Vụ cà phê ‘3 được’ ở thủ phủ cà phê Mường Ảng- Điện Biên
Sau nhiều năm liên tục đối mặt với điệp khúc “được mùa, mất giá” hay “được giá, mất mùa”, niên vụ cà phê năm nay, người trồng cà phê ở Mường Ảng vui mừng bởi có tới “3 được” là được mùa, được giá và được bao tiêu đầu ra cho sản phẩm. Thung lũng Mường Khoe – Mường Ảng được coi là “thủ phủ” trồng cây cà phê lớn nhất tỉnh Điện Biên, với hơn 2.100 ha cà phê.
Xác định cây cà phê là cây công nghiệp chủ lực và các thế mạnh về thổ nhưỡng, khí hậu, quỹ đất, huyện Mường Ảng đang hướng tới phát triển, khẳng định một vùng chuyên canh cà phê lớn nhất tỉnh Điện Biên.
Mùa “ngọt” cà phê
Những ngày cuối tháng 10 của niên vụ cà phê năm nay, người trồng cà phê ở thung lũng Mường Khoe, huyện Mường Ảng, tỉnh Điện Biên, đang hối hả, tập trung thu hoạch cà phê tươi. Trong thời điểm cà phê được mùa, được giá, đầu ra được bao tiêu là những tín hiệu vui để ngành sản xuất, chế biến cà phê ở huyện Mường Ảng có thể vực dậy sau nhiều năm thăng trầm. Trong thời điểm kinh tế cả nước gặp khó khăn do dịch COVID-19, nhìn những cành cà phê trĩu quả, niềm vui của người trồng cà phê nơi đây như được nhân lên.
Những năm gần đây, cà phê Mường Ảng năm nào được giá nhất cũng chỉ đạt từ 6.000 – 7.000 đồng/kg quả tươi. Niềm tin về một hướng đi khởi sắc từ cây cà phê không còn khiến các chủ vườn không đủ chi phí sản xuất, bỏ hoang hàng ngàn ha diện tích trồng cà phê.
Cách đây 4 năm, diện tích trồng cà phê của huyện Mường Ảng lên đến gần 4.000 ha. Tuy nhiên, cũng bởi điệp khúc “được mùa, mất giá”, “được giá, mất mùa”, qua từng niên vụ, cây cà phê không cho người dân hiệu quả sinh lời, thậm chí có năm, giá cà phê rơi “tụt dốc” xuống mức “chạm đáy” chỉ 3.000 đồng/kg.
Đầu niên vụ cà phê năm nay, sau khi nắm được chủ trương có đơn vị đứng ra thu mua với mức giá cao hơn các năm trước, nên toàn bộ diện tích cà phê đã được các chủ vườn đầu tư chăm bón, vì vậy năng suất, sản lượng đều đạt cao hơn mọi năm. Ngay đầu vụ, giá bán trung bình đã đạt từ 7.000 – 8.000 đồng/kg quả tươi.
Chị Nguyễn Thị Hương là người trồng cà phê ở bản Hua Nguống, xã Ảng Cang cho biết, năm nay giá cà phê có phần khởi sắc nên bà con rất phấn khởi. Vụ mùa cà phê năm nay, sản lượng đạt ở mức trung bình khá.
Ông Kiều Xuân Hoàng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Ảng cho biết, theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, năng suất, sản lượng cà phê huyện Mường Ảng năm nay cơ bản đạt và vượt kế hoạch giao là 3.500 tấn. Không chỉ được mùa, được giá, người trồng cà phê Mường Ảng còn có thêm niềm vui là toàn bộ đầu ra cho sản phẩm năm nay sẽ được Công ty TNHH Xuất nhập khẩu cà phê Việt Bắc bao tiêu trong vòng ít nhất 3 năm (từ năm 2021 đến 2023).
Ông Đào Xuân Thủy, bản Cang, xã Ẳng Nưa cho hay, năm nay, người dân rất phấn khởi khi đầu ra sản phẩm có nhà máy chế biến trên địa bàn thu mua, giá cà phê năm nay so với năm ngoái tăng gần như gấp đôi. Mùa thu hoạch cà phê năm nay, người dân sẽ có kinh phí để tái đầu tư, phát triển vườn trồng hơn nữa.
Ông Phạm Bá Phương, Phó Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu cà phê Việt Bắc cho biết, công ty cam kết bao tiêu sản phẩm cho các hộ tham gia trồng cà phê, với đơn giá thu mua cà phê quả tươi đầu vào là 10.000 đồng/kg, kể cả khi giá thị trường thấp hơn. Tuy nhiên, chất lượng quả cà phê phải đạt tiêu chuẩn công ty đặt ra là đảm bảo “5 xanh”, “5 nổi” (quả xanh không vượt quá 5% và quả nổi không vượt quá 5%). Trong trường hợp giá thị trường cao hơn 10.000 đồng/kg, công ty sẽ mua theo giá thị trường.
Tái thiết vùng chuyên canh cây cà phê
Hơn 20 năm hiện diện ở thung lũng Mường Khoe- Mường Ảng, cây cà phê đã thể hiện được những vai trò, giá trị tích cực khi không chỉ tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động nông thôn trên địa bàn, thực hiện tốt công tác xóa đói giảm nghèo. Đồng thời, giúp địa phương chuyển dịch cơ cấu kinh tế đa dạng hơn, trình độ canh tác, tiếp cận khoa học kỹ thuật của người dân trên địa bàn càng nâng cao và tư duy nông nghiệp theo hướng hàng hóa cũng được hình thành.
“Hiện nay, huyện có khoảng 2.100 ha cà phê, sản lượng ước đạt 2.500 tấn cà phê thóc, tương đương khoảng 13.000 tấn cà phê tươi. Nếu tính công hái là 2.500 đồng/kg quả tươi, người lao động đã có thu nhập hơn 30 tỷ đồng tiền công thu hái, đó là chưa kể công chăm sóc”, ông Tạ Mạnh Cường, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Ảng cho hay.
Để giải quyết ổn định đầu ra cho cà phê, UBND tỉnh Điện Biên đã chấp thuận cho Công ty TNHH Xuất nhập khẩu cà phê Việt Bắc xây dựng Nhà máy chế biến cà phê nhân xuất khẩu trên diện tích gần 3ha tại khu công nghiệp của huyện Mường Ảng.
Ông Phạm Bá Phương, Phó Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu cà phê Việt Bắc cho biết, ngoài bao tiêu sản phẩm cho người dân trồng cà phê trên địa bàn, công ty cũng chủ động nghiên cứu nguồn giống cung cấp cho bà con trên địa bàn, khuyến khích phát triển thêm diện tích cà phê để đảm bảo cung ứng đầu vào (nguồn nguyên liệu) cho công ty.
Kỳ vọng về tương lai cho cà phê Mường Ảng, ông Phạm Bá Phương, Phó Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu cà phê Việt Bắc chia sẻ: Hiện tại, cà phê Mường Ảng chưa có chỉ dẫn địa lý trên bản đồ nhưng nổi tiếng bởi có đặc trưng hương, vị riêng. Công ty mong muốn và định hướng trong tương lai gần có thể xuất khẩu, khẳng định chất lượng, hương vị của cà phê Mường Ảng không chỉ ở trong nước mà vươn xa hơn ra nước ngoài.
Đây là nhà máy đầu tiên trong lĩnh vực sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông sản cho người dân trên địa bàn huyện Mường Ảng. Nhà máy có công suất tối đa đạt 250 tấn/ngày. Khi nhà máy đi vào hoạt động sẽ giải quyết nhu cầu bức thiết của người dân trên địa bàn về tiêu thụ sản phẩm cà phê nguyên liệu; góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế trên địa bàn huyện Mường Ảng. Hiện, Nhà máy xây dựng, lắp đặt xong và giữa tháng 11/2021 sẽ đưa vào sử dụng, vận hành, đảm bảo tiêu thụ cà phê trong huyện.
Ông Nguyễn Hữu Hiệp, Chủ tịch UBND huyện Mường Ảng, tỉnh Điện Biên cho biết, lợi thế về thổ nhưỡng, khí hậu của vùng thung lũng, cây cà phê Arabica phát triển rất tốt. Những năm qua, mặc dù có những năm cây cà phê trên địa bàn thăng trầm về giá cả nhưng huyện luôn kiên định, xác định cây cà phê là cây chủ lực giúp địa phương thực hiện công cuộc xóa đói giảm nghèo, giải quyết công ăn, việc làm cho người dân trên địa bàn và các huyện lân cận. Năm 2021, giá cà phê trên địa bàn ổn định, năng suất đáp ứng được mong mỏi của người dân.
Cũng theo ông Nguyễn Hữu Hiệp, Nhà máy chế biến cà phê nhân xuất khẩu sẽ tạo tiền đề vững chắc, tạo niềm tin để người dân, chủ vườn yên tâm chuyên canh cây cà phê. Chính quyền địa phương khuyến khích người dân mở rộng diện tích tái canh diện tích già cỗi trước đây. Phía Công ty TNHH xuất nhập khẩu cà phê Việt Bắc cũng cam kết với chính quyền, người dân về việc hỗ trợ phân bón, nguồn cây giống để các hộ dân tái canh, mở rộng diện tích cây cà phê.
Niên vụ cà phê năm 2021 “được mùa, được giá, được bao tiêu sản phẩm”, người dân trồng cây cà phê trên địa bàn Mường Ảng đã có được những tín hiệu vui. Đây là cơ sở nền tảng để ngành sản xuất, chế biến cà phê ở huyện Mường Ảng phát triển sau nhiều năm thăng trầm.
Về phía huyện Mường Ảng, quan điểm của địa phương là tiếp tục chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn và các xã trên địa bàn tiếp tục rà soát những diện tích cà phê già cỗi và có kế hoạch tái canh, mở rộng diện tích nhằm đảm bảo sản phẩm, đáp ứng công suất vận hành của nhà máy.
Chính quyền địa phương quan tâm, hậu thuẫn, doanh nghiệp hỗ trợ, đồng hành cùng phát triển là những điều kiện tốt để người trồng cà phê trên địa bàn Mường Ảng có thêm động lực, niềm tin, yên tâm đầu tư, phát triển, đưa thung lũng Mường Khoe trở thành vùng chuyên canh cây cà phê lớn nhất trên địa bàn tỉnh Điện Biên.