Tin tức cà phêTrồng - Chăm sóc cây cà phêTrồng & Sơ chế

Mở rộng tái canh cà phê ở nhiều địa phương

Share

Thời gian tới, Bộ NN&PTNT tiếp tục bổ sung, hoàn thiện Quy trình tái canh, đặc biệt là quy trình tái canh cho cà phê chè phù hợp với các địa phương như Sơn La, Điện Biên, Quảng Trị.

Diện tích tái canh và ghép cải tạo cà phê vùng Tây Nguyên từ năm 2014-2021 đạt trên 107,5% kế hoạch

Ngày 24/6 Bộ NN&PTNT tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Đề án tái canh cà phê giai đoạn 2014 – 2020 và triển khai Đề án giai đoạn 2021 – 2025.

Tại Hội nghị, ông Lê Văn Đức, Phó Cục trưởng Cục trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho biết chương trình tái canh cà phê đã đem lại một số hiệu quả như: trẻ hóa vườn cây cà phê già cỗi, sâu bệnh, năng suất thấp không còn khả năng phục hồi. Năng suất của các vườn tái canh đạt trung bình 2,8 tấn/ha, vượt 0,1 tấn/ha so với mục tiêu.

Diện tích tái canh và ghép cải tạo cà phê vùng Tây Nguyên từ năm 2014-2021 được 129.008,4 ha (đạt trên 107,5% kế hoạch). Tính lũy kế diện tích tái canh và ghép cải tạo cà phê từ năm 2011-2021 được 166.579,2 ha. Hầu hết diện tích cà phê tái canh được trồng bằng giống mới, cây sinh trưởng, phát triển tốt và cho năng suất cao, chất lượng tốt và mang lại hiệu quả kinh tế rất rõ rệt, góp phần vào chương trình phát triển cà phê bền vững.

Đặc biệt, theo ông Đức, hiệu quả thu được lớn nhất chính là sự thay đổi ý thức sản xuất của nhiều hộ nông dân, quy trình tái canh cà phê vối được thực hiện tốt hơn khi phân loại vườn cà phê trước khi trồng tái canh. Sau đó mới ghép cải tạo dựa vào độ tuổi của vườn, mức nhiễm bệnh vàng lá chết cây theo tỷ lệ bệnh, cấp bệnh và năng suất của vườn cà phê để lựa chọn các biện pháp kỹ thuật tái canh phù hợp, rút ngắn thời gian luân canh…

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh cho biết, đề án tái canh đã đem lại hiệu quả rõ rệt cho ngành cà phê Việt Nam, cụ thể là việc tái canh đã không làm giảm năng suất và sản lượng cà phê Việt Nam mà còn tăng năng suất và sản lượng. Năng suất cà phê Việt Nam năm 2011 là 23,5 tạ/ha đã tăng lên 28,2 tạ/ha năm 2021 và sản lượng tăng từ 1,27 triệu tấn lên 1,81 triệu tấn.

Tái canh cà phê đã đạt vượt kế hoạch, tính lũy kế đến năm 2020 diện tích tái canh cà phê và ghép cải tạo đạt gần 150 nghìn ha, vượt 30 nghìn ha so với kế hoạch.

Đại diện địa phương thực hiện tái canh cây cà phê giai đoạn qua, ông Đỗ Xuân Dũng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Lắk cho biết, cà phê không những có ý nghĩa về kinh tế mà là văn hóa của địa phương. Do vậy, địa phương đã thực hiện ứng dụng khoa học công nghệ, tưới tiết kiệm, sử dụng các giống cà phê do Viện WASI nghiên cứu để thực hiện tái canh cà phê. Ông Dũng thông tin thêm: “Đắk Lắk tái canh chủ yếu sử dụng giống mới. Việc này giúp tăng năng suất, trẻ hóa vườn cà phê già cỗi. Thời gian qua, địa phương đã có nhiều chính sách hỗ trợ cây giống và vay vốn để tái canh”.

Trong giai đoạn 2021-2025, Bộ NN&PTNT đặt mục tiêu trồng tái canh và ghép cải tạo khoảng 107 nghìn ha cà phê; trong đó, trồng tái canh 75 nghìn ha, ghép cải tạo 32 nghìn ha. Năng suất vườn cà phê sau khi trồng tái canh và ghép cải tạo ở thời kỳ kinh doanh ổn định đạt bình quân 3,5 tấn nhân/ha. Thu nhập/ha cà phê sau khi trồng tái canh và ghép cải tạo tăng 1,5 – 2 lần so với trước khi tái canh.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cho biết, qua việc tổng kết chương trình tái canh 2014-2020 đã mang lại nhiều hiệu quả rõ rệt. Do đó, để tiếp tục mở rộng chương trình này, các cơ quan ở Trung ương và địa phương đã có những kế hoạch tiếp theo cho trương tình tái canh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Cũng chính vì vậy, Bộ NN&PTNT tiếp tục phê duyệt đề án tái canh cà phê giai đoạn 2021-2025. Đề án tái canh cà phê giai đoạn 2021-2025 không chỉ thực hiện ở 5 tỉnh Tây Nguyên mà còn được mở rộng ở các tỉnh cà phê khác như Sơn La, Điện Biên, Quảng Trị, Bình Phước, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu.

Để tái canh giai đoạn 2021-2025 hiệu quả, các địa phương cần tiếp tục rà soát, phân loại, xác định diện tích cà phê già cỗi của từng hộ để xây dựng kế hoạch tái canh, ghép cải tạo cho từng năm sát với thực tế của địa phương.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cũng cho biết hiện các cơ quan chuyên môn thuộc Bộ đang tiếp tục bổ sung hoàn thiện Quy trình tái canh, đặc biệt là quy trình tái canh cho cà phê chè phù hợp với các địa phương như Sơn La, Điện Biên, Quảng Trị. Các đơn vị nghiên cứu thuộc Bộ NN&PTNT cũng tiếp tục nghiên cứu, khảo nghiệm để đưa vào sản xuất các giống cà phê mới phục vụ nhu cầu tái canh của các tỉnh, chú ý đến bộ giống cà phê chè phù hợp cho cả vùng miền Trung và vùng Tây Bắc.

Theo Báo Chính Phú

Share