Uống cà phê khi mang thai thế nào an toàn?
Cà phê có nhiều lợi ích với sức khỏe, được coi là an toàn với mọi người và thai phụ cũng có thể uống nhưng với lượng khuyến nghị phù hợp.
Caffein có trong cà phê cung cấp năng lượng, giúp tăng sự tập trung và có thể cải thiện chứng đau nửa đầu khi kết hợp với thuốc giảm đau như acetaminophen. Tuy nhiên, chất này cũng có thể gây ra tác dụng phụ tiêu cực ở một số người và gây rủi ro khi mang thai.
Quá trình chuyển hóa caffein ở phụ nữ mang thai có xu hướng chậm hơn, khiến thai nhi tiếp xúc với chất này trong thời gian dài. Caffeine cũng đi qua nhau thai, đi vào máu của thai nhi nên tiêu thụ quá nhiều có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của bé.
Cơ thể phụ nữ mang thai chuyển hóa caffeine chậm hơn 1,5–3,5 lần so với thời gian đào thải khỏi cơ thể ở người khác. Tốc độ chuyển hóa caffein ở phụ nữ mang thai trong ba tháng đầu là khoảng ba giờ. Trong ba tháng cuối của thai kỳ có thể lên tới khoảng 10 giờ, nghĩa là ngay cả một lượng nhỏ nhất cũng có thể ảnh hưởng đến thai nhi.
Nghiên cứu được thực hiện bởi trường Đại học Sản phụ khoa Mỹ (ACOG) cho thấy, lượng caffein dưới 200 mg mỗi ngày không liên quan đến việc tăng nguy cơ sẩy thai hoặc sinh non ở thai phụ. Tuy nhiên, lượng tiêu thụ lớn hơn 200 mg mỗi ngày có thể làm tăng nguy cơ sảy thai. Các tác dụng phụ tiêu cực khác của caffein bao gồm huyết áp cao, nhịp tim nhanh, gây lo lắng, chóng mặt, bồn chồn, đau bụng và tiêu chảy.
Lượng tiêu thụ caffein khuyến nghị ở mức 200 mg hoặc ít hơn ở phụ nữ đang mang thai hoặc đang có kế hoạch sinh con. Tùy thuộc vào loại cà phê và phương pháp pha chế, lượng này tương đương với khoảng 1–2 cốc (240–580 ml) cà phê hoặc khoảng 2–4 cốc (240–960 ml) trà (có chứa caffein) mỗi ngày.
Cùng với cà phê và trà, một số đồ uống khác cũng có thể chứa caffein như nước tăng lực. Có khuyến cáo về việc phụ nữ mang thai nên tránh uống nước tăng lực hoàn toàn vì ngoài caffein, loại nước này thường chứa một lượng lớn đường bổ sung hoặc chất làm ngọt nhân tạo, không có giá trị dinh dưỡng.
Nước tăng lực cũng chứa nhiều loại thảo mộc khác nhau như nhân sâm được coi là không an toàn cho phụ nữ mang thai. Các loại thảo mộc khác được sử dụng trong nước tăng lực chưa được kiểm nghiệm đầy đủ về độ an toàn cho thai phụ.
Hàm lượng caffein trong các loại đồ uống
Dưới đây là danh sách hàm lượng caffein trong một số đồ uống thông thường:
Cà phê thường: chứa 60–200 mg trong mỗi cốc 240 ml
Cà phê espresso: 30–50 mg mỗi cốc 30 ml
Trà: một tách trà đen chứa khoảng 47 mg và trà xanh có khoảng 28 mg caffein
Soda: một lon soda có khoảng 40 mg caffein
Nước tăng lực: chai 240 ml chứa khoảng 80 mg caffein
Đồ uống ca cao: 3–32 mg mỗi lon/ chai 240 ml
Sữa chocolate: hộp 240 ml có khoảng 5 mg.
Xi-rô chocolate: chai 240 ml có chứa 26 mg.
Nước giải khát: 30–60 mg mỗi chai 355 ml
Lựa chọn thay thế caffein an toàn
Một số đồ uống và thực phẩm khác có thể cung cấp năng lượng cho mẹ bầu và là giải pháp thay thế caffein an toàn như:
Nước lọc: Cơ thể bạn cần nước để tạo năng lượng và nguyên nhân hàng đầu khiến một người mệt mỏi là do bị mất nước.
Ngủ trưa thường xuyên: Những giấc ngủ ngắn khoảng 20 phút có thể cung cấp năng lượng giúp bạn vượt qua cơn mệt mỏi.
Đồ ăn nhẹ giàu protein: Protein rất cần thiết để tạo năng lượng, giúp mẹ bầu thực hiện các hoạt động hàng ngày.
Đi lại xung quanh: Khi đang mệt mỏi, việc đứng dậy và di chuyển xung quanh như đi bộ nhẹ nhàng có thể giúp bạn tăng cường năng lượng.
Theo Viện Y khoa quốc gia Mỹ, các loại trà làm từ một số thảo dược đã được chứng minh là an toàn khi mang thai như: rễ gừng, lá bạc hà, lá mâm xôi với liều lượng giới hạn là một cốc 240 ml mỗi ngày trong tam cá nguyệt đầu tiên (ba tháng đầu). Tuy nhiên, mẹ bầu nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi uống trà thảo dược.
Theo VNE