Thương hiệu Quốc gia 2016: Tân Hiệp Phát được chọn, Cà phê Trung Nguyên không có tên
Năm 2016, có tới 88 doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu Quốc gia. Năm nay vẫn là một năm buồn của Vietnam Airlines khi chưa từng được lọt vào danh sách này từ năm 2008. ‘Ông hoàng’ cà phê Trung Nguyên năm nay cũng không còn ghi danh…
Bộ Công Thương vừa công bố danh sách các doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu Quốc gia năm 2016 (Vietnam Value).
Theo đó, có 88 doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu Quốc gia năm 2016.
Một số doanh nghiệp trong các ngành hàng cụ thể:
– Ngành hàng Cơ khí, máy móc, thiết bị: các công ty được vinh danh gồm Thống Nhất, Hòa Phát, Tân Á Đại Thành, Thaco Trường Hải…
– Ngành Dệt may – Da giầy: Biti’s, An Phước, Phong Phú, Nhà Bè, Việt Tiến…
– Điện, điện tử, công nghệ thông tin – viễn thông: VNPT, Điện Quang…
– Đồ gỗ – Gốm sứ – Thủ công mỹ nghệ: Minh Long
– Đồ Trang sức – Kim hoàn – Đá quý: SJC, PNJ, DOJI
– Dược phẩm – Hóa mỹ phẩm: Traphaco, OPC, Danapha, Nanogen
– Giấy – Văn phòng phẩm – Bao bì: Hồng Hà, Thiên Long, Ngọc Diệp
– Nhựa – Cao su – Hóa chất: Nhựa Bình Minh, Rạng Đông, Nhựa Tiền phong, Minh Hưng…
– Nông – lâm – thủy sản: Lộc trời, Tigifood, Antesco…
– Tài chính – Ngân hàng – Bảo hiểm: Vietcombank, BIDV, Vietinbank, VPBank, PTI
– Thực phẩm – Đồ uống: Kido, Sabeco, Habeco, Vinamilk, Vinacafe, TH Milk, Tân Hiệp Phát …
Những nét đáng lưu ý trong danh sách năm nay:
– Vietnam Airlines, Vinaconex không có tên trong danh sách
Vietnam Airlines có vẻ không “có duyên” với Thương hiệu Quốc gia. Trong tất cả 5 lần đề cử, hãng hàng không quốc gia Việt Nam duy nhất có 1 lần được chọn vào danh sách vinh danh (vào năm 2010), tuy nhiên có một số vấn đề, bao gồm cả vấn đề về chất lượng dịch vụ, nên Vietnam Airlines không nằm trong danh sách Thương hiệu Quốc gia.
Vinaconex được đưa vào danh sách này năm 2014. Tuy nhiên, do sự cố vỡ đường ống Sông Đà liên tiếp, đơn vị này đã tự xin rút khỏi danh sách. Năm nay, Vinaconex tiếp tục không có tên.
Trung Nguyên bất ngờ bị loại
Trung Nguyên là cái tên khá phổ biến, và cũng khá chật vật để lọt vào danh sách Thương hiệu Quốc gia chỉ vì… cái tên khó đọc.
“Anh Đặng Lê Nguyên Vũ (Tổng Giám đốc Trung Nguyên – PV) nhiều lần hỏi vì sao sản phẩm của anh không đạt được thương hiệu quốc gia. Tôi mới bảo: Thứ nhất là tôi phải khẳng định là cái tên anh đặt tôi không biết là Tung hay là T-rung”.
“Người ta không nói là Trung được đâu mà nói là T-rung Nguyên. Khó phát âm lắm!” – Thứ trưởng Bộ Công thưởng Đỗ Thắng Hải từng hài hước nói về cái tên này.
Sau lần duy nhất chật vật lọt vào danh sách Thương hiệu Quốc gia năm 2014, năm nay Trung Nguyên cũng bị loại.
Chương trình Thương hiệu Quốc gia Việt Nam được thực hiện nhằm xây dựng hình ảnh Việt Nam là quốc gia có uy tín về hàng hoá và dịch vụ đa dạng phong phú với chất lượng cao, nâng cao sức cạnh tranh cho các thương hiệu sản phẩm Việt Nam trên thị trường trong nước và quốc tế trong quá trình hội nhập.
Việc bình chọn các sản phẩm được mang Biểu trưng Thương hiệu quốc gia tiến hành 2 năm một lần, bình chọn lần đầu vào năm 2008.
Biểu trưng Thương hiệu quốc gia có tựa đề Giá trị Việt Nam (Vietnam Value) được trao cho các sản phẩm đã có thương hiệu riêng, đáp ứng được các tiêu chí do Chương trình quy định. Thời hạn sản phẩm được mang Biểu trưng Thương hiệu quốc gia là hai năm.
Kết thúc thời hạn hai năm kể từ ngày Chủ tịch Hội đồng Thương hiệu quốc gia ký quyết định công nhận, sản phẩm phải được bình chọn lại để được tiếp tục mang Biểu trưng Thương hiệu quốc gia theo quy định.
Trí thức trẻ/CafeBiz
http://cafef.vn/thuong-hieu-quoc-gia-2016-tan-hiep-phat-duoc-chon-ca-phe-trung-nguyen-vietnam-airlines-tiep-tuc-khong-co-ten-2016110509304164.chn