Tinh hoa đất rừng trong ly cà phê
Phía sau một ly cà phê thơm ngon, tròn vị là một quy trình sản xuất vô cùng khắt khe, trong đó khâu canh tác đóng vai trò rất quan trọng.
Hiện nay, cà phê Đắk Lắk đã có vị trí rất quan trọng trong ngành hàng cà phê cả nước và nền kinh tế của tỉnh. Ở Việt Nam có 19 tỉnh sản xuất cà phê, tuy nhiên diện tích và sản lượng cà phê của Đắk Lắk đã chiếm gần 1/3 tổng diện tích và sản lượng cà phê toàn quốc.
Trong những năm qua, quy mô sản xuất cà phê trên địa bàn Đắk Lắk tương đối ổn định và thuận lợi khi nhu cầu thị trường một số sản phẩm cà phê có chất lượng cao như cà phê đặc sản, cà phê hữu cơ có xu hướng tăng; ngành hàng cà phê Đắk Lắk và thương hiệu Cà phê Buôn Ma Thuột đã được nhiều khách hàng, nhà đầu tư trong và ngoài nước biết đến.
Bên cạnh đó, sự phát triển các sản phẩm cà phê chất lượng cao đang nhận được sự quan tâm, hỗ trợ rất lớn của Nhà nước; trình độ người sản xuất cà phê ở Đắk Lắk ngày càng được cải thiện, người dân đang từng bước chuyển đổi canh tác theo hướng an toàn và bền vững hơn.
Anh Vũ Mạnh Đường (thôn 1, thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana), một trong những người tiên phong thực hiện ý tưởng phát triển cà phê sinh thái vườn rừng chia sẻ: Thời điểm năm 2015, cà phê thuận theo tự nhiên chưa được nhiều người biết đến, anh đã thử nghiệm trên diện tích 5 sào và sau đó tăng thêm 2 ha đất trồng cà phê để thực hiện mô hình cà phê sinh thái vườn rừng mang tên “Mạnh Đường Farm”.
Ngoài việc tuyệt đối không phun thuốc, bón phân hóa học mà chuyển qua sử dụng các loại phân bón hữu cơ như đạm cá tự ủ, phân bò…, anh Đường bỏ độc canh cà phê, chuyển qua xen canh nhiều loại cây như bơ, sầu riêng, hồ tiêu, vải thiều, muồng, đinh lăng, gừng… tạo ra một hệ sinh thái phong phú như trong tự nhiên. Với hơn 40 loại cây khác nhau, anh Đường tạo ra bảy tầng cây, gồm: tầng tán, tầng cây thấp, lớp cây bụi, lớp cây thân thảo, các loại cây trồng lấy rễ và củ, lớp cây bề mặt, cây dây leo.
Tất cả các loại cây này đều đem lại nguồn lợi kinh tế, đặc biệt hỗ trợ cho cây cà phê phát triển tốt và chất lượng. Khi thu hoạch, anh Đường chia thành nhiều đợt, chọn hái từng quả chín có màu đỏ mận để nâng cao chất lượng cà phê và chế biến ra những dòng cà phê đặc sản. Cà phê của anh được các chuyên gia trong và ngoài nước đánh giá cao, đạt mức cà phê đặc sản, được khách hàng ưa chuộng.
Không chỉ anh Đường mà hiện nay nhiều người dân có xu hướng sản xuất cà phê theo hướng bền vững, thuận tự nhiên, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học… nhằm tiết kiệm chi phí, bảo vệ môi trường nhưng vẫn bảo đảm năng suất. Đơn cử như Công ty TNHH Thương mại Phúc Minh (TP. Buôn Ma Thuột) là một trong những doanh nghiệp kinh doanh cà phê lớn tại Đắk Lắk, nhiều năm qua đã liên kết cùng người dân địa phương phát triển cà phê theo tiêu chuẩn 4C, mưa rừng (Rainforest Alliance)… thuận tự nhiên, không sử dụng bất kỳ hóa chất nào trong toàn bộ quy trình trồng, chế biến và sản xuất.
Bà Nguyễn Thị Phúc Minh, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Phúc Minh cho hay, sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn quốc tế đòi hỏi người dân phải hạn chế một số thói quen trong sản xuất như: hái cà phê xanh, lạm dụng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu, trồng thêm cây chắn gió để bảo vệ môi trường sinh thái… Trong quá trình sản xuất, các đơn vị, doanh nghiệp, hợp tác xã liên kết cùng công ty thường xuyên tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn 4C, mưa rừng nên người dân đều thực hiện tốt. Hiện nay, công ty đang liên kết sản xuất với trên 2.000 hộ dân tại các huyện Buôn Đôn, Cư M’gar, Krông Ana, TP. Buôn Ma Thuột; sản xuất trung bình 16.000 tấn cà phê/năm theo tiêu chuẩn 4C và mưa rừng. Nhằm hướng người dân đến sản xuất cà phê bền vững, khi sản phẩm đạt chất lượng theo tiêu chuẩn, công ty cộng giá mua vào thêm 200 – 400 đồng/kg. Quan trọng hơn, người dân đã có cái nhìn đúng đắn về sản xuất nông nghiệp sạch.
Theo ông Trần Hữu Nghị, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu lâm nghiệp nhiệt đới (Tropenbos Việt Nam), trong bối cảnh biến đổi khí hậu như hiện nay, việc phát triển cà phê vườn rừng, cà phê thuận tự nhiên là xu thế tất yếu của nông nghiệp bền vững, góp phần bảo vệ nguồn nước, tránh tình trạng thoái hóa đất… Bên cạnh đó, ngành cà phê phụ thuộc rất nhiều vào thị trường quốc tế, trong khi họ yêu cầu nhiều chứng chỉ, chứng nhận liên quan đến cà phê hữu cơ, canh tác phải dựa vào tự nhiên (ví dụ như Chứng nhận Sade-Grown Coffee không chỉ đòi hỏi cây cà phê được chăm sóc hữu cơ mà còn phải được trồng dưới tán rừng, tránh ánh nắng mặt trời…). Chính vì vậy, để xuất khẩu được thì phải đáp ứng được những yêu cầu khắt khe đó. Hiện nay, Tropenbos Việt Nam đã xây dựng một số mô hình cải tạo vườn cà phê theo hướng nông lâm kết hợp tại huyện Lắk, Krông Bông và đã mang lại kết quả tích cực.
Theo Báo Đắc-Lắc