Nhân xanh cà phê Việt Nam đi đâu?
Với nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng Anh, Việt Nam đang có nhiều cơ hội xuất khẩu cà phê sang Anh, nhất là khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Vương quốc Anh (UKVFTA) đã có hiệu lực.
Số liệu thống kê cho thấy, EU hiện vẫn là thị trường cung ứng cà phê lớn nhất vào thị trường Anh, trong khi châu Á (trong đó có Việt Nam) chỉ mới cung cấp khoảng 90 triệu tấn/năm.
Tuy nhiên, cà phê của Việt Nam và một số nhà cung ứng khác cũng đã được các nhà rang xay quốc tế thu mua và đóng gói, xuất khẩu vào thị trường Vương quốc Anh với nhãn mác của họ, trong đó có không ít các nhà rang xay của EU.
Theo Statista, doanh thu thị trường cà phê Vương quốc Anh ước đạt 8,81 tỷ USD vào năm 2022. Thị trường dự kiến sẽ tăng trưởng hàng năm 10,98% (CAGR 2022-2025). Như vậy doanh thu thị trường Vương quốc Anh hiện bằng khoảng 1/10 so với thị trường Mỹ (85,16 tỷ USD).
Đáng chú ý, người tiêu dùng Anh truyền thống uống nhiều cà phê hòa tan hơn so với các nước châu Âu. Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy, doanh số bán cà phê xay và cà phê đặc sản đang tăng lên. Đặc biệt cà phê được chứng nhận về chất lượng hoặc chứng nhận về môi trường, lao động… rất quan trọng đối với người tiêu dùng Anh.
Nhanh chóng tận dụng lợi thế, đẩy mạnh xuất khẩu cà phê sang Anh
Cà phê là một trong 13 mặt hàng nông sản chủ lực của Việt Nam. Ngành cà phê đóng góp 3% GDP cả nước, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho trên 600.000 hộ nông dân.
Theo Tổng cục Hải quan, trong tháng 4/2022, Việt Nam xuất khẩu tổng cộng 2.137 tấn cà phê sang thị trường Anh, với giá xuất khẩu trung bình tháng là 2137 USD/tấn, đạt trị giá 4,56 triệu USD. Tính chung 4 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang Vương quốc Anh đạt 50,3 triệu USD, tăng 145,84% về lượng và 196,67% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Bộ Công Thương cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam cần nhanh chóng tận dụng cơ hội từ UKVFTA mang lại. Bởi theo cam kết của UKVFTA, sau 6 năm kể từ khi UKVFTA có hiệu lực, Anh sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.
Ông Trần Thái, Giám đốc Công ty T&T Meridian (UK) nhận định, các công ty kinh doanh cà phê tại Anh đều biết Việt Nam là một trong những nước xuất khẩu cà phê hạt hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, về thương hiệu cà phê thành phẩm, Việt Nam chưa có vị trí nổi bật như Italia, Pháp hay Thuỵ Sỹ.
Về khẩu vị, người Anh không uống cà phê đậm đặc như cà phê đen của Việt Nam. Cà phê thành phẩm có mùi và vị mạnh quá sẽ khó bán ở thị trường Anh.
Về bao bì, người Anh có thói quen đọc thông tin trên bao bì rất kỹ để xác định xem sản phẩm có thành phần gây dị ứng hay không, nên được pha chế như thế nào, có đạt các tiêu chí ESG (môi trường, xã hội & quản trị) hay không. Các nhà phân phối sẽ hoan nghênh sản phẩm vừa phù hợp thị hiếu tiêu dùng vừa có bao bì đẹp.
Theo các chuyên gia, hiện, cà phê nhân từ Việt Nam đa phần là Robusta có chất lượng thấp, việc cạnh tranh về giá rẻ không còn phù hợp. Để đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của người Anh cũng như muốn thâm nhập sâu hơn vào thị trường này, doanh nghiệp cần đầu tư sản xuất Arabica chất lượng cao từ những vùng trồng quy mô nhỏ hơn, có khả năng quản trị tốt hơn, có khả năng truy xuất và phát triển bền vững hơn.
Đồng thời tích cực chủ động xây dựng và phát triển quan hệ bạn hàng với các tập đoàn phân phối lớn. Đặc biệt, chủ động được công nghệ bảo quản và vận chuyển nông sản bằng đường biển; sử dụng tốt chính sách tín dụng ưu đãi và dịch vụ đánh giá, xác minh tín nhiệm của khách hàng của các ngân hàng Anh.
Để hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu nói chung và doanh nghiệp ngành cà phê nói riêng mở rộng thị phần tại thị trường này, trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ đẩy mạnh công tác thường xuyên hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam kết nối với các doanh nghiệp nhập khẩu của Anh và Ireland.
Theo báo Nông Nghiệp