Books

“Ở quán cà phê của tuổi trẻ lạc lối”

Share

Trên nền bức tranh Paris đầu những năm 1960, với tất cả sự trân trọng và chân thành, Patrick Modiano đã khéo léo lưu giữ, sắp xếp những mẩu ký ức, những gương mặt, những cuộc đời tưởng như xa lạ mà lại có mối liên hệ, sợi dây gắn kết với nhau và biến chúng trở thành chất liệu văn học độc đáo, tạo nên mạch nguồn cảm xúc rất chung, ghi đậm dấu ấn trong lòng độc giả.

Ai cũng có thể, dù ít dù nhiều, tìm thấy một phần tuổi trẻ của mình “Ở quán cà phê của tuổi trẻ lạc lối” (NXB Văn học, Công ty Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam (sau đây viết tắt là Nhã Nam), 2015).

“Ở quán cà phê của tuổi trẻ lạc lối”Tác phẩm “Ở quán cà phê của tuổi trẻ lạc lối” của Patrich Modiano.

Patrick Modiano là một nhà văn Pháp nổi tiếng với nhiều tác phẩm, giải thưởng văn học danh giá. Năm 1978, ông nhận giải Goncourt cho tiểu thuyết “Phố những cửa hiệu u tối”; năm 2000, ông nhận Giải thưởng Văn học trọn đời Paul-Morand. Đến năm 2014, ông được trao giải Nobel Văn học. Ở Việt Nam, nhiều tác phẩm của Patrick Modiano đã được dịch, in ấn, phát hành như: “Để em khỏi lạc trong khu phố” (NXB Văn học liên kết với Nhã Nam, 2016), “Quảng trường ngôi sao” (NXB Văn học liên kết Nhã Nam, 2017); “Một gánh xiếc qua” (NXB Văn học liên kết Nhã Nam, 2018); “Từ thăm thẳm lãng quên” (NXB Hà Nội liên kết Nhã Nam, 2018); “Phố những cửa hiệu u tối” (NXB Văn học liên kết Nhã Nam, tái bản 2019); “Những đại lộ vành đai” (NXB Hà Nội liên kết Nhã Nam, 2020)…

Patrick Modiano có một tuổi thơ buồn khi không được sống trọn vẹn trong niềm hạnh phúc gia đinh. Cha suốt đời phiêu bạt, mẹ quanh năm lưu diễn khắp nơi nên Patrick Modiano và em trai được giao cho ông bà ngoại nuôi, sau đó trải qua quãng thời gian học tập tại các khu nội trú. Rudy – người em trai duy nhất của ông vì bạo bệnh mà mất sớm đã trở thành vết thương lòng không gì chữa lành được. Nỗi đau đớn hằn sâu ấy đã chuyển hóa thành cảm giác trống rỗng, chông chênh, cô đơn, hoang mang… ám ảnh trong hầu hết các sáng tác của Patrick Modiano. Sẽ không phiến diện khi nhận định rằng: Nếu Patrick Modiano dành cả cuộc đời mình cho văn học cũng có nghĩa là ông dành tất cả sự sống của mình để ngụp lặn trong những hoài niệm, ký ức, lý tưởng “trôi dạt” và nỗi cô đơn. Và cuốn sách “Ở quán cà phê của tuổi trẻ lạc lối” cũng không nằm ngoài cảm hứng chủ đạo ấy.

Cuốn sách tái hiện lại bức tranh Paris đầu những năm 1960 nhuốm màu buồn. Ở bất kỳ địa danh nào, dòng sông Seine, quảng trường Balanche, góc phố Val-de-Graace trên đại lộ Bretteville, quảng trường Republique, giao lộ Ode,on, những quán cà phê như: Palmiers, Le Bouquet, La Pergola, Le Conde… hay đến những bức tường đen xám ở khu trường mỏ, nơi ở của Louki… cũng thấy nó phảng phất nét u hoài. Quán cà phê Le Conde ở giao lộ Ode,on – một quán cà phê luôn mở cửa muộn nhất khu và cũng là quán cà phê có những vị khách kỳ lạ nhất là sợi dây gắn kết những cuộc đời, những con người tưởng như xa lạ ấy. Và trên nền bức tranh ấy, mỗi nhân vật, mỗi cuộc đời, số phận, chân dung tinh thần được khắc họa đậm nét. Họ hiện diện với đại từ nhân xưng tôi, ở ngôi kể thứ nhất, bằng ngôn ngữ tự sự giản dị, ngắn gọn, súc tích kể lại câu chuyện buồn về cuộc đời của chính mình. Họ phần lớn đều là người trẻ, độ tuổi từ 19 – 25 nhưng lại sống mà “quên bẵng mất tuổi của họ”, “sống cuộc đời lưu đãng, không phép tắc và cũng không đoái hoài tới ngày mai” – tựa hồ như “những con chó lạc”, “tuổi trẻ lạc lối”.

Jacqueline Delanque – người con gái xinh đẹp, đầy sức hút nhưng luôn muốn trốn chạy thực tại, hoàn cảnh sống của mình. Từ năm 15 tuổi, tên cô đã lưu lại ở Sở Cảnh sát với dòng trích ngang: “trẻ lang thang”. Cô “chưa từng nói chuyện được với ai”, dù cho đó là mẹ cô hay người chồng yêu thương cô thực lòng. Rồi một ngày, trên con đường trốn chạy, tìm kiếm “những chân trời đã mất”, “cuộc sống thực”, cô đến quán cà phê Le Conde. Ở đây, bên những người bạn của mình, cô được tái sinh với thân phận, cuộc đời hoàn toàn khác. Người ta đặt tên cho cô là Louki, tin rằng cô là một sinh viên và có một người mẹ làm kế toán – một căn cước cuộc đời mà cô hằng mơ ước. Với cái tên Louki, cô thực sự đã có một cuộc sống – đúng hơn là một quãng đời rất khác. Louki xuất hiện ngay từ những trang viết đầu tiên và là nhân vật trung tâm của tác phẩm. Trong ấn tượng của các vị khách ở Le Conde, Louki là người con gái “thích một mình, tận trong góc phòng”, “ở cái nơi chẳng một ai buồn để ý”. Và nếu có hòa vào đám đông, “nàng vẫn im lìm và e dè, chỉ để tâm lắng nghe”. Cô cũng có tình yêu, hạnh phúc, sự đồng điệu tâm hồn, đã trải qua biết bao êm ái, ngọt ngào với Roland. Cô đã từng có ý nghĩ sẽ sống cùng Roland ở một vùng quê thanh bình. Nhưng cuộc đời luôn có những ngã rẽ bất ngờ và Jacqueline Delanque – Louki cũng đã chọn cách kết thúc câu chuyện cuộc đời mình theo cách riêng: “Và rồi cuộc sống đã tiếp diễn, với đủ thăng rồi trầm. Một ngày buồn nản, trên bìa quyển sách mà Guy de Vere cho tôi mượn ghi dòng nhan đề: Louise của Hư vô, tôi đã dùng bút bi sửa tên thành tên tôi. Jacqueline của Hư vô”…

Những tác phẩm của Patrick Modiano, cho dù là tiểu thuyết cũng luôn khiến độc giả cảm thấy dễ chịu, thoải mái khi tiếp cận về mặt dung lượng. Nhưng tầm vóc, tư tưởng của cuốn sách vượt lên trên khuôn khổ con chữ theo cách thống kê số học đơn thuần. “Ở quán cà phê của tuổi trẻ lạc lối” với vỏn vẹn hơn 150 trang viết, Patrick Modiano đã trải lòng về nỗi buồn, mênh mang, lạc lối của cả một thế hệ. Không chỉ có Louki, “Ở quán cà phê của tuổi trẻ lạc lối” còn có câu chuyện của Caisley – người lấy thân phận là nhà xuất bản sách nghệ thuật để theo dõi, tìm hiểu về tung tích của Louki theo lời mời từ người chồng; Roland – người tình của Louki – người luôn bị ám ảnh bởi “những vết thương thuở nhỏ và hồi niên thiếu” và thường “trốn chui trốn lủi trong một vùng trung tính”…

Đọc các tác phẩm của Patrick Modiano, độc giả cảm nhận nỗi cô đơn đặc quánh từ những chi tiết rất nhỏ mà tinh tế. Ông thường đặt các nhân vật của mình trong tâm thế ngồi một mình, ở một góc sâu, thường xuyên đối diện với một khoảng trống đen đặc vô hình. Ngay cả khi ông tạo ra một đám đông ồn ào, náo nhiệt, độc giả vẫn nhận thấy có một người lạc lõng giữa đám đông ấy. “Ở quán cà phê của tuổi trẻ lạc lối”, độc giả sẽ tìm thấy rất nhiều từ khóa như: lạc lối, cuộc sống thực, điểm cố định, vùng trung tính, quy hồi vĩnh cửu… Đó là những từ khóa thuộc về triết học, tôn giáo, xã hội học. Nếu dụng công tìm hiểu, độc giả sẽ không khỏi choáng ngợp trước tầm vóc của cuốn tiểu thuyết mỏng mảnh này, để từ đó càng thêm trân trọng, cảm phục Patrick Modiano – nhà văn của ký ức, nỗi buồn, sự cô đơn: “Trong hàng chục cuốn tiểu thuyết mà Patrick Modiano từng viết, làm thành một bản nhạc đồ sộ gồm nhiều phần, một số tác phẩm đơn lẻ đặc biệt đẹp và đặc biệt buồn, trong số ấy có “Ở quán cà phê của tuổi trẻ lạc lối”. Cuốn tiểu thuyết viết về những kỷ niệm xưa cũ mà sống động, trong một tiếng thở dài, một đoạn nhạc ngắn nhưng tinh tế và vô cùng sâu lắng. Hiếm tác giả nào khai thác di sản triết học của Guy Debord mềm mại như thế. Patrick Modiano đã biến lý tưởng “trôi dạt” của triết gia độc đáo ấy trở thành một tác phẩm cuốn hút, đặt những người có thật vào vòng hư ảo và đưa nhân vật hư ảo đến bến bờ thực tại theo một đường lối văn chương ảo diệu, ở quán cà phê của tuổi trẻ đã qua”.

Báo Thanh Hóa

Share