Nông dân cà phêTrồng & Sơ chế

Nông dân trồng cà phê: Họ không cười nhiều đến thế đâu!

Share

Hãy cùng làm một thí nghiệm đơn giản trước khi đọc bài này. Bạn hãy thử lên Google hình ảnh và search chữ “Coffee Farmer” xem điều gì sẽ xảy ra.

Thật bất ngờ, chỉ trong 0,67s có tới 136 triệu kết quả hiện ra. Và phải tới 99% những hình ảnh đó là nụ cười tươi rực rỡ của người nông dân bên cạnh vườn cà phê của mình.

Nhưng sự thật là:

Họ Không Có Cười Nhiều Đến Thế Đâu !
Người nông dân trồng cà phê cực vô cùng. Nhưng buồn là ít người biết tới những vất vả của họ trong việc tạo nên hạt cà phê.

Hình ảnh thì vẫn là hình ảnh mà thôi. Như tôi hồi bé đã từng nghĩ làm nông dân chắc vui lắm, các bác được ra đồng chơi mỗi ngày. Thế nhưng, sau này lớn lên một chút, đặc biệt là khi bắt đầu vào ngành cà phê, tôi cũng bắt đầu có một cái nhìn khác. Và tôi sẽ cố gắng giúp bạn hiểu được những nỗi niềm đằng sau nụ cười ấy của người nông dân qua bài viết này.


Có thể nói, đã là nông dân thì dù trồng bất kỳ thứ cây gì cũng đều vô cùng vất vả, cực nhọc. Người nông dân trồng cây cà phê cũng không phải ngoại lệ. Vấn đề đến từ mọi thứ.

Từ thiên nhiên khi biến đổi khí hậu gây nên bão gió, lũ lụt, thiếu nước… Từ bản thân cây trồng khi phải đối phó dịch bệnh, sâu hại…Từ con người, khi bị những thương lái ép giá, bị người xấu phá hoại…

Nhưng bên cạnh đó, trong ngành sản xuất cà phê chất lượng cao ngày nay, vẫn còn những “giọt nước mắt” mà ít người biết tới. Cụ thể là ở hai khâu: Thu Hoạch Cà Phê Chín và Sơ Chế Cà Phê.

1. Thu Hoạch Cà Phê Chín

Thực tế mà nói, trước đây người trồng cà phê Việt Nam không hề làm điều này. Họ thường sẽ dùng hai cách sau để thu hoạch cà phê. Cách thứ nhất là trải một tấm bạt dưới gốc cây, sau đó rung mạnh để quả rơi xuống. Cách thứ hai là dùng tay để tuốt quả cà phê như tuốt rau ngót. Cả hai cách này đều đem đến một kết quả đó là:

Lô cà phê thành phẩm lẫn lộn quả xanh, quả chín cùng đủ loại cành, lá, sỏi… khác nhau. Điều này đồng nghĩa với việc cà phê đó sẽ có giá rất rẻ và được dùng chủ yếu trong lĩnh vực cà phê hòa tan hay để chiết xuất caffeine cho nước tăng lực. Những lô cà phê “kém chất lượng” này được gọi bằng cái tên khá bình thường là: “Cà phê Thương mại”.

Tuy nhiên, những năm gần đây, người nông dân trồng cà phê đã phải thay đổi cách thu hoạch để đáp ứng yêu cầu của cà phê chất lượng cao. Những bao cà phê bây giờ phải đạt tỷ lệ quả chín 100% và không được lẫn lộn quá nhiều vật chất ngoại lai. Đây là yếu tố đầu tiên và tiên quyết để chấm điểm cà phê chất lượng tốt.

Do đó, để đáp ứng yêu cầu trên, người nông dân đã phải chuyển sang cách hái chọn lọc. Chỉ những quả cà phê chín vừa đủ với nhiều đường nhất mới được hái xuống thôi. Và tất cả quy trình đó đều phải thực hiện bằng tay. Người nông dân sẽ phải hái cẩn thận, bóc tách từng quả chín một và cho vào giỏ cho đến khi hết cây. Mà cái cây cà phê có phải bé đâu, nó phải to như cây cam, cây quít mà quả thì mọc chi chít như quả dâu da nữa chứ.

Bạn cứ tưởng tượng mà xem, giữa cái thời tiết nắng như đổ lửa, nếu là người nông dân và phải đi hái từng quả cà phê xuống như vậy thì liệu bạn có cười tươi trước ống kính được không?

“Thế sao không thuê máy về làm cho nhanh, đỡ mệt”

Chắc là sẽ có người hỏi thế. Nhưng bạn biết không, để đưa được những cái máy này lên tới nơi trồng cà phê chất lượng cao là gần như không thể. Bởi các trang trại cà phê này đa phần nằm ở những vùng đồi núi cao. Cùng với đó, việc dùng máy móc sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến cây cà phê. Những cánh tay khổng lồ của chúng có thể “đánh” dập nát cành lá của cây trong quá trình hái quả, rồi cả những trái cà phê xanh cũng bị hái mà không hề có cơ hội chín tiếp.

Thế nên đa phần những cỗ máy này chỉ được sử dụng trong việc thu hái cà phê thương mại. Còn đa số người trồng cà phê chất lượng cao trên thế giới vẫn đang sử dụng biện pháp thu hái thủ công giữa thế kỷ 21 này đó.

“Rồi! Xong công đoạn này là người nông dân đã bắt đầu có thể nghỉ ngơi, tươi cười được rồi nhỉ?”

Cũng người đấy lại hỏi. Nhưng mà sớm quá, chưa xong đâu. Cuộc “Vui” cùng những sự mệt mỏi bây giờ mới mạnh mẽ này.

2. Sơ Chế Cà Phê

Bạn biết không, việc sơ chế cà phê không khác gì việc xử lý cá sau khi đánh bắt vậy. Để cá tươi và ngon nhất thì sau khi bắt lên phải xử lý luôn và đúng cách. Cà phê cũng như vậy, sau khi được hái thì phải được xử lý sớm nhất có thể để đảm bảo chất lượng. Việc sơ chế sẽ quyết định đến hương vị của cà phê sau này.

Người nông dân sau khi thu hoạch cà phê xong sẽ có hai lựa chọn:

Một là tiếp tục tự mình thực hiện công đoạn sơ chế cà phê.
Hai là giao cà phê cho những nhà máy có đội ngũ kĩ thuật viên sơ chế cà phê kinh nghiệm.
Tuy nhiên, bài viết này sẽ chỉ tập trung vào lựa chọn thứ nhất thôi. Bởi nó sẽ cho mọi người biết được những nỗi niềm của người nông dân trong công đoạn sơ chế cà phê đầy vất vả này.

Cà phê lúc này được người nông dân sơ chế theo nhiều kiểu khác nhau, chứ không chỉ là rải quả cà phê ra sân và phơi như phơi thóc mà mọi người hay thấy. Mỗi một kiểu sơ chế lại có thể đem đến một hương vị cà phê khác biệt. Nhưng nói chung thì tất cả các cách sơ chế đều không đơn giản chút nào.

Đó là những trận ngất lên, ngất xuống của những chị nông dân trong những nhà kính phơi cà phê. Cái nóng hầm hập cùng độ ẩm lớn khiến những người sức khỏe yếu nhanh chóng gục ngã vì choáng váng.

Những đêm mất ngủ vì đau toàn thân của bác nông dân, khi phải đảo cà phê liên tục trong ngày cho cà phê khô đều và không bị mốc.

Và đó là những đêm trắng ngồi vừa học vừa dịch những tài liệu tiếng anh về cách sơ chế (Cũng may là cà phê không bao giờ thiếu).

Nghĩ đến là không thể cười nổi rồi. Nụ cười chỉ rực rỡ trở lại với người nông dân khi mà công đoạn sơ chế xong xuôi, khi bao cà phê được đóng gói chỉn chu và chất lên xe tải.

Nụ cười hiếm hoi nhưng rực rỡ lắm bạn à. Bởi họ biết, những hương vị cà phê tuyệt hảo mà họ tốn bao công sức sắp đến được tay bạn đó.

Mong rằng sau bài viết này, mỗi người yêu cà phê chúng ta có thể hiểu thêm được những vất vả của người nông dân cà phê. Và đừng lãng quên họ trong mỗi cốc cà phê mình từng uống nhé.

Theo https://visty.vn/nhung-nguoi-nong-dan-it-cuoi/

Share