Cà phê phin (Việt Nam)Tin tức cà phê

Pha cà phê kiểu Việt trên đất Mỹ

Share

“Đối với người Việt Nam, cà phê không phải là thứ gì đó xa vời mà cực kỳ gắn bó trong cuộc sống. Ở mọi ngóc ngách của Việt Nam, đâu cũng có người uống cà phê”
“Cà phê Việt Nam vô cùng gần gũi và dễ pha, dễ uống. Chúng tôi thường pha cà phê Việt Nam bằng phin, cho cà phê vào phin rồi chế nước sôi vào. Mất khoảng 5-6 phút để cà phê nhỏ giọt xong nhưng khoảng thời gian chờ đợi ấy rất xứng đáng” – Lan Ho nhiệt thành mô tả trong cuộc phỏng vấn gần đây với trang Salon (Mỹ).

Tốt nghiệp ngành dược và trải qua 2 năm rưỡi làm dược sĩ cộng đồng cho đến khi đại dịch COVID-19 bùng phát ở Mỹ, Lan Ho khởi nghiệp với Công ty Fat Miilk từ tháng 9-2020. Một phần lý do khiến cô gái gốc Việt hiện sinh sống ở TP Chicago, bang Illinois này chuyển hướng chính là tình yêu với cà phê – bên cạnh tinh thần ưa thử thách bản thân của tuổi trẻ.

“Việt Nam là nước sản xuất cà phê lớn thứ hai thế giới và tôi cực kỳ kinh ngạc khi biết cà phê Việt chưa có chỗ đứng xứng đáng” – Lan Ho giải thích về quyết định khởi nghiệp với mục tiêu đưa cà phê Việt Nam trở thành dòng chính ở Mỹ.

Cô nói thêm: “Không chỉ vậy, tôi còn muốn kể câu chuyện về văn hóa cà phê hết sức đậm nét của Việt Nam. Đối với người Việt Nam, cà phê không phải là thứ gì đó xa vời mà cực kỳ gắn bó trong cuộc sống. Ở mọi ngóc ngách của Việt Nam, đâu cũng có người uống cà phê”.

Phin và món cà phê sữa của Fat Miilk. Ảnh: FAT MIILK

Người dân Mỹ quen uống cà phê arabica, được xem là có vị ngọt và nhẹ hơn robusta – loại cà phê trồng chủ yếu ở Việt Nam.

Thường bị xem sản phẩm loại hai so với arabica song với Lan Ho, robusta – với hàm lượng caffeine gấp đôi arabica – có hương vị mạnh và đậm đà hơn hẳn. Đặc biệt, cà phê robusta hòa quyện tuyệt vời với sữa đặc, thêm một chút đá để cho ra món cà phê sữa đá mang tính biểu tượng của Việt Nam.

Lan Ho và các đồng sự chọn robusta để phát triển thương hiệu. Theo thông tin trên trang web của công ty, họ làm việc trực tiếp với các nông dân ở Việt Nam để thu mua cà phê hữu cơ chất lượng cao. Bản thân gia đình của anh Tuan Huynh, đồng sáng lập Fat Miilk, cũng trồng cà phê ở Buôn Ma Thuột.

“Chúng tôi không chỉ bán cà phê mà còn muốn giới thiệu nền văn hóa và các phương thức canh tác cà phê thủ công. Đó là lý do chúng tôi chọn con trâu – tài sản quý giá nhất của người nông dân Việt Nam – làm logo của công ty” – Lan Ho nói với Salon.

Sau thời gian bán theo đặt hàng, hiện ê-kíp của Lan Ho sắp ra mắt cửa hàng đầu tiên của Fat Miilk trên đường Broadway thuộc khu trung tâm Chicago. Khu vực này vốn có nhiều nhà hàng và cửa tiệm do người Việt làm chủ lâu năm và theo Lan Ho, chỉ có ở đây cửa hàng cà phê của cô mới thể hiện đầy đủ sức hút.

Đặc biệt, theo trang Bon Appétit chuyên về ẩm thực, Fat Miilk còn bán cả phin cà phê để khách hàng thực sự hình dung được cách uống cà phê đúng chuẩn người Việt.

Theo Người lao động 

Share