Xăng tăng, người lao động không dám uống ly cà phê
Đứng đón khách trước ga đường sắt quận Thanh Khê, TP.Đà Nẵng, nhiều tài xế xe ôm tặc lưỡi khi nhắc đến câu chuyện xăng tăng giá. “Sáng giờ chưa được cuốc xe nào, chúng tôi chỉ xin ngồi nhờ ở hàng nước chứ không dám uống ly cà phê” – một tài xế cho hay.
Thông tin giá xăng dầu tăng từ chiều 13.6 trở thành câu chuyện được người dân bàn tán từ trong nhà đến các quán cà phê. Nhất là với những lao động như tài xế xe ôm, dù là truyền thống hay chạy công nghệ, cuộc mưu sinh của họ giữa cái nắng gắt mùa hè trở nên nhọc nhằn hơn.
Ông Nguyễn Xuân Thanh (trú phường Tam Thuận, quận Thanh Khê) cho hay: “Nếu trước đây chạy xe mỗi ngày được 150.000 hay 200.000 đồng thì tôi còn có dư được 120.000 đồng. Nhưng nay giá xăng tăng lên, với 100.000 đồng tiền lãi chưa kể tiền hao mòn, xe chạy gió chiều về, tiền ăn uống bản thân còn khó đủ chứ nói gì lo cho gia đình. Khách du lịch bây giờ cũng chưa có bao nhiêu. Cuộc sống không thể thoải mái như lúc trước dịch bệnh nữa. Đến ly cà phê hay ly nước uống đợi khách cũng phải tính toán” – ông chia sẻ.
Cùng trao đổi về câu chuyện xăng tăng, ông Trần Viết Hiệp (trú đường Lê Duẩn, quận Thanh Khê) cho hay: “Xăng tăng, các chi phí từ điện nước, thực phẩm từ dầu ăn, mắm, muối, gạo đều tăng nhưng mỗi cuốc xe hiện nay không tăng. Chạy xe theo ứng dụng trên điện thoại, chúng tôi vẫn chỉ được tính giá tiền như cũ vì bên quản lý sợ mất khách, chứ người chạy xe thì đông mà, mình không chạy thì người khác chạy.
Trong khi đó, chai dầu ăn từ 28.000 đồng nay đã tăng 40.000 đồng rồi, đó là còn chưa kể loại dầu ngon dở. Xăng dầu tăng là mặc nhiên các mặt khác được dịp cũng tăng giá lên. Vậy thì làm sao người lao động xoay sở được”.
Đợt dịch COVID-19 kéo dài 2 năm vừa qua, không ít lao động như ông Hiệp đã phải dùng đến khoản chi phí dành dụm, tiết kiết nhiều năm qua để trang trải cuộc sống. Dịch được kiểm soát, tưởng rằng cuộc sống ổn định để bắt tay vào công việc, vừa kiếm tiền vừa để dành thêm thì nay, việc xăng dầu tăng khiến họ phải chạy lo cơm ăn từng bữa.
“Chúng tôi mong làm sao cho nhà nước bình ổn lại giá từ xăng dầu đến các loại lương thực, thực phẩm. Có vậy, người dân lao động mới bớt cực hơn được” – ông Hiệp nói.
Theo Lao động