Thiếu trầm trọng nhân công hái cà phê
Là vùng sản xuất cà phê lớn nhất cả nước (hơn 500.000ha) nhưng chưa năm nào, Tây Nguyên rơi vào cảnh khan hiếm trầm trọng nhân công thu hoạch như năm nay dù có hàng chục vạn lao động hồi hương vì dịch COVID-19. Đây cũng là năm giá cà phê tăng sau 10 năm chạm đáy, song nông dân vẫn thấp thỏm.
Thiếu nhân công hái cà phê trầm trọng
Thời điểm này những năm trước, hàng nghìn lao động từ các tỉnh miền Trung, miền Tây đã dắt díu nhau lên Tây Nguyên bắt đầu một vụ hái cà phê kéo dài đến gần Tết Nguyên đán. Họ thường tập trung tại các ngã ba dọc quốc lộ chờ cánh xe ôm kiêm “cò lao động” tiếp cận hoặc chủ vườn cà phê ra thuê. Khu vực này thường được ví là “chợ nhân công”. Thời điểm “chợ” xôm tụ nhất vào sáng sớm, các cuộc ngã giá thuê công trọn tháng hoặc khoán trắng vườn cây diễn ra nhanh gọn. Nếu thương vụ thành công, người lao động được đưa lên xe máy, xe cày phóng vun vút trên các cung đường đất đỏ bazan rồi mất hút sau các triền cà phê rực sắc đỏ, vàng. Tuy nhiên năm nay, khung cảnh ấy không còn vì dịch COVID-19 bùng phát mạnh.
Nhiều lần gọi điện cho mối cũ lên hái 2ha cà phê nhưng bất thành, ông Nguyễn Văn Công (thôn 3, xã Nhân Cơ, huyện Đắk R’lấp, Đắk Nông) nhờ đến các hội, nhóm Facebook chuyên làm dịch vụ giới thiệu nhân công. Tuy nhiên, ông chưa tìm được ai. Ông cho rằng, họ đưa ra mức giá 1.500-2.000 đồng/kg tươi cho hình thức hái khoán là quá cao trong khi vườn cây sai quả, rất dễ hái. Năm ngoái, ông khoán trắng vườn cây cho 5 người Quảng Ngãi với giá 1.000/kg cà phê tươi. Họ hái rất nhiệt tình, cẩn thận, hạn chế gãy cành, tuốt lá xanh. Thu xong cà phê, họ còn ở lại làm thêm việc dọn bồn cây, tỉa cành… đến gần Tết mới về. Năm nay vì dịch COVID-19, nhân công cũ không vào nên ông Công mới điêu đứng.
Mới phụ giúp gia đình thu hoạch cà phê được 1 tuần, anh Y Tun Byă (thị trấn Ea Pốk, huyện Cư M’gar, Đắk Lắk) đã quay lại Đồng Nai làm công nhân. Anh Y Tun cho hay, gia đình có thói quen để cà phê chín rộ mới hái. Nhưng năm nay do dịch COVID-19, không thể huy động một lượng công nhân lớn cùng thời điểm nên nhà anh chủ động hái chọn những quả cà phê chín. Anh Y Tun đang lo lắng vì với 3ha cà phê, một mình gia đình không thể hái kịp. Nếu để lâu ngày, cà phê chín quá sẽ rụng, gặp trời mưa sẽ giảm năng suất và chất lượng.
Dự báo, thời gian tới việc thiếu hụt sản lượng cà phê cục bộ của thế giới sẽ giảm khi vùng nguyên liệu tại Brazil đang ra hoa và Việt Nam mới bước vào vụ thu hoạch, dự kiến sản lượng tăng 10% (đạt khoảng 1,8 triệu tấn). Theo ông Lê Đức Huy, Phó Tổng Giám đốc Cty Simexco Đắk Lắk, với giá trên 40.000 đồng/kg, nông dân sẽ bán ra rất nhiều. Do đó, các doanh nghiệp cần chủ động về nguồn vốn, cơ sở sơ chế, chế biến, bảo quản sản phẩm; nông dân nên hái quả chín chọn lọc để vừa giảm áp lực khan hiếm nhân công vừa đảm bảo chất lượng.
Giá tăng vẫn lo
Trước thực trạng dịch COVID-19 diễn biến phức tạp đúng vụ thu hoạch cà phê, mới đây, ông Hồ Văn Mười, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông, yêu cầu ngành y tế ưu tiên tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho những người thu hoạch nông sản, đồng thời đề nghị các địa phương tạo điều kiện cho người từ địa phương khác đến thu hoạch nông sản.
Tại Đắk Lắk, ngoài việc tạo điều kiện cho lao động ngoại tỉnh đến địa phương thu hoạch cà phê, Chủ tịch UBND tỉnh này cũng ban hành Chỉ thị về sản xuất, thu hoạch, chế biến và tiêu thụ cà phê niên vụ 2021 – 2022. Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh giao các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch thu hoạch, chế biến cà phê trong tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhất là nguồn nhân công thu hái đang khan hiếm. Các địa phương cần tận dụng tối đa lượng người từ các tỉnh thành phía Nam về (34.000 người), tập huấn, ưu tiên tiêm vắc xin phòng COVID-19, xét nghiệm nhanh SARS-CoV-2 và tạo điều kiện đi lại. Trường hợp vẫn thiếu nhân công, đặc biệt ở vùng nguy cơ dịch bệnh nguy hiểm cao, UBND tỉnh đề nghị chính quyền rà soát, báo cáo cụ thể, nhờ lực lượng quân đội hỗ trợ.
Ông Huỳnh Ngọc Dương, Phó giám đốc Sở Công Thương Đắk Lắk, cho hay, ngoài khan hiếm nhân công trầm trọng, nông dân còn đối mặt khó khăn khi vụ thu hoạch được dự báo dễ gặp các trận mưa lớn kéo dài, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng cà phê. Ngoài điểm trừ này, nông dân nhận tin vui khi giá cà phê đầu vụ đã trên 40.000 đồng/kg, cao hơn nhiều so với mức giá chạm đáy và kéo dài suốt 10 năm qua (30.000 đồng/kg).
Dù vui mừng song nhiều nông dân vẫn thấp thỏm. Anh Y Ngọc Niê (xã Cư Né, huyện Krông Búk, Đắk Lắk) mong muốn mức giá trên sẽ ổn định, ít nhất là đến cuối vụ. Anh Y Ngọc chia sẻ, chưa kể công chăm sóc, chi phí đầu tư 1ha cà phê trên 30 triệu đồng/năm. Nếu mức giá vẫn ở mức thấp, nông dân chỉ lấy công làm lãi, thậm chí lỗ vốn do giá phân bón, xăng dầu liên tục tăng.
Theo Tiền Phong