Nông dân cà phêTrồng & Sơ chế

“Tuyệt chiêu” trồng cà phê khác người của lão nông Tây Nguyên, hái cà phê cắt luôn cả cành

Share

Chỉ trong vòng một tuần qua, giá cà phê tại Đăk Lăk nói riêng, Tây Nguyên nói chung rớt 1.500 đồng/kg. Nhiều nông dân Tây Nguyên đã chia sẻ “tuyệt chiêu” nhằm giảm áp lực đầu tư cũng như sự biến động thất thường của giá cà phê, trong khi vẫn đảm bảo năng suất.

Giảm chi phí đầu tư trồng cà phê, không lo về giá

Tại Đăk Nông có một nông dân trồng cà phê và chăm sóc cà phê rất khác nhiều người. Đó là ông Nguyễn Thanh Hải (ở thôn Phú Xuân, xã Đắk Nia, TP.Gia Nghĩa). Nếu thông thường, người dân trải bạt dưới gốc cà phê để thu hoạch, thì ông Hải lại cắt luôn cành cà phê có trái xuống để hái.

Ông Nguyễn Thanh Hải cắt cành cà phê xuống để thu quả. Ảnh: Duy Hậu

“Cành nào có trái, tôi cho cắt xuống rồi gom lại một chỗ. Sau đó, công nhân có thể tuốt cà phê ở các cành. Cách thu hoạch cà phê này giúp tôi tiết kiệm được nhân công, cà phê sau thu hoạch lại sạch sẽ gọn gàng”-ông Hải nói.

Theo TS Phạm Công Trí, trong quá trình cắt bỏ bớt cành cà phê, nông dân cần chú ý đến những cành cây đang có dấu hiệu bị dị dạng như cong queo hoặc xuất hiện những màu sắc khác thường thì cần phải loại bỏ ngay…

Ông Hải chia sẻ, 10 năm qua, gia đình ông đã thu hái cà phê bằng cách này. Do việc cắt cành thường xuyên nên vườn cây của ông rất thông thoáng, có thể đi dạo trong vườn.

Việc cắt cành cà phê xuống để hái trái còn giúp ông Hải tiết kiệm được thời gian làm cỏ và tỉa cành như cách canh tác cà phê thông thường.

“Nếu thông thường, mỗi năm nông dân phải làm chồi 3 đợt thì gia đình tôi mỗi năm chỉ làm chồi 1 lần, không phải cắt cành và ít phải làm cỏ”- ông Hải nói.

Ngoài ra, cách chăm sóc vườn cà phê của ông Hải cũng chẳng giống ai. Nếu bình thường, nông dân dùng phân bón hóa học, thì thứ ông Hải bón cho vườn cây của mình là… trái cây. Hàng năm, tùy theo từng vụ, ông Hải thu mua những loại trái cây hư, xấu, giá rẻ (như bơ, xoài, chuối…) trên địa bàn về làm phân bón.

“Trái cây ở Đăk Nông có sẵn, khi đến mùa thu hoạch, nhiều loại có giá chỉ chưa đến 2.000 đồng/kg nên tôi mua về ủ thành phân hữu cơ. Nhờ tận dụng tốt nguồn phân bón xanh này, nhiều năm qua, gia đình ít sử dụng đến phân bón hóa học, giúp cây sinh trưởng tốt, trái đều và ổn định sản lượng các năm mà lại tiết kiệm được chi phó”- ông Hải nói.

Ông Hải cũng cho biết, so với những hộ trồng cà phê xung quanh, bằng cách chăm sóc lạ đời này, vườn cà phê của ông luôn có năng suất cao. Năm thấp nhất đạt 5,5 tấn/ha, năm cao nhất đạt đến 7,5 tấn/ha.

“Trung bình mỗi cây cà phê của tôi đạt từ 5-7kg, trái to và hạt tốt. Toàn bộ sản phẩm của gia đình tôi được bao tiêu nên giá thành cao hơn giá thị trường 1,5 lần, lợi nhuận luôn đạt cao hơn so với các vườn cà phê khác. Trung bình mỗi năm, gia đình tôi thu về từ 350-500 triệu đồng/3ha cà phê”- ông Hải cho biết.

Kỹ thuật cắt cành cà phê giúp tăng năng suất

Theo TS Phạm Công Trí – chuyên gia chuyên nghiên cứu về cà phê, nông dân Tây Nguyên hiện đã thu hoạch hết cà phê. Đây là thời điểm nông dân cần cắt cành cho cây cà phê. Đây là một việc làm rất cần thiết giúp cây cà phê sinh trưởng khỏe mạnh, hạn chế sâu bệnh, cho năng suất cao trong vụ tới.

Ông Nguyễn Thanh Hải (ở thôn Phú Xuân, xã Đắk Nia, TP.Gia Nghĩa) làm phân bón cho cà phê từ chuối. Ảnh: Duy Hậu

TS Trí chia sẻ, quá trình cắt tỉa cành cà phê cần được tiến hành mỗi năm 2 lần sau khi thu hoạch cà phê và bắt đầu vào mùa mưa. Ở đợt cắt cành lần đầu, nông dân loại bỏ hết những cành vô hiệu để cây phục hồi nhanh và kích thích mầm phát triển thành cành thứ cấp. Nếu nông dân để quá muộn mới cắt cành cà phê thì cây khó loại bỏ được lá dẫn đến tình trạng cây dễ bị khô cành.

Tuy nhiên, trong trường hợp sau thu hoạch mà cây cà phê có nhiều cành khô và bị mất sức thì bà con không nên cắt cành mà cần để cho cây phục hồi trước. Khi mùa mưa đến, lá cà phê trên cây xanh trở lại thì mới cắt tỉa.

Quá trình cắt tỉa cành cà phê, nông dân chọn những cành khô, ít lá, già cỗi hay sâu bệnh loại bỏ trước. Sau đó cắt đến những cành thứ cấp mọc hướng vào trong tán lá; cắt cả những cành mọc thẳng. Với những cành già vẫn còn khả năng cho trái, nông dân cũng nên cắt ngắn lại.

Việc này giúp tạo hình cho cây cà phê, dễ dàng cho thu hoạch, cũng như tạo điều kiện để ánh sáng chiếu vào bên trong, giúp vườn cà phê thông thoáng hơn, giảm được sâu bệnh.

Vào đầu mùa mưa (khoảng tháng 6-7) khi cây cà phê đã được phục hồi đầy đủ và đang trong thời kỳ nuôi trái, nông dân cần cắt cành, tỉa thưa cho cây thoáng. Nông dân cũng cần chọn cắt những cành vô hiệu còn sót lại, loại bỏ hết cành sâu bệnh, chừa lại những cành khỏe để nuôi dưỡng trái cà phê mùa sau.

Khi tỉa thưa cho cây cà phê, nông dân nên loại bỏ hết những cành mọc ngược và những cành thẳng đứng, cành mọc chen chúc nhau trên cùng một đốt và những cành mọc trong cùng của tán lá.

Tuy nhiên, nông dân cũng chỉ nên cắt tỉa vừa phải. Nếu cắt tỉa quá mức sẽ khiến cho cây cà phê mất sức, giảm năng suất trong vụ sau.

Riêng đối với vườn cà phê trong thời kì kiến thiết cơ bản, theo TS Trí, bà con nông dân nên chú trọng đến việc tạo hình cho cây nhiều hơn việc cắt cành. Đối với những vườn cà phê trẻ, nông dân nên loại bỏ hết những cành thứ cấp trên cây cà phê, lặt những cành tăm để cây phát triển nhanh chóng, ổn định những cành thứ cấp ban đầu.

Theo Dân trí 

Share