“Một ngàn lẻ một” cách thưởng thức cà phê Việt
Hương vị cà phê Việt đậm đà luôn để lại ấn tượng khó quên cho bất kỳ du khách nào lần đầu thưởng thức, tương tự như trải nghiệm văn hoá uống trà của người Nhật.
Với nhiều biến thể khác nhau như cà phê trứng, cà phê sữa chua hay sinh tố cà phê có thể thấy người Việt đã thực sự trân quý và xem văn hoá cà phê như một phần không thể thiếu trong cuộc sống thường ngày.
BÍ MẬT CỦA CÀ PHÊ VIỆT
Quá trình pha chế, cũng như sự pha trộn các loại hạt đã mang lại cho cà phê Việt những đặc trưng riêng không giống với cà phê của bất kỳ nơi nào khác trên thế giới. Hầu hết các đồn điền cà phê của Việt Nam đều tập trung ở Tây Nguyên, vùng đất được mệnh danh là ‘Châu Âu của Việt Nam’ vì khí hậu trong lành và đồi núi bạt ngàn. Bên cạnh cà phê, những tỉnh thành phía Nam cũng là nơi trồng nhiều các loại nông sản khác như trà hay hoa.
Nhưng điều gì thực sự làm nên hương vị thơm ngon hiếm có của cà phê Việt? Nhiều ý kiến cho rằng chính nhờ cách rang hạt cà phê truyền thống đã tạo ra hương vị đặc biệt đậm đà đó. Người Việt thường rang cà phê cùng rượu gạo, một chút muối và bơ. Chính bơ là lý do giải thích tại sao cà phê Việt Nam có thể nhỏ từng giọt chậm tới vậy bởi lẽ bên trong cà phê có một kết cấu dầu nhẹ. Một số tiệm rang xay còn thêm các hương vị như sô cô la hoặc caramel để khách hàng có thêm nhiều lựa chọn.
Một bộ lọc nhỏ giọt xuất hiện từ thời Pháp thuộc hay còn gọi là phin được đặt trên miệng cốc. Người uống sẽ rót nước nóng vào phin, đậy nắp lại rồi kiên nhẫn chờ từng giọt cà phê từ từ chảy xuống.
CÁC LOẠI CÀ PHÊ Ở VIỆT NAM
Ở Việt Nam, cà phê từ lâu đã không còn là một thức uống đơn thuần. Bên cạnh những loại cà phê truyền thống như cà phê nâu hay cà phê sữa đá, du khách còn có thể lựa chọn thưởng thức rất nhiều biến thể hấp dẫn khác của thứ đồ uống nổi tiếng này.
Cà phê sữa
Hầu hết người Việt sẽ uống cà phê với đường hoặc sữa đặc. Thói quen này được hình thành bởi trong thời kỳ đầu khi mới du nhập, người Pháp hầu như rất khó có thể mua được sữa tươi ở Việt Nam.
Cho đến ngày nay, sữa tươi vẫn không phải là nguyên liệu phổ biến trong các quán cà phê truyền thống. Ở miền Bắc, cà phê đen nguyên chất pha cùng sữa đặc có đường được gọi là cà phê nâu. Trong khi người dân miền Nam gọi là cà phê sữa. Mặc dù, nhiều người thường lựa chọn thưởng thức cà phê sữa đá nhưng vẫn có ‘phiên bản nóng’ cho loại đồ uống này.
Cà phê sữa chua
Cũng giống như cà phê, sữa chua ban đầu được người Pháp du nhập vào Việt Nam và dần trở nên phổ biến trong ẩm thực địa phương. ‘Cà phê sữa chua’ nghe có vẻ là một sự kết hợp kỳ quặc, nhưng vị béo ngậy của sữa chua hòa cùng sự đậm đà của những giọt cà phê đen chắc chắn sẽ không khiến một vị khách nào thất vọng.
Cà phê trứng
Lòng đỏ trứng gà được đánh bông cùng sữa đặc tạo thành ‘lớp bọt khí’ vàng óng quyến rũ phía trên tầng cà phê đậm đặc là điểm nổi bật của món đồ uống vốn được mệnh danh là ‘tiramisu của người Việt’. Cà phê trứng lần đầu tiên xuất hiện ở Hà Nội vào những năm 1940, khi sữa khan hiếm và người dân nghĩ ra cách dùng lòng đỏ trứng để thay thế. Tiệm ‘Café Giảng’ là điểm đến không thể bỏ qua cho những ai mong muốn thưởng thức món đồ uống hấp dẫn này ở Việt Nam.
Cà phê cốt dừa
Vẫn có nhiều tranh cãi xung quanh nguồn gốc công thức của loại cà phê này. Tuy nhiên có một điều chắc chắn là nó đã trở thành món đồ nhiều người trẻ Việt yêu thích trong vài năm trở lại đây. Cà phê đen với sữa đặc được pha thêm cốt dừa tạo thành một món đồ uống đá xay hiện đại. Một phiên bản ‘truyền thống’ hơn được bán ở những quán hàng nhỏ là cà phê nâu trộn với nước cốt dừa và sữa tươi.
Sinh tố cà phê
Trong những năm gần đây, cà phê thậm chí còn được kết hợp với sinh tố trái cây. Các cửa hàng nước ép trái cây nổi tiếng đã sử dụng hỗn hợp kem trái cây tươi với một chút cà phê Việt, đôi khi còn cho thêm sữa chua hoặc hạt điều. Ở Hà Nội, hãy thử sinh tố cà phê trộn chuối và bơ. Còn trong Sài Gòn thì chắc chắn không nên bỏ qua món sinh tố cà phê sapoche (cà phê pha trộn cùng hồng xiêm, một loại trái cây đặc trưng của miền nhiệt đới). Cả hai đều là sự kết hợp hoàn hảo của caffein và vitamin.
Theo Vietnamnet