Kiến thức về cà phêThế giới cà phêTrồng & Sơ chế

Tất tần tật về cà phê Liberica – Cà phê Mít

Share

Có hơn 120 loài cà phê đã được xác định thuộc chi Coffea. Các nhà sản xuất, kinh doanh, nhà rang xay, barista và người tiêu dùng sẽ chủ yếu quen thuộc với hai trong số này: Arabica và Robusta. Tuy nhiên, có một loài thứ ba sau hai loài này chủ yếu được trồng ở Đông Nam Á: Coffea Liberica. Ngày nay, nó là loài chính của chi Coffea được trồng ở Malaysia và Philippines. Vậy Liberica đến từ đâu? Vị nó như thế nào? Và liệu nó có thể trở nên phổ biến hơn trong tương lai?

Cà phê Liberica còn được gọi là Excelsa ( hay Coffea excelsa), tại Việt Nam nó được gọi là cà phê Mít và được biết với tên Kape Barako (hay Baraco) ở Philippines – nơi nó được trồng phổ biến


Coffea Liberica có nguồn gốc ở Liberia, Tây Phi. Tuy nhiên, ngày nay, nó chủ yếu được trồng và tiêu thụ ở Đông Nam Á – cụ thể là Philippines, Indonesia và Malaysia. Chỉ riêng ở Philippines, Liberica chiếm hơn 70% tổng số cà phê được trồng. “Nó có thể bắt đầu từ Liberia, cây cà phê Liberica đã đến Ethiopia, và từ đó nó có thể đã đến Trung Đông và do đó lan sang Đông Nam Á. (Vào thời điểm đó, những người Hồi giáo thường đến Malaysia vì lý do tôn giáo – Theo Pacita Juan, hành viên của Ủy ban Chỉ đạo về Cơ sở Lâm nghiệp và Trang trại của Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc.

Cũng có khả năng những người thực dân đã mang theo cây cà phê Liberica đến Đông Nam Á khi họ định cư. Vì phần lớn Đông Nam Á bị chiếm đóng bởi người Pháp, Hà Lan hoặc người Tây Ban Nha. Những người thực dân châu Âu này sẽ mang cà phê theo họ, sau đó ảnh hưởng đến thói quen uống cà phê của hầu hết các nước Đông Nam Á, – Pacita cho biết thêm.

Sự gia tăng nhanh chóng

Mặc dù chi tiết về cách thức Liberica đến Đông Nam Á còn nhiều tranh cãi, nhưng các nghiên cứu chỉ ra rằng nó đã trải qua một sự gia tăng lớn về mức độ phổ biến vào cuối thế kỷ 19. Cơ hội này đến từ khoảng năm 1890, khi một trận dịch bệnh gỉ sắt trên lá cà phê đã quét qua hơn 90% tổng số cây trồng Arabica trên toàn thế giới. Do đó, khả năng chống chịu bệnh tật và sâu bệnh trở thành ưu tiên hàng đầu khi lựa chọn giống cà phê.

Trong khi nhiều nhà sản xuất chuyển sang Robusta vào thời điểm này, các nhà sản xuất ở Philippines thay vào đó được khuyến khích trồng Liberica. Điều này là do cây Liberica có khả năng chống lại bệnh gỉ sắt trên lá cà phê mạnh hơn nhiều, và nó cũng có thể được trồng dễ dàng hơn cây Arabica với biên độ nhiệt độ rộng hơn. Hơn nữa, sâu bọ cũng khó xâm nhập vào vỏ của quả Liberica hơn, vì chúng săn chắc hơn đáng kể. Sự gần gũi và dễ dàng đi lại từ Philippines đến các nước Đông Nam Á khác đã góp phần vào sự sự lây lan nhanh chóng của loài này

Cây giống cà phê Liberica được vận chuyển đến một trang trại ở Kampung Karu, Padawan, Malaysia| 

Philippines chỉ cách Malaysia và Indonesia một chuyến thuyền. “Cà phê và gia vị có thể di chuyển từ quốc gia này sang quốc gia khác mà không cần đến những con tàu lớn.” – Pacita Juan, UN.

Đặc điểm sinh vật học của Liberica

Gonzalo Hernandez là chủ sở hữu và của Coffea diva, một “vườn cà phê” ở miền nam Costa Rica trồng hơn 700 loại cà phê khác nhau. Ông giải thích rằng, “Liberica có thể được tìm thấy đang phát triển hoang dã trên khắp niềm nhiệt đới châu Phi. nó là một cây cà phê rất cứng cáp, trong điều kiện của Coffea diva, nó phát triển rất tốt, và thậm chí còn xuất hiện một vài đột biến tự nhiên tại đây.”

Cây Liberica bắt đầu cho quả sau 5 năm kể từ khi được trồng. Chúng phát triển rất cao, với một số cây có chiều cao lên đến 17 mét – điều này có thể khiến việc hái quả trở nên khó khăn. Lá và quả của cây cà phê Liberica cũng lớn hơn đáng kể so với lá của cây Arabica và cây Robusta. Lá Liberica có thể phát triển rộng tới 30 cm và những quả cà phê khi chín của loài này có thể to gần như gấp đôi kích thước của hai loại còn lại.

Lá cà phê Liberica

Điều đặc biệt là tỷ lệ thịt quả / hạt nhân đối với Liberica là khoảng 60:40, so với tỷ lệ 40:60 của cả Arabica và Robusta không chỉ làm tăng thời gian làm khô cho quả Liberica mà còn ảnh hưởng đến hương vị. Pacita giải thích: “Bởi vì Liberica có nhiều thịt quả và lên men khi khô tự nhiên, nên nó có nhiều hương vị trái cây, trong đó có vị giống như mít – một loại quả rất phổ biến ở Ở Đông Nam Á. Cây cà phê Liberica hoang dã ở vùng Liberica cũng mang những hương vị đặc trưng của mít – hơn là các loại trái cây có múi như cam hay quýt.

Liberica được chế biến tự nhiên có xu hướng tạo ra những nốt hương vị mít tinh tế, trong khi chế biến ướt dẫn đến nhiều hương vị cam quýt và hoa hơn, hoặc thậm chí có nhiều hương vị “truyền thống” như sô cô la.

Không chỉ có lá to như lá mít, cây cà phê Liberica còn thực sự có mùi như quả mít!

Ngoài ra, các đặc điểm hương vị đáng chú ý khác của Liberica bao gồm hậu vị kéo dài và vị ngọt nhất quán – Liberica thường được mô tả là ngọt hơn Arabica. Điều này có thể là do hạt Liberica xốp hơn, có nghĩa là hạt nhân có thể được hấp thụ nhiều đường hơn từ lớp chất nhầy.

Cây cà phê Liberica ngày nay

Khoảng 20 năm trước, Liberica ít xuất hiện trên thị trường cà phê toàn cầu, và chủ yếu được sử dụng trong sản xuất cà phê hòa tan cấp hàng hóa. Nông dân thường trộn lẫn Liberica với Robusta vì không có người mua. Thông thường, họ sẽ bán hỗn hợp này cho các nhà sản xuất cà phê hòa tan như Nestle hoặc những người thường mua Robusta. Tuy nhiên, nhiều nỗ lực vào đầu thế kỷ 21 đã giúp phổ biến loài này ở Philippines.

Liberica đã có một cuốn sách riêng về nó vào năm 2005, có tên là Barako: The Big Bean; Nó giải thích rằng Liberica có giá trị cao hơn so với Robusta hàng hóa, nhằm dẫn dắt sự quan tâm đến việc canh tác loài này.

Liberica cũng là loài cà phê chính được trồng ở Philippines và Malaysia 

Ngày nay, Liberica có một vị trí vững chắc trong thị trường Đông Nam Á – một phần có thể là do nhu cầu do tôn giáo tạo ra. Malaysia và Indonesia phần lớn là các quốc gia Hồi giáo, và do đó sau khi cầu nguyện, uống cà phê thường là một phần của thói quen của người dân. Hơn nữa, Trung Đông cũng có nhu cầu về Liberica – Nó có hương vị trái cây, và được pha nhẹ, gần giống như trà… nó thường được uống với quả chà là, như một bữa trà chiều.

Tương lai của Liberica

Trên toàn thế giới, nhận thức về Liberica đang bắt đầu thay đổi và cải thiện. Đã có những hội nghị chuyên đề tập trung vào các loại cà phê đặc sản Liberica, và thậm chí còn có một cuộc thi rang cà phê Liberica. Cần lưu ý rằng, cũng giống như Arabica, sản xuất Liberica đặc sản hoặc chất lượng cao là “Cách duy nhất để vượt qua những ý nghĩa tiêu cực liên quan đến chất lượng là để những người yêu thích cà phê đặc sản có cơ hội thưởng thức vị Liberica đặc sản” theo Pacita.

Để điều này xảy ra, các nhà rang xay tiên tiến cần phải đưa cà phê Liberica vào các quy trình sản xuất cà phê đặc sản của họ. Điều này có thể được quan tâm đặc biệt bởi một số quán cà phê và rang xay trong làn sóng thứ ba, đặc biệt là những người dành sự quan tâm đến các giống cà phê hiếm, không chính thống hơn.


Cây cà phê Liberica tại Philippines

Đối với nông dân, Liberica có thể mang lại nhiều lợi ích. Bên cạnh khả năng chống chịu với sâu bệnh, nó còn phát triển tốt giữa các loại cây trồng khác, cho phép nông dân đa dạng hóa cây trồng để tăng thêm sự ổn định; Bạn thậm chí có thể trồng cây Liberica giữa các loại cây ăn quả khác như chuối, đu đủ và dứa, đậu phộng, v.v.. Đây là những giải pháp kinh tế cho người nông dân, thay vì chỉ có thể thu hoạch cà phê một lần trong năm, Liberica cho họ cơ hội để trồng cây hoa màu vào giữa các mùa thu hoạch.

Liberica có thể trở thành một sự thay thế?

Biến đổi khí hậu đang thu hẹp phần lớn diện tích đất thích hợp để trồng cây cà phê Arabica – vốn có yêu cầu khắc khe về nhiệt độ. Đối với các nông dân trên “vành đai” canh tác Arabica, đầu tư vào một loại cây trồng mạnh mẽ hơn là lựa chọn duy nhất. Liberica đã được chứng minh là có khả năng phục hồi tốt hơn Robusta ở một số khu vực – hệ thống rễ của nó phát triển sâu hơn và có thể thích nghi trên nhiều nền đất khác nhau. Tuy nhiên, cây Liberica không cho năng suất cao như cây Robusta, khiến nó trở thành thứ cần phải đánh đổi.

Cuối cùng, nếu chúng ta muốn cùng nhau thúc đẩy ngành công nghiệp cà phê phát triển, thì sự đa dạng giữa các giống loài mà chúng ta trồng là rất quan trọng. Đó là một bước đi hướng tới sự bền vững rộng rãi hơn cho các nhà sản xuất cà phê và chuỗi cung ứng nói chung.


S795 là giống lai giữa Kent (một đột biến tự nhiên của Typica bắt nguồn từ Ấn Độ) và loài Liberica, được trồng phổ biến nhất ở Indonesia
Cấu hình hương vị độc đáo, khả năng phục hồi cao và nền tảng của Liberica đã khiến nó trở thành một lựa chọn mới hấp dẫn cho các nhà sản xuất cũng như người tiêu dùng. Trong thời đại của nhiều vấn đề và mối quan tâm, đó có thể là một cơ hội hiếm có. Tuy nhiên, liệu nó có được coi là một giải pháp hay không, vẫn còn phải xem xét nhiều hơn.

Theo PrimeCoffee

Share