5 loại thực phẩm hạn chế khi dùng với cà phê
Cà phê là đồ uống yêu thích của nhiều người nhưng hãy chú ý tới những gì bạn ăn hay uống khi đang sử dụng cà phê.
Nhiều người thích uống cà phê kèm một số loại đồ ăn, uống khác. Tuy nhiên, bạn nên chú ý một số thực phẩm không nên ăn khi đang sử dụng cà phê, nếu không sẽ gây nguy hiểm với sức khỏe.
1. Cà phê + sữa đặc
Sữa đặc là một thành phần phổ biến trong cà phê đá của Việt Nam. Tuy nhiên, sữa đặc là một trong những thành phần không tốt cho sức khỏe khi thêm vào ly cà phê. Chỉ hai thìa sữa đặc có đường đã chứa 22 gam đường và 130 calo. Thỉnh thoảng uống cà phê với sữa đặc có thể không sao nhưng nếu bạn dùng thường xuyên sẽ khiến cơ thể hấp thụ quá nhiều đường, dễ gây thừa cân, béo phì.
Thay vì sữa đặc có đường, hãy thử một loại sữa thay thế không thêm đường.
2. Cà phê + rượu
Tốt nhất không nên dùng cà phê và rượu cùng nhau. Chất cồn trong rượu vang có tác dụng kích thích, caffein trong cà phê cũng có tác dụng kích thích mạnh. Nếu uống cả hai cùng lúc sẽ khiến thần kinh căng thẳng, cáu gắt, uống khi bị đau đầu hay mất ngủ sẽ khiến tình trạng bệnh trở nên trầm trọng hơn.
Một số chuyên gia y tế đã chỉ ra rằng uống cà phê và rượu cùng một lúc sẽ gây hại lớn cho cơ thể, không chỉ ảnh hưởng tới chức năng của tim mà còn có thể gây ra các bệnh tim mạch nghiêm trọng. Nếu bạn đang gặp một vấn đề về tim hoặc một người bị nhịp tim nhanh kịch phát, uống cà phê và rượu cùng nhau sẽ gây ra hậu quả tồi tệ hơn.
3. Cà phê + trà
Hãy nhớ rằng không nên uống cà phê với trà. Cả trà và cà phê đều có chức năng tăng cường tuần hoàn máu, làm sảng khoái não và sảng khoái tinh thần, việc sử dụng cả hai sẽ tăng cường khả năng hưng phấn của thần kinh đại não, từ đó ảnh hưởng đến giấc ngủ.
4. Cà phê + Thực phẩm giàu sắt
Đừng ăn những thực phẩm giàu sắt khi uống cà phê nếu không sẽ làm giảm khả năng hấp thụ sắt của cơ thể. Sắt là một phần không thể thiếu của tế bào và tạo nên heme được vận chuyển bởi hemoglobin để giúp cơ thể vận chuyển chất dinh dưỡng vào tế bào. Thiếu sắt nghiêm trọng có thể gây ra thiếu máu.
Axit tannic có trong cà phê sẽ ảnh hưởng đến quá trình hấp thụ sắt của ruột, thậm chí làm giảm tỷ lệ hấp thu tới 75%. Do đó, sau khi ăn hoặc khi đang ăn các thực phẩm giàu sắt, không nên uống cà phê hoặc chỉ nên uống trước khi ăn, nếu không sẽ ảnh hưởng đến quá trình hấp thụ sắt.
Sắt có nhiều trong rong biển, gan động vật, thịt đỏ… Một số loại thực vật cũng rất giàu sắt như đậu Hà Lan, các loại hạt, đậu lăng, đậu xanh và các sản phẩm từ đậu nành.
5. Cà phê + Thịt
Tại sao không nên ăn thịt khi đang uống cà phê? Cà phê chứa tennat tạo liên kết với một số khoáng chất trong thực phẩm.
Uống cà phê có thể làm cho bạn bài tiết kẽm hoặc ảnh hưởng đến khả năng hấp thụ kẽm. Vì vậy, bạn nên tránh uống cà phê trong hoặc sau khi ăn thực phẩm có chứa kẽm, chẳng hạn như hàu, thịt đỏ, thịt gia cầm và đậu.
Theo eva