Câu chuyện khởi nghiệpMở quán cà phê

Ba bài học khi bỏ 500 triệu đồng mở quán cà phê

Share

Sau ba năm mở quán nước, bài học để đời mà tôi rút ra đó là phải luôn chủ động được dòng tiền để duy trì hoạt động kinh doanh.

Lần đầu kinh doanh, tôi bừng bừng khí thế rút ra 500 triệu tiết kiệm để mở một quán nước nhỏ. Đinh ninh rằng mình mở quán ở quê, lại không tốn phí mặt bằng nên tôi thả lỏng ngân sách của mình.

Đến cuối tháng ngồi hoạch định chi tiêu, tôi mới giật mình khi dòng tiền vào gần như không đủ trang trải cho dòng tiền ra.

Tôi quyết định “cải tổ” lại phương thức kinh doanh của mình. Hạn chế những chi phí không cần thiết như trang trí (mặc dù quán xá phải trông đẹp mắt một chút), cắt giảm nhân viên, loại bỏ những món nước ít được gọi để tiết kiệm chi phí trữ lạnh…

Có thể quán tôi chưa sinh lời ngay lập tức, nhưng chỉ riêng mục cắt giảm này cũng tiết kiệm cho tôi một khoản không nhỏ.

Sau đây là ba bài học để đời mà tôi rút ra khi kinh doanh được ba năm:

1. Linh hoạt để trụ vững

Dịch Covid-19 ập đến, doanh nghiệp “chết” rất nhiều. Mặc dù tôi may mắn không phải tốn tiền thuê mặt bằng, vẫn còn nhiều chi phí bảo trì cần chi trả. Thế nên tôi cũng học hỏi nhiều hộ kinh doanh khác, chuyển hết sang mặt bằng online. Đăng bài vào các nhóm ở địa phương mình, ship hàng tận nơi…

Dù cực vì phải làm việc của hai, ba người (nhân viên tạm nghỉ hết), và lợi nhuận chỉ bằng 20 – 30% so với trước dịch, tôi vẫn cảm thấy rất mừng vì mình đã vượt qua giai đoạn thách thức đó.

2. Luôn luôn nghĩ kỹ rồi mới làm

Đặc biệt là chuyện tiền nong. Bạn không cần phải đạt điểm 10 môn kinh tế ở đại học mới kinh doanh thành công được. Trên thực tế, qua các diễn đàn, tôi được biết rất nhiều anh chị em dù chỉ mới học hết cấp 3 hoặc điểm đại học cũng làng nhàng, vẫn có thể một tay chèo lái quán xá.

Ở đây tôi muốn nói đến tầm quan trọng của việc lên kế hoạch. Bạn dự định chi tiêu cho cái gì, quan trọng ra sao, có cắt giảm hoặc loại bỏ ngay từ đầu được không… Hãy lên kế hoạch thật kỹ lưỡng như thể đây là lần kinh doanh duy nhất trong đời: Được ăn cả, ngã về không.

3. Chọn đúng khoản vay, nguồn tiền hỗ trợ

Nếu không có đủ tài chính ngay từ đầu mà phải nhờ đến hỗ trợ bên ngoài thường sẽ có những suy nghĩ rất mông lung: Có nên vay bà con, gia đình, bạn bè? Nên vay ngân hàng hay bên ngoài? Vay người thân thì lãi suất thấp. Vay ngân hàng thì đảm bảo, nhưng nguồn tiền không nhiều… vì vậy cần cân nhắc thật kỹ lưỡng và lên kế hoạch kinh doanh, phương án trả tiền vay hàng tháng.

Qua hai năm, tôi đã hoàn tất trả nợ do quán nước đã sinh lời nhiều. Có nhiều yếu tố quyết định thành bại cho nhiều doanh nghiệp, trong đó có cửa hàng của tôi. Tuy vậy, tôi nghĩ chúng ta đều có thể chủ động lên kế hoạch quản lý tài chính và con người kỹ lưỡng để giảm rủi ro và nhanh chóng kiếm lợi nhuận.

Theo VNE 

Share