Nối gót The KAfe, chuỗi cà phê nổi tiếng thế giới Gloria Jean’s cũng “lặng lẽ” đóng cửa tại Việt Nam
Dù đã thâm nhập 39 thị trường trên toàn cầu với độ phủ hơn 1.000 cửa hàng, nhưng tại Việt Nam, Gloria Jean’s Coffees cũng vừa chịu chung số phận với The KAfe.
Thời gian qua dư luận đổ dồn sự chú ý vào việc đóng cửa The KAfe của Đào Chi Anh mà không để ý rằng một ông lớn trong ngành cũng đã rời khỏi Việt Nam. Gloria Jean’s Coffees, thương hiệu cà phê phổ biến tại Úc, đã “ngậm ngùi” đóng cửa quán cà phê cuối cùng tại Grand View, Phú Mỹ Hưng, trong tháng 4 này. Sự kiện đáng buồn này cũng đánh dấu 10 năm thâm nhập thị trường Việt Nam của Gloria Jean’s.
Năm 2006, tập đoàn cà phê đa quốc gia Gloria Jean’s đến Việt Nam thông qua hợp đồng nhượng quyền (franchise) với một công ty trong nước.
Khi đó, ông Billy Sin, Giám đốc kinh doanh khu vực châu Á khẳng định Việt Nam, cũng giống một số nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia… là thị trường tiềm năng để phát triển ngành dịch vụ đồ uống. Dù là nước xuất cà phê lớn nhất, nhì thế giới, Việt Nam chỉ có thế mạnh về cà phê robusta, còn Gloria Jean’s tập trung phát triển cà phê arabica nên “cũng không ảnh hưởng gì”.
Tuy nhiên mọi chuyện không dễ như tưởng tượng của ông Billy Sin. Sau gần 6 năm tiến vào Việt Nam, Glorian mới chỉ mở được 6 cửa hàng tại khu vực thành phố Hồ Chí Mình, tốc độ phát triển khá chậm so với các chuỗi còn lại.
Đến năm 2012, “biểu tượng” của Gloria Jean’s trên đường Đồng Khởi đã bị đóng cửa do chi phí thuê mặt bằng quá cao trong khi lợi nhuận từ kinh doanh không đáp ứng nổi. Đến cuối năm 2015, số chuỗi cà phê Gloria tại thành phố Hồ Chí Minh giảm một nữa và tiếp tục giảm xuống còn 2 cửa hàng vào cuối năm 2016.
Tính đến thời điểm hiện tại, toàn bộ hệ thống Gloria Jean’s Coffees đã đóng cửa. Fanpage Gloria ngừng cập nhật từ tháng 12/2016 và website của thương hiệu tại Việt Nam đã không tồn tại. Gloria tại khu vực hồ Con Rùa, một trong hai cửa hàng “sống sót” cuối cùng, đã nhường chỗ cho Highland.
Chị Nguyễn Phi Vân, người đầu tiên đưa Gloria Jean’s Coffees vào Việt Nam, đã từng nhận định, nguyên nhân thất bại ban đầu là việc rập khuôn mô hình từ công ty mẹ. “Sai lầm đáng tiếc của những người nhận nhượng quyền khi đó là sợ sai nên đã áp dụng nguyên xi mô hình Gloria Jean’s tại Úc vào các khu vực khác. Chúng tôi cũng vậy”, chị nói.
Dù về sau, Gloria Jean’s cho phép người mua nhượng quyền chỉ giữ lại những yếu tố cốt lõi của thương hiệu, còn lại cải tiến cho phù hợp với từng thị trường nhưng vấn đề kinh doanh vẫn không khả quan. Chi phí mặt bằng quá cao cộng thêm sự xuất hiện của đối thủ ngoại Starbucks và sự trỗi dậy của chuỗi quán cà phê bản địa như The Coffee House, Phúc Long, Urban Station hay Trung Nguyên đã đánh bại thương hiệu cà phê lớn đến từ Úc.
Thực tế, Việt Nam không phải là nơi duy nhất Gloria Jean’s Coffee không đạt kết quả như mong muốn. Năm 1992, thương hiệu này đã vào thị trường Indonesia và nhanh chóng mở 15 cửa hàng. Tuy nhiên, họ cũng nhanh chóng đóng cửa gần hết số cửa hàng đó và hiện tại chỉ còn 2. Nguyên nhân thất bại được cho là do người nhận nhượng quyền khi đó chỉ lo mở rộng hệ thống cửa hàng mà không tìm hiểu kỹ nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng khu vực.
http://cafebiz.vn/noi-got-the-kafe-chuoi-ca-phe-noi-tieng-the-gioi-gloria-jeans-cung-lang-le-dong-cua-tai-viet-nam-20170421231244236.chn