tư xây dựng nhà máy chế biến cà phê tại Long Thành (Đồng Nai) trị giá 12 triệu USD, công suất dự kiến đạt 100.000 tấn cà phê nhân/năm, hoạt động trong năm 2017. Bên cạnh đó, nhiều nhà đầu tư nước ngoài cũng đang khảo sát, chuẩn bị đầu tư vào cà phê rang xay và hòa tan để tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có và lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do.

Đối với việc bảo hộ chỉ dẫn địa lý, theo Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột, sau 2 năm tiến hành các thủ tục pháp lý, hiệp hội đã yêu cầu hủy đăng ký bảo hộ “Buôn Ma Thuột Coffee” trên lãnh thổ Trung Quốc do doanh nghiệp nước này đăng ký. Từ năm 2014, “Buôn Ma Thuột Coffee” với chủ sở hữu là UBND tỉnh Đắk Lắk đã được bảo hộ tại Trung Quốc dưới hình thức nhãn hiệu tập thể.

Song song với quá trình giành lại quyền sở hữu ở Trung Quốc, hiệp hội đã nộp đơn bảo hộ “Buôn Ma Thuột Coffee” tại 17 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đến nay, đã có 12 nước, vùng lãnh thổ đồng ý bảo hộ “Buôn Ma Thuột Coffee” dưới các dạng khác nhau như nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý, tên gọi xuất xứ hàng hóa. Hiện đã có 11 doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu cà phê nhân nằm trong vùng địa danh được cấp quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột với diện tích 15.000 ha, sản lượng 47.000 tấn.

“Chúng tôi sẽ xây dựng lại hồ sơ đăng ký và mở rộng phạm vi bảo hộ cho các sản phẩm cà phê chế biến sâu, đồng thời củng cố, vận hành hệ thống kiểm soát, chứng nhận chất lượng để hạt cà phê Buôn Ma Thuột nói riêng và Việt Nam nói chung có thương hiệu trên thế giới” – ông Trịnh Đức Minh, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột, nhấn mạnh.

Cần sản xuất tập trung

Theo TS Trương Hồng, quyền Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên, hiện 80% sản lượng cà phê Việt Nam được sản xuất theo quy mô hộ nông dân, mạnh ai nấy làm.

Do vậy, phải tổ chức sản xuất lại bằng cách gom hộ sản xuất vào CLB, HTX, doanh nghiệp… Từ đó, mới kiểm soát được kỹ thuật đầu vào như giống, canh tác, thu hoạch, đồng thời áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm tăng sản lượng, chất lượng và giá trị hạt cà phê.

Theo Cao Nguyên (Người lao động)

Share