Cà phê & Sức khoẻ

Vì sao cà phê khiến nhiều người muốn đi vệ sinh?

Share

Hiện tượng này không xảy ra phổ biến. Các nhà nghiên cứu cũng gặp khó khăn để tìm ra lời giải cho nó.

Mối liên hệ giữa cà phê và việc đi đại tiện được cây viết Alice Callahan của tờ New York Times giải thích trong một bài viết hồi đầu tháng 12. Theo cô, nhiều người chỉ biết cà phê giúp chúng ta tỉnh táo hơn mỗi buổi sáng. Tuy nhiên, các nghiên cứu vẫn nói quá ít về cách cà phê ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa. Cụ thể, nó khiến một số người muốn vào nhà vệ sinh khẩn cấp.

Các nghiên cứu nói gì?

Theo Callahan, nhiều nghiên cứu chỉ ra caffeine trong cà phê không phải chất kích thích việc đi vệ sinh sau khi uống. Một nghiên cứu năm 1998 đăng trên Thư viện Y học Quốc gia Mỹ chỉ ra cà phê không chứa caffeine và cà phê chứa caffeine đều có tác dụng kích thích đại tràng tương tự nhau. Tuy nhiên, một cốc nước nóng lại không có tác dụng như thế.

“Cà phê là loại đồ uống được tạo thành bởi hơn 1.000 hợp chất. Do đó, việc xác định cách chúng ảnh hưởng đến ruột là một thách thức”, Callahan viết.

Có một điều được chứng minh là cà phê không ảnh hưởng đến mọi người theo cùng cách như nhau. Năm 1990, một nghiên cứu đã được thực hiện và đăng trên tạp chí Gut. 92 thanh niên đã tham gia trả lời về ảnh hưởng của cà phê tác động đến thói quen “đi nặng” của họ.

Chỉ 29% người tham gia nghiên cứu nói cà phê khiến họ “ham muốn đi đại tiện”. Hầu hết (63%) là phụ nữ. Tiến sĩ Robert Martindale, Giám đốc y tế về dịch vụ dinh dưỡng bệnh viện tại Đại học Khoa học và Sức khỏe Oregon (Mỹ), cho biết thực tế số người phản ứng sau khi uống cà phê có thể cao hơn. Khi xem xét số bệnh nhân của mình, ông Martindale ước tính con số có thể lên đến 60%.

Theo New York Times, phản ứng của ruột với cà phê có thể xảy ra khá nhanh. Trong cùng nghiên cứu trên, một số tình nguyện viên đồng ý đưa một đầu dò cảm ứng áp lực vào ruột kết của họ. Thiết bị này sẽ đo các cơn có thắt của cơ ruột trước và sau khi uống một tách cà phê.

Với người xác nhận cà phê có kích thích nhu cầu “đi nặng”, kết quả cho thấy áp lực tăng đáng kể trong vòng 4 phút sau khi uống cà phê. Ngược lại, những người còn lại hầu như không có phản ứng gì.


Tiến sĩ Martindale nói thêm cà phê ảnh hưởng đến trục não bộ. Vì thế, khi cà phê xuất hiện trong dạ dày, nó sẽ gửi thông điệp tới não để kích thích ruột kết.

Sự giao tiếp này là phản xạ dạ dày – một phản ứng bình thường khi ăn, uống. Vấn đề ở chỗ cà phê dường như tạo ra phản ứng mạnh mẽ hơn. Theo cây viết của New York Times, khoảng 230 g cà phê kích thích các cơn co thắt đại tràng ngang với một bữa ăn 1.000 calo.

Giả thuyết của các nhà nghiên cứu đưa ra là lượng lớn hóa chất trong cà phê đã tác động đến não bộ và một số hormone trong cơ thể người, như gastrin hoặc cholecystokinin. Cả hai đều tăng đột biến sau khi uống cà phê.

Tác dụng và những cảnh báo

Nhìn chung, các nghiên cứu đều chưa chỉ được rõ ràng ảnh hưởng của cà phê đến việc khiến một số người muốn đi đại tiện. Tuy nhiên, họ chứng minh cà phê khá hữu ích với đường ruột. Điều này có lợi cho những người đang hồi phục hậu phẫu thuật.

Một nghiên cứu năm 2020 chỉ ra việc uống cà phê giúp những bệnh nhân vừa trải qua phẫu thuật đại trực tràng hoặc phụ khoa có thể “dung nạp đồ ăn rắn sớm hơn trung bình 10-31 giờ”. Ngoài ra, cà phê cũng giúp thời gian đi đại tiện của họ sớm hơn trung bình 15-18 giờ.

“Một vài ngụm cà phê đem đến những tác dụng như thế”, tiến sĩ Martindale nói. Ông cho biết thêm mình thường mời bệnh nhân một ly cà phê vào buổi sáng sau khi phẫu thuật.


Tiến sĩ Martindale cũng đề xuất thêm cà phê vào chế độ ăn uống của những bệnh nhân táo bón mạn tính. Dù vậy, điều này cũng gây ra một số vấn đề. Người bệnh thường sẽ bị phụ thuộc vào cà phê để có thể “đi nặng”.

Sonya Angelone, chuyên gia dinh dưỡng và là phát ngôn viên của Học viện Dinh dưỡng và Chế độ ăn uống, đã cảnh báo không nên phụ thuộc quá nhiều vào cà phê. Thay vào đó, người bệnh nên ăn thêm nhiều trái cây, hoa quả và những thực phẩm giàu chất xơ cũng như uống nhiều nước, tăng cường hoạt động thể chất.

“Họ không đại tiện được không phải do thiếu cà phê”, bà Angelone nói

Theo Zingnews

Share