Sản xuất cà phê không cần trồng cây
Các chuyên gia lấy tế bào của cây thật và phát triển trong phòng thí nghiệm, tạo ra cốc cà phê có mùi vị giống cà phê thông thường.
Tiến sĩ Heiko Rischer, trưởng khoa Công nghệ sinh học Thực vật tại viện nghiên cứu VTT (Phần Lan), đang phụ trách một dự án nghiên cứu nhằm sản xuất cà phê trong phòng thí nghiệm. Tuần trước, những nỗ lực này bắt đầu có kết quả khi nhóm nghiên cứu tạo ra cốc cà phê đầu tiên với mùi và vị tương tự cà phê thông thường, New Atlas hôm 20/9 đưa tin.
Thế giới sản xuất gần 10 tỷ kg cà phê mỗi năm và nhu cầu tiêu thụ dự kiến còn tăng lên trong những thập kỷ tới. Để đáp ứng nhu cầu đó, con người sẽ cần thêm không gian để trồng cà phê. Điều này có thể đồng nghĩa với việc chặt phá nhiều mảnh rừng hơn để cây cà phê phát triển dưới ánh sáng mặt trời trực tiếp.
Bên cạnh đó, các nghiên cứu còn chỉ ra rằng cà phê dễ chịu tác động của biến đổi khí hậu. Khi thế giới ấm lên, diện tích phù hợp để trồng và sản xuất cà phê dự kiến giảm đi đáng kể. Nhiệt độ tăng cũng khiến các bệnh và sinh vật gây hại trở nên phổ biến hơn.
Công nghệ mới thể hiện một hình thức của “nông nghiệp tế bào”, trong đó các sản phẩm được tạo ra bằng cách nuôi tế bào chứ không phải động thực vật thật sự. Do đó, quá trình này chỉ đòi hỏi một phần nhỏ năng lượng, nước và thải ra ít carbon.
“Ý tưởng ở đây là dùng công nghệ sinh học thay cho canh tác kiểu truyền thống để sản xuất thực phẩm, cung cấp giải pháp thay thế ít phụ thuộc hơn vào các hoạt động không bền vững. Ví dụ, các giải pháp này đòi hỏi ít nước và hoạt động vận chuyển hơn do sản xuất tại địa phương. Chúng cũng không phụ thuộc vào mùa vụ và không cần thuốc trừ sâu”, Rischer giải thích.
“Quá trình chế tạo sử dụng tế bào thật của cây cà phê. Tế bào ban đầu được nuôi cấy từ một bộ phận của cây, ví dụ như lá. Tiếp theo, các tế bào nhân lên trong một môi trường dinh dưỡng nhất định. Cuối cùng, chúng được chuyển đến một lò phản ứng sinh học để thu hoạch. Sau đó, các tế bào được sấy khô, rang và có thể đem pha cà phê”, ông nói thêm.
Nhóm nghiên cứu muốn hợp tác với các đối tác công nghiệp để phát triển một sản phẩm thực sự. “Theo kịch bản lạc quan nhất, một sản phẩm thương mại có thể sẵn sàng ra mắt trong 4 năm tới”, Rischer chia sẻ.
Theo VNE