Cà phê & Sức khoẻ

Uống cafe có làm mất nước không?

Share

Uống cafe là một trong những thói quen của nhiều người hiện nay. Mặc dù có tác dụng lợi tiểu nhẹ nhưng việc uống caffein thường không làm tăng nguy cơ mất nước của cơ thể.

1. Ảnh hưởng của caffeine và quá trình hydrat hóa

Cà phê có hàm lượng caffeine dồi dào – là chất kích thích hệ thần kinh. Uống cà phê giúp cải thiện tâm trạng, nâng cao hiệu suất hoạt động thể chất (do tác dụng của caffeine). Sau khi người dùng thưởng thức cà phê, caffeine sẽ đến ruột, vào máu, đến gan. Ở gan, caffeine bị phân hủy thành nhiều hợp chất, có thể ảnh hưởng tới hoạt động của các cơ quan trong cơ thể.

Caffeine có nhiều tác dụng với não. Ngoài ra, nó còn có thể có tác dụng lợi tiểu trên thận nếu sử dụng với liều cao. Vì vậy, càng tiêu thụ nhiều caffeine thì càng ảnh hưởng tới quá trình hydrat hóa. Dễ hiểu hơn, caffeine có thể gây mất nước. Một số nghiên cứu chỉ ra rằng caffeine có tác dụng lợi tiểu mạnh nhất ở những người trước đó không thường xuyên uống nhưng đột nhiên uống quá nhiều cà phê.

Caffein giúp tinh thần tỉnh táo

 

2. Cà phê không làm mất nước

Mặc dù, caffeine trong cà phê có tác dụng lợi tiểu nhưng nó không làm người dùng bị mất nước. Thực tế, các nghiên cứu cho thấy, để caffeine có tác dụng lợi tiểu đáng kể thì bạn cần tiêu thụ hơn 500mg caffeine/ngày – tương đương uống khoảng 5 cốc hoặc 1,2 lít cà phê pha phin.

Một thử nghiệm đã được thực hiện trên 10 người uống cà phê với mức độ bình thường để đánh giá tác động của việc uống 200ml cà phê chứa 269mg caffeine và loại cà phê chứa 537mg caffeine đối với sự mất nước của cơ thể. Kết quả cho thấy, loại cà phê với lượng caffeine cao hơn có tác dụng lợi tiểu trong thời gian ngắn. Còn cà phê có lượng caffeine thấp hơn thì vẫn bổ sung nước cho cơ thể tương tự nước lọc thông thường.

Một nghiên cứu khác thực hiện trên 50 người nghiện cà phê với việc uống gần 300mg caffein/lần (3 tách cà phê – 710ml) mỗi ngày trong 3 ngày. Kết quả cho thấy lượng nước tiểu chỉ tăng khoảng 190ml so với uống cùng một lượng đồ uống không chứa caffeine. Tuy vậy, thử nghiệm này thực hiện trong thời gian ngắn trên đối tượng người khỏe mạnh và đã quen uống cà phê nhiều. Do đó, người ít uống cà phê không nên thay thế nước lọc bằng cà phê.

Cà phê có thể gây ra một số tác dụng phụ như mất ngủ, nhịp tim nhanh, khó chịu, lo lắng, bồn chồn và cáu kỉnh. Việc uống cà phê với nhiều sữa và đường cũng gây ảnh hưởng tới sức khỏe và cân nặng. Ngoài ra, với phụ nữ đang mang thai, việc tiêu thụ caffeine cao có thể làm tăng nguy cơ sảy thai hoặc sinh non. Do đó, mỗi người không nên uống quá nhiều cà phê.

Để nhận biết tình trạng cơ thể thiếu nước, bạn có thể quan sát màu sắc của nước tiểu. Màu nước tiểu càng đậm thì chứng tỏ cơ thể đang bị mất nước nhiều. Lúc này, bạn cần bù nước cho cơ thể bằng cách bổ sung thêm nước.

Uống cafe với lượng ít góp phần bổ sung thêm nước cho cơ thể. Cà phê chỉ gây một số dấu hiệu mất nước nếu uống ít nhất 5 tách trong cùng một thời điểm trong ngày. Theo đó, bạn không nên uống nhiều cà phê như vậy, nhất là khi đang có nguy cơ mất nước (nôn mửa, tiêu chảy, có vấn đề về thận). Ngoài ra, những người đang uống thuốc lợi tiểu cũng cần cân nhắc về lượng caffeine mà mình tiêu thụ.

Theo Vinmec 

Share