Cà phê & Sức khoẻ

Thai phụ uống cà phê có sao không?

Share

Bạn đọc N.T.M (nữ, 29 tuổi, TP HCM) hỏi: “Tôi nghiện cà phê 10 năm, nay có thai và thấy mình nhạy cảm hơn với thức uống này: tim đập nhanh, có khi say. Như vậy có gây hại cho thai không?”.

Bác sĩ Nguyễn Ngọc Thông, Phòng khám Sức khỏe sinh sản Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM (HCDC), trả lời: Cà phê có chứa caffein, là một chất kích thích thần kinh có tác dụng gây phấn chấn, tỉnh táo, chống buồn ngủ… Caffein có thể gây tăng nhịp tim, tăng huyết áp, mất ngủ hoặc cảm giác chóng mặt nếu dùng liều cao. Dùng lâu ngày và thường xuyên có thể nghiện tùy thuộc lượng cà phê uống hằng ngày.

Dùng cà phê khi đang mang thai sẽ làm kích thích tim mạch ít nhiều cũng sẽ ảnh hưởng đến thai nhi (Ảnh minh họa từ Internet)

Khi phụ nữ có thai, do thay đổi về nội tiết, lưu lượng tuần hoàn và nhiều biến đổi khác trong cơ thể nên việc tăng tác dụng của thức uống này là bình thường, tuy nhiên, thai phụ được khuyên tránh dùng các thức ăn, thức uống, gia vị có tính kích thích để bảo đảm sức khỏe mẹ và bé. Bạn đã có thói quen uống cà phê từ 10 năm nay thì ít nhiều cũng bị chứng lệ thuộc caffein (tức nghiện), nếu ngưng đột ngột sẽ rất khó chịu và xuất hiện các triệu chứng như bứt rứt, thèm cà phê, nhức đầu, khó tập trung…

Bạn nên hạn chế dần liều lượng, pha loãng cà phê dần rồi từ từ bỏ. Tình trạng tăng kích thích tim mạch ít nhiều cũng sẽ ảnh hưởng thai nhi, nhất là khi thai đang hình thành hệ tim mạch, thần kinh; nhưng không có nghĩa là thai đang bị bất thường.

Theo Người Lao Động 

Share