Thương hiệuThương hiệu cà phêTin tức cà phê

Tại sao Seedcom không thành công với Shin Coffee?

Share

Năm 2015, ông Đinh Anh Huân đã bỏ ra khoảng 6 tỷ đồng để mua lại 30% cổ phần trong Shin Coffee – chuỗi quán cà phê mô hình specialty

Seedcom mới được thành lập năm 2004 sau khi linh hồn của công ty, ông Đinh Anh Huân, Chủ tịch HĐQT, nguyên đồng sáng lập Thế Giới Di Động (TGDĐ) tách ra khỏi công ty bán lẻ điện thoại di động để theo đuổi ước mơ gieo “hạt giống” riêng Seedcom.

(*): Tiêu đề gốc: Seedcom: đã gieo mầm, nhưng bao giờ mới hái quả?

Vụ chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) năm 2014 của TGDĐ là một trong những vụ IPO đình đám nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam, bởi lẽ cổ phiếu của công ty luôn trong tốp đầu và là món hàng bluechip được nhà đầu tư săn lùng nhiều nhất. Số tiền thu về sau IPO ở mức rất cao, 250 triệu USD. Việc ông Đinh Anh Huân, một trong 5 nhà sáng lập và là người hợp với ông Trần Đức Tài (Chủ tịch HĐQT hiện thời của TGDĐ) thành cặp bài trùng nổi tiếng biến TGDĐ thành công ty nghìn tỷ, quyết định chia tay doanh nghiệp này vẫn còn là ẩn số.

Quỹ đầu tư khởi nghiệp hay công ty đa ngành?

Cuộc chia tay của ông Đinh Anh Huân khỏi TGDĐ tạo ra nhiều giả thiết, tuy nhiên thực tế là công ty này vẫn tăng trưởng tốt sau khi ông Huân ra đi. Còn ông Huân được cho là đã bỏ túi khoản tiền khổng lồ có thể lên tới 700 tỷ đồng (vào thời điểm 2014) sau khi bán hết lượng cổ phiếu ông từng nắm giữ tại TGDĐ. Trong khi thị trường còn mải đồn đoán lý do cuộc chia tay, ông Huân đã âm thầm chuẩn bị cho sự tái xuất của mình với một cái tên hoàn toàn mới – Seedcom.

Trên cương vị chủ tịch HĐQT, ông lặng lẽ tạo dựng cho công ty non trẻ của mình những bước đi vững chắc với 3 trụ cột chính gồm: bán lẻ, công nghệ và nông nghiệp. Chắc hẳn lượng vốn dồi dào có được sau khi chia tay mái nhà cũ TGDĐ đã giúp ông có điều kiện để tái khởi nghiệp, nhưng tầm nhìn và chiến lược mà ông áp dụng cho Seedcom thực ra mới là điều đáng bàn.

Nhờ kinh nghiệm trong lĩnh vực bán lẻ, Đinh Anh Huân và các nhà đầu tư khác quyết định chọn bán lẻ là trụ cột thứ nhất của Seedcom. Cái tên này được gợi cảm hứng từ một hạt giống (seed tiếng Anh nghĩa là hạt giống), từ đó sẽ được chăm bẵm, tưới tắm để phát triển thành một cái cây lớn có 3 nhánh lớn sum suê – tượng trưng cho 3 lĩnh vực mà Seedcom hoạt động.

Những doanh nghiệp trực thuộc Seedcom có hoạt động liên quan đến bán lẻ tiêu biểu là Juno.vn, chuỗi cửa hàng bán giày, túi và trang sức dành cho phụ nữ, đồng thời tự sản xuất giày nữ mang thương hiệu Juno. Chuỗi quán cà phê tại TP.HCM và Hà Nội mang tên The Coffee House sở hữu hàng loạt quán cà phê dành cho giới trẻ tọa lạc tại những vị trí đẹp trên các tuyến phố trung tâm ở 2 thành phố lớn nhất nước. The Coffee House bán các loại cà phê và trà được trồng tại khu vực Cầu Đất, huyện Xuân Trường, Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. Tại đây có Xí nghiệp Trà Cầu Đất từ thời Pháp, đã được Seedcom mua lại và hiện nay đang trồng cả cà phê lẫn trà.

Trong lĩnh vực công nghệ, Seedcom đầu tư vào rất nhiều công ty khởi nghiệp khiến cho nó bị đôi khi bị gọi là quỹ đầu tư mạo hiểm vào khởi nghiệp. Thực tế thì không phải vậy. Seedcom là một doanh nghiệp có hoạt động rót vốn cho các công ty khởi nghiệp như lời khẳng định của ông Mai Hoàng Phương – CEO Seedcom.

“Seedcom chỉ đóng vai trò hỗ trợ vốn và nguồn lực khác khi cần thiết chứ không tham gia trực tiếp vào công việc điều hành. Có một số start-up đặc thù như The Coffee House hay Juno.vn thì Seedcom sẽ góp vốn và tham gia vào quá trình phát triển. Còn lại đa phần các công ty tự hạch toán, phát triển và chịu trách nhiệm toàn bộ”, ông Phương nói trong một bài viết trên CafeBiz.

Có lẽ yếu tố duy nhất khiến Seedcom không phải là quỹ đầu tư mạo hiểm dù nó có danh mục đầu tư tương tự là công ty không có kế hoạch thoái vốn tại các công ty khởi nghiệp. Danh mục đầu tư mà Seedcom theo đuổi chủ yếu gắn liền với lĩnh vực bán lẻ và công nghệ, gồm những công ty khởi nghiệp công nghệ khá có tiếng tăm như Haravan.com, Kiotviet.vn.

Haravan.com có mô hình hoạt động hiện đại, chuyên cung cấp nền tảng hệ thống phục vụ kinh doanh online. Hiện nay, Haravan.com đã có thêm tính năng bán hàng trên website và nền tảng quản lý kinh doanh trên Facebook với hệ thống quản lý cho trên 20.000 cửa hàng và đã đạt điểm hòa vốn vào cuối năm 2015. Seedcom còn đứng sau nhiều công ty công nghệ khởi nghiệp tương đối thành công như Tiki.vn (bán sách trực tuyến); Concung.com (một cửa hàng bán các sản phẩm cho mẹ và bé đang lên kế hoạch mở 400 cửa hàng vào năm 2017); Giaohangnhanh.vn (dịch vụ giao hàng); BaCayChoi.com (mô hình giải trí và giáo dục dành cho trẻ em và các gia đình); Fivetech (công ty liên kết với các thương hiệu thời trang để sản xuất quần áo); Eway.vn; Spiral; Pizza 4P (chuỗi nhà hàng pizza cao cấp rất đông khách ở TP. HCM và Hà Nội), Firefly

Theo ông Đinh Anh Huân, hiện nay tổng cộng Seedcom đã đầu tư vào gần 20 start-up.

Tại sao Seedcom không thành công với Shin Coffee?

Nhìn vào các nhánh cây trong cây kinh doanh của Seedcom có thể thấy, các công ty thành viên đều hoạt động dựa trên 2 mô hình bán lẻ và thương mại điện tử. Vai trò của Seedcom, theo ông Đinh Anh Huân là rót vốn cho các công ty thành viên đồng thời làm trung gian kết nối. Sự kết hợp này cho phép Seedcom tận dụng lợi thế và kinh nghiệm có sẵn trong lĩnh vực bán lẻ của ông Đinh Anh Huân, đồng thời kết nối và tận dụng thế mạnh của các công ty thành viên khác ngành. Như vậy, Seedcom sẽ có một loạt nhà cung cấp các sản phẩm và dịch vụ theo mô hình B2B cho các công ty B2C của chính mình, giúp tiết kiệm chi phí. Đây là chiến lược khá độc đáo và sáng tạo của nhóm cổ đông sáng lập công ty.

Câu hỏi “Seedcom anh là ai?” cần được bổ sung bằng“Seedcom, khi nào anh có lãi”?

Theo một nguồn tin trong giới phân tích chứng khoán, nếu tạm lấy tổng số vốn khoảng 700 tỷ đồng mà ông Đinh Anh Huân thu được sau khi bán toàn bộ cổ phiếu TGDĐ lúc ra đi, sau đó đã đầu tư vào Seedcom và các công ty thành viên, công ty khởi nghiệp cũng như mua lại Xí nghiệp Trà Cầu Đất thì số vốn trên đã gần hết. Trong khi đó, nguồn tin trên cho biết, các công ty khởi nghiệp của Seedcom chưa thu được lợi nhuận ngay bởi đang trong giai đoạn đầu tư.

Hơn nữa, một số dự án kinh doanh tốn kém đã “ngốn” của Seedcom rất nhiều tiền của, chẳng hạn như chuỗi quán cà phê The Coffee House hay việc mua lại Xí nghiệp Trà Cầu Đất (ước tính khoảng trên 100 tỷ đồng). Chuỗi The Coffee House chưa thể có lãi do chi phí thuê mặt bằng, vận hành không hề nhỏ.

Năm 2015, ông Đinh Anh Huân đã bỏ ra khoảng 6 tỷ đồng để mua lại 30% cổ phần trong Shin Coffee – chuỗi quán cà phê mô hình specialty (cà phê đặc biệt, trong đó phục vụ những loại cà phê hảo hạng nhập khẩu trực tiếp được rang xay tại chỗ) tọa lạc ở số 13 Nguyễn Thiệp và 18 Hồ Huấn Nghiệp, Quận 1, TP.HCM. Đây đều là những con đường “vàng” ở TP.HCM với giá cho thuê mặt bằng cao chót vót.

Tuy số tiền 6 tỷ đồng không phải là lớn với một tỷ phú như ông Đinh Anh Huân, song mối duyên hợp tác giữa ông và người sáng lập và sở hữu Shin Coffee là ông Nguyễn Hữu Long đã chấm dứt. Đây là có lẽ là chuyện không mong muốn của nhà lãnh đạo Seedcom, bởi lẽ Shin Coffee rất có tiềm năng trong phân khúc cà phê rang xay cao cấp. Ý đồ rót vốn và biến Shin Coffee thành chuỗi specialty coffee cao cấp gồm nhiều quán với nguồn nguyên liệu cà phê tự trồng tại trang trại Cầu Đất mà ông Huân ấp ủ đã thất bại. Nếu ý định này thành công, Seedcom sẽ có hai chuỗi quán cà phê cùng hoạt động độc lập tại 2 phân khúc cao cấp và dành cho giới trẻ.

Thách thức phía trước đối với Seedcom có lẽ là bao giờ các công ty khởi nghiệp được rót vốn sẽ đạt điểm hòa vốn và có lãi, trong khi danh mục đầu tư không được kéo dài nhằm tiết kiệm chi phí. Vì vậy, câu hỏi “Seedcom anh là ai?” cần được bổ sung bằng “Seedcom, khi nào anh có lãi”?

Song Thanh (Theo Báo Doanh Nhân)

Share