Vực dậy cây cà phê chè Quảng Trị
Giá thu mua hạt cà phê chè giảm sâu khiến nông dân tỉnh Quảng Trị không mặn mà trong việc tái canh, năng suất và chất lượng vì thế giảm sút đáng kể.
Toàn tỉnh Quảng Trị có 4.666 ha cà phê chè, tập trung ở huyện miền núi Hướng Hóa, trong đó có 4.200 ha cho thu hoạch. Tuy nhiên, theo thống kê, có đến 53% diện tích cà phê đã già cỗi, thoái hóa và nhiễm sâu bệnh nặng.
Trước tình hình đó, tỉnh Quảng Trị thực hiện đề án Tái canh và phát triển bền vững cây cà phê chè trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017-2020, có tính đến năm 2025. Theo kế hoạch, giai đoạn 2017-2020, Quảng Trị sẽ tái canh 800 ha, trong 5 năm tiếp theo sẽ tái canh 1.110 ha. Phần lớn diện tích cà phê cần tái canh tập trung vào 10 xã ở huyện Hướng Hóa. Để thực hiện đề án này, tỉnh Quảng Trị đã huy động nguồn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước và các tổ chức, cá nhân với tổng kinh phí đến hết năm 2020 là gần 10 tỉ đồng nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất, chế biến cà phê.
Tuy nhiên, đến cuối năm 2020, diện tích trồng mới và tái canh cây cà phê ở địa phương chỉ đạt 490/800 ha, chiếm 61% so với kế hoạch. Có nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu là do giá cà phê giảm sâu trong nhiều năm liên tiếp (chỉ còn khoảng 3.000 – 5.000 đồng/kg), người trồng càng làm càng lỗ nên không còn mặn mà trong việc trồng mới và tái canh. Nhiều người dân ở “thủ phủ” cà phê Hướng Hóa còn bỏ vườn, đốn hạ cà phê để chuyển sang trồng các loại cây ăn trái khác có hiệu quả hơn.
Ông Trần Thanh Hiền, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị, cho hay dù gặp nhiều khó khăn nhưng theo kế hoạch, tỉnh vẫn duy trì ổn định diện tích 4.500-5.000 ha cà phê; hằng năm trồng mới, tái canh khoảng 150-200 ha. Để thực hiện đề án tái canh có hiệu quả, cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền, ngành nông nghiệp tỉnh này đã đưa ra nhiều kế hoạch, giải pháp trọng tâm. Đặc biệt, sở này đang tham mưu UBND tỉnh Quảng Trị xây dựng đề án cây con chủ lực giai đoạn 2022-2026, để trình HĐND tỉnh phê duyệt vào cuối năm 2021, trong đó có cây cà phê. Đây là cơ sở để việc tái canh bảo đảm đủ diện tích và sản xuất hiệu quả.
“Theo tinh thần của đề án này, trong thời gian tới, tỉnh sẽ chú trọng tái canh, sản xuất cà phê theo hướng hữu cơ, VietGAP và ứng dụng khoa học – công nghệ cao. Tỉnh sẽ đầu tư nguồn lực mạnh hơn, không những hỗ trợ giống, phân bón, chế phẩm sinh học mà còn hỗ trợ người dân chứng nhận sản phẩm hữu cơ và xúc tiến thương mại, xây dựng kênh thị trường để tiêu thụ sản phẩm. Tái canh theo hướng hữu cơ sẽ đẩy giá thành thu mua hạt cà phê lên cao, thu nhập của người dân sẽ được cải thiện đáng kể” – ông Hiền tin tưởng.
Nguồn: Báo Người Lao Động