Văn hóa

Bên ly cà phê

Share

Tôi thích những câu chuyện được kể bên ly cà phê.

Khi những chiếc máy pha cà phê trở nên phổ biến, câu chuyện xoay quanh nó cũng ít hơn. Người ta mua lấy một cái máy và chọn một đơn vị rang xay. Người vào uống gọi lấy một cốc và không cần dò xét xem nó như thế nào. Bạn có thể uống một ly cà phê pha máy ở Huế, Sài Gòn, Hà Nội hay một tỉnh, thành xa xôi nào đó mà không có quá nhiều sự sai khác trong hương vị.

Tôi nhớ quán cà phê Bà Năm trên đường Phan Bội Châu của Đà Lạt, Nắng ở Đông Hà, những quán cóc không tên trên đường Trương Định, Phạm Hồng Thái, Nguyễn Trường Tộ… tại mảnh đất Cố đô. Ở đó, cà phê có vị rất riêng. Vị độc quyền của người bán.

Hai cụ bà trong quán nhỏ Bà Năm cũng đã lớn tuổi. Thao tác của cụ chậm rãi từ pha, nấu, hong, giặt sạch túi vải lọc cà phê và chậm rãi cả khi bỏ đi bã cà phê. Bà rót từng nhịp Đà Lạt vào chiếc cốc thủy tinh nhỏ nhắn và kể cho tôi nghe hành trình mấy chục năm bán cà phê. Sau bao thăng trầm, bao lần đổi vị trí, cà phê của bà duy nhất một hương vị. Tôi nhấp từng ngụm nhỏ và thấy mình đang là thực khách của ngày xưa, của xứ sở sương mù mấy chục năm về trước. Và khi nghe tin hai bà không còn nữa, trong tôi hiện về đủ đầy một Đà Lạt với những ấm áp, thơm tho và cả những mất mát mơ hồ.

Còn với Nắng, đó là thứ cà phê được làm nên bởi một người đàn ông chưa bao giờ dính dáng tới bếp núc. Anh tập tành và trưởng thành qua mỗi mẻ rang. Lửa và thời gian được canh đo tỉ mỉ để sao ra được thứ hương vị cà phê anh mong muốn. Nhìn tay người đàn ông xoay xoay trên chiếc chảo rang cà mới thấy hết những tận tâm, lòng yêu nghề và sự cầu tiến. Nên mỗi lúc có dịp, tôi đều ngồi lại nơi quán anh để uống lấy một thứ năng lượng tích cực mà anh gửi gắm.

Hay như thời sinh viên ở Huế, có ai qua được cám dỗ của những quán vỉa hè ngập bóng im của cây cối. Trương Định, Nguyễn Trường Tộ, Phạm Hồng Thái… tên những con đường gắn với cà phê “cóc”. Cà phê ở đó rẻ và vui, thoáng đãng và dễ chịu. Thứ nước màu đen trong tách cà phê luôn kèm theo mùi đậu nành, bắp hạt, hương sữa bột, vị đắng ngắt… Mà nào có hề gì, ở đó chúng tôi uống câu chuyện của nhau, của ánh nắng Cố đô và cả nụ cười người bán. Chưa bao giờ thấy những o chú ở đó trao đến khách hàng mà không kèm theo nhiều điều miễn phí như trên.

Bây giờ, thỉnh thoảng tôi vẫn trở về Huế. Bỏ qua không gian hiện đại, bỏ qua những món uống chuẩn công thức, tiêu chí, tôi chọn lấy một chiếc ghế nhựa thấp trên những con đường quen. Gọi một ly cà phê ít sữa như ngày xưa và nhâm nhi chúng. Trong tôi hiện về nụ cười cô bạn, ánh mắt người thương và cả những hồn nhiên tuổi trẻ. Bởi những thứ đó không thể mua được ở đâu khác nữa.

Con người mang đến nhiều cảm xúc hơn máy móc. Như khi uống một ly cà phê pha máy, tôi biết nó ngon hoặc dở, nhiều hay ít cà phê mà không rõ những gì đằng sau đó. Sự hiện đại cắt mất những câu chuyện và người ta cũng thôi đi tìm chúng. Thôi biết có một cụ bà mấy chục năm vẫn giữ gìn một hương vị cho thực khách. Thôi biết một người đàn ông vụng về bếp núc lại thành thạo trên những mẻ rang. Và quên mất một nụ cười thật tâm khi trao gửi món hàng. Chúng ta, những người bán và người mua dễ lẫn lộn đâu đó trong những cỗ máy của sự hiện đại. Và đôi khi chúng ta không còn cần câu chuyện, không nhận thấy chính mình.

Và hôm rồi trở lại quán cà phê “cóc” quen ở Huế, bên ly cà phê vừa cầm lấy, tôi nghe thấy “o nhìn con quen quen…”. Thế là câu chuyện của chúng tôi bắt đầu…

Theo Thừa Thiên Huế 

 

Share